Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây

09:02 | 12/10/2021
(LĐTĐ) Triển lãm “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tổ chức vừa qua đã giúp công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về sự đổi thay của cảnh quan hồ Gươm trong những năm đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.
Có một Hồ Gươm thanh khiết, tĩnh lặng Phố đi bộ Hồ Gươm nhộn nhịp trở lại, người dân nghiêm túc đeo khẩu trang

Quá trình thay đổi diện mạo hồ Gươm

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I gây bất ngờ với công chúng bởi Triển lãm trực tuyến được thể hiện rất công phu, bài bản. Chỉ với một cú kích chuột, công chúng được trải nghiệm không gian hồ Gươm từ trên cao, chiêm ngưỡng nhiều tư liệu quý, xem video và lắng nghe thuyết minh sinh động.

Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây
Hình ảnh trong triển lãm trực tuyến “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây”.

“Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây” được thể hiện qua 3 chủ đề: Quá trình thay đổi diện mạo hồ Gươm; Bảo tồn không gian văn hóa lịch sử hồ Gươm; Hồ Gươm - Trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí. Hơn 100 tư liệu, hình ảnh, bản vẽ được trưng bày tại các không gian ảo như Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, Nhà hàng Thuỷ Tạ, Tháp Hòa Phong… Đó là những hình ảnh quen thuộc về đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội nói chung và người dân khu vực quanh Hồ Gươm nói riêng, các công trình do người Pháp xây dựng cùng nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa…

Các tư liệu cho thấy hồ Gươm khi Pháp bắt đầu chiếm đóng Hà Nội vẫn mang dáng dấp của ao hồ nông thôn. Từ năm 1884 trở đi, hồ Gươm trở thành trung tâm trong công cuộc quy hoạch thành phố Hà Nội bằng việc người Pháp bắt đầu làm đường nối khu Nhượng địa với khu vực Hoàng Thành cũ. Hệ thống phố đầu tiên của Hà Nội được hình thành, bắt đầu từ tuyến phố Paul Bert - des Incrusteurs (Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi), tiếp theo là phố Francis Garnier (phố Đinh Tiên Hoàng) và Beauchamps (phố Lê Thái Tổ), cùng các dãy phố song song tạo ra một hệ thống bao quanh hồ Gươm. Phía Đông hồ Gươm, người Pháp tập trung xây dựng các cơ quan hành chính chính trị đầu não của Chính quyền: Tòa Đốc lý, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, Bưu điện, Ngân hàng,... Cụm công trình này kết hợp với vườn hoa tạo thành một tổng thể trọn vẹn được thiết kế và xây dựng hoàn toàn theo phong cách quy hoạch, kiến trúc Pháp.

Là một người rất yêu Hà Nội, chị Hoàng My (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy thích thú và say sưa tìm hiểu những tư liệu quý giá tại “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây”. Mặc dù, hiện việc tham quan trực tiếp phải tạm dừng nhưng chúng tôi vẫn được tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu về văn hoá, di sản của Thủ đô, đặc biệt là hồ Gươm qua Triển lãm này. Đây là điều rất đáng quý và đáng ghi nhận”.

Bảo tồn không gian văn hóa, lịch sử hồ Gươm

Triển lãm “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây” còn giúp công chúng hiểu rõ hơn về việc bảo tồn không gian văn hóa, lịch sử hồ Gươm của thế hệ đi trước. Để sửa sang nơi đây, người Pháp đã cho phá bỏ toàn bộ các nhà tranh, đình, chùa, đền, miếu như: Đền Bà Kiệu, chùa Báo Ân, đền Vua Lê… Việc làm này đã tạo nên làn sóng bức xúc không chỉ đối với người dân Hà Nội mà với một số quan chức Pháp.

Theo tư liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, trước tình hình đó, Toàn quyền Đông Dương đã ký các Nghị định ngày 09/3/1900 và 15/4/1905 về việc bảo tồn các công trình lịch sử của thành phố Hà Nội (trong đó có đền Ngọc Sơn cùng đài Tháp Bút). Năm 1925, theo Nghị định ngày 11/7 của Toàn quyền Đông Dương, bất cứ một công trình lịch sử, tín ngưỡng nào đã được xếp hạng muốn được sửa chữa đều phải do Sở Quốc gia Bảo tồn cổ tích đề nghị. Sau năm 1937, Đốc lý Hà Nội ra Quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng một số công trình lịch sử, tín ngưỡng ở Hà Nội. Theo đó, có công trình phải dỡ bỏ hoàn toàn, có công trình chỉ cắt bỏ một phần. Ngày 21/02/1949, theo Quyết nghị số 36-ND của Thị trưởng Hà Nội, Ban trị sự đình, đền, chùa do Chánh ty Địa chính và Công sản thành phố được thành lập nhằm “quản trị đình, chùa một cách quy củ và hợp pháp; dung hòa quyền lợi của thành phố…”.

Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, Hà Nội đã có biết bao đổi thay. Trong đó, hồ Gươm đã nhanh chóng trở thành một trung tâm hành chính, tín ngưỡng, thương nghiệp, dịch vụ và văn hóa giải trí, “một vòng trang sức của Hà Nội”, một Giao lộ - điểm kết nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông – Tây.

Cùng với những nếp quen cũ, những tập quán sinh hoạt truyền thống của người Hà Nội, diện mạo mới của một đô thị phương Tây đã khiến cho lối sống của người dân có thêm nhiều điều mới, từ thói quen ăn mặc, cách trang trí nhà cửa đến nhu cầu giải trí. Sự cộng hưởng đó đã tạo nên một dấu ấn rất riêng cho hồ Gươm và khu vực Phố cổ.

Ngày nay, khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận là nơi tập trung nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật truyền thống với không gian mặt nước, cây xanh. Ở đó, người ta có thể nhìn thấy cả một chiều sâu văn hóa lẫn nét kiến trúc độc đáo như: Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên, tháp Rùa, tháp Hòa Phong,... Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, cái mất - cái còn, cái cũ - cái mới đã đan xen, hòa quyện tạo nên không gian văn hóa hồ Gươm.

Theo bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, hơn 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ được giới thiệu tại Triển lãm lần này chỉ là một phần rất nhỏ trong số rất nhiều tài liệu về Hà Nội hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Hy vọng rằng, triển lãm sẽ mang tới cho công chúng những hồi ức đẹp về hồ Gươm và Hà Nội xưa.

Dù trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, hồ Gươm vẫn luôn đóng vai trò là trung tâm, nơi hỗ trợ cho các hoạt động truyền thống, nơi chứng kiến và tiếp nhận những thăng trầm lịch sử của thành phố và người dân nơi đây. Tên gọi “hồ Gươm” sẽ luôn rạo rực và lắng sâu trong lòng người Hà Nội với âm vang “đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây” để rồi “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này