Tỉnh táo kẻo “tiền mất, tật mang”

10:57 | 12/10/2021
(LĐTĐ) Đánh vào tâm lý mong muốn làm giàu, các “diễn giả” tìm mọi cách truyền thông điệp “muốn làm giàu chỉ cần có quyết tâm, nỗ lực” và đặc biệt là kèm theo tư duy “nghĩ lớn - làm lớn”, và cách thể hiện quyết tâm, nỗ lực ấy là không ngại ngần chi cả đống tiền với mong muốn thêm kiến thức.
Cảnh giác với muôn kiểu lừa đảo trên mạng xã hội Bẫy việc làm trên mạng Tiền mất, tật mang!

Đáng chú ý, nếu trường hợp nào lưỡng lự sẽ được diễn giả miễn phí tham dự các khóa học giá rẻ khác với hàng ghế VIP. Cao hơn nữa, người dạy làm giàu cam kết sẽ làm hài lòng học viên, nếu không sẽ được hoàn tiền.

Cứ như vậy, từ một vài khóa học cơ bản, dần dà đến các khóa chuyên tu đào tạo kỹ năng, các “diễn giả” xây dựng mạng lưới những khách hàng tiềm năng và liên tục truyền thông, giới thiệu về những khóa đào tạo “chuyên sâu” với mức học phí tăng dần đều. Nội dung chưa rõ như thế nào nhưng cách thức chung của những khóa học này là người có nhu cầu tham gia cần phải chuyển khoản học phí trước rồi và chỉ được nhận tài liệu khi trực tiếp tới tham gia khóa học.

Tỉnh táo kẻo “tiền mất, tật mang”
Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đào Đăng Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) chia sẻ, trên mạng xã hội hiện nay xuất hiện nhiều ngành nghề mới lạ được hướng dẫn thông qua các clip ngắn như: Dạy học trực tuyến, dạy ngoại ngữ, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, tập luyện thể dục thể thao…

Mặc dù theo quy định tại Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, các cá nhân bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp thì không cần đăng ký hộ kinh doanh, trừ một số trường hợp bắt buộc cụ thể do pháp luật quy định như thiết lập mạng xã hội, kinh doanh trò chơi trên mạng viễn thông, Internet.

Tuy nhiên, các cá nhân không đăng ký kinh doanh (thành lập hộ kinh doanh, doanh nghiệp) thì vẫn phải kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đầy đủ đối với các hoạt động làm việc có phát sinh lợi nhuận của mình.

Như vậy, nếu một cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội, mở các khóa học dạy bán hàng trực tuyến, thu tiền từ vài triệu đến vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng mà phát sinh thu nhập vượt mức giảm trừ thì đều phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp không kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đầy đủ, thì có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hành vi hóa đơn hoặc trốn thuế.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đào Đăng Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) chia sẻ, trên mạng xã hội hiện nay xuất hiện nhiều ngành nghề mới lạ được hướng dẫn thông qua các clip ngắn như: Dạy học trực tuyến, dạy ngoại ngữ, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, tập luyện thể dục thể thao… Mặc dù, theo quy định tại Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, các cá nhân bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp thì không cần đăng ký hộ kinh doanh, trừ một số trường hợp bắt buộc cụ thể do pháp luật quy định như thiết lập mạng xã hội, kinh doanh trò chơi trên mạng viễn thông, Internet.

Luật sư Đăng Sơn cũng cho biết, hình thức mở lớp dạy online trên các trang mạng xã hội, hiện không chịu sự quản lý của ngành giáo dục. Các chương trình dạy học và kiến thức này cũng không có sự kiểm chứng về nội dung, do vậy, mọi người cần phải thận trọng khi lựạ chọn các hình thức học như vậy.

Trong trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, các cá nhân có quyền khởi kiện dân sự khi cho rằng một bên đã vi phạm thỏa thuận hợp đồng, người tham gia khóa học có thể tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản các theo quy định tại Điều 174, Điều 175 Bộ luật Hình sự.

“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện việc dạy và học online được khuyến khích sử dụng, tuy nhiên các chủ thể phải tuân thủ các quy của pháp luật. Có rất nhiều điều bổ ích thu được từ các khóa học ngắn hạn nhưng cũng có những bất cập đang tồn tại.

Do đó, trước khi tham gia khóa học, người học cần tìm hiểu kỹ các thông tin về khóa học như chương trình dạy, giáo trình đào tạo, kỹ năng kiến thức của người diễn giả... Trong đó, quan trọng nhất là cần cảnh giác, tỉnh táo trước khi quyết định tham gia các khóa học thông qua các thông tin quảng cáo tràn lan như hiện nay, qua đó tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra”, luật sư Sơn nhấn mạnh.

Khát vọng làm giàu của mỗi cá nhân là hoàn toàn chính đáng, tuy nhiên cơ hội “giàu sau một đêm” hay “không giàu không thu tiền” chỉ có trong trí tưởng tượng, do đó, mỗi người dân cần phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo, trau dồi kiến thức pháp luật để đưa ra những quyết định sáng suốt tránh đầu tư tiền, tài sản của mình vào các khóa học online trá hình, lừa đảo vừa mất thời gian vừa mất tiền bạc./.

Anh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này