Gần 52% ứng viên tham gia khảo sát sẽ chuyển việc khi dịch Covid-19 kết thúc

21:36 | 06/10/2021
(LĐTĐ) Khi được hỏi về tình trạng hiện nay, có đến 41,5% người lao động tham gia khảo sát cho biết họ đã thôi việc và chưa có việc làm mới. Về lý do thôi việc, hơn 30% ứng viên cho biết họ nằm trong diện bị cắt giảm nhân sự của công ty.
Thị trường tuyển dụng nhân sự Quý III: Dự báo “nóng” mảng ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm Doanh nghiệp Nhật hạn chế tuyển dụng mới, tập trung phát triển đội ngũ nhân sự hiện tại 52% người lao động sẽ đi tìm việc làm mới trong vòng 3-6 tháng tới

Navigos Group - Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam hiện đang sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks, công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search hôm nay (6/10) đã công bố báo cáo về “Thị trường lao động trong làn sóng Covid thứ 4: Thực trạng và Hướng đi”.

Báo cáo được phân tích dựa trên ý kiến của 400 doanh nghiệp và 1.200 người tìm việc tham gia khảo sát trong tháng 8/2021.

Gần 52% ứng viên tham gia khảo sát sẽ chuyển việc khi dịch Covid-19 kết thúc
Đợt dịch Covid lần thứ 4 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm của người lao động.

Dữ liệu từ báo cáo cho thấy, hơn 87% người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Có thể thấy rằng đợt dịch Covid lần thứ 4 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, đời sống của người lao động.

Bằng chứng là khi được hỏi về tình trạng hiện nay, có đến 41,5% người lao động cho biết họ đã thôi việc và chưa có việc làm mới. Về lý do thôi việc, hơn 30% ứng viên cho biết họ nằm trong diện bị cắt giảm nhân sự của công ty. Tiếp theo, lý do người lao động nghỉ việc do bị cắt giảm lương và chế độ phúc lợi chiếm gần 25%.

Theo một thống kê khác trong bản báo cáo, lý do khiến người lao động chưa muốn chuyển việc trong thời điểm này chủ yếu là không tìm được công việc phù hợp để ứng tuyển với 67% ý kiến từ người tham gia khảo sát. 30% cho biết họ đã gửi hồ sơ cá nhân nhưng chưa được nhà tuyển dụng liên hệ. 22% cho biết các công ty không tuyển dụng trong thời gian này nên các cơ hội việc làm lại càng khan hiếm. 20,1% người cho rằng vị trí mà các công ty đang tuyển dụng không phù hợp với khả năng và định hướng nghề nghiệp của họ.

Chia sẻ về các giải pháp người lao động áp dụng để khắc phục khó khăn do Covid-19 gây ra, 52% ứng viên tham gia khảo sát cho biết họ áp dụng tiết kiệm chi phí sinh hoạt để vượt qua thời gian khó khăn do dịch bệnh.

Đứng trước những ảnh hưởng tiêu cực mà dịch Covid lần thứ 4 gây ra, rất nhiều người lao động đã phải nghỉ việc và chưa tìm được việc làm mới. Chính vì thế, biện pháp để đảm bảo cuộc sống trong thời gian giãn cách khó khăn này được 51,5% người lao động áp dụng là tiết kiệm lại chi phí sinh hoạt gia đình, tính toán chi tiêu hợp lý hơn.

Một biện pháp khác được 24,3% lựa chọn làm thêm bán thời gian một công việc thời vụ để đảm bảo thu nhập cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, 16,6% số người đã nghỉ việc và chưa có việc làm thêm đã phải sử dụng đến tiền tiết kiệm, tích lũy trong thời gian này. Một số người lao động đã chọn phương án về quê để giảm tiền phòng trọ trên thành phố.

Những phương pháp khác được người lao động đưa ra như: Vay tiền để trang trải cuộc sống, đầu tư chứng khoán, đàm phán lương với công ty hiện tại, học nghề mới, tự kinh doanh riêng…

Đáng chú ý, khi được hỏi về dự định trong tương lai, gần 52% người lao động cho biết sẽ chuyển việc sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Bên cạnh đó, hơn 30% người lao động quyết định vẫn sẽ làm việc tại công ty nếu lương và chế độ phúc lợi được giữ nguyên. 11% người lao động sẽ đề nghị tăng lương và chế độ phúc lợi được giữ nguyên sau khi hết dịch.

Những hướng đi khác được số ít người lao động lựa chọn là: Tìm kiếm công việc yêu thích, đúng chuyên môn ngành nghề, tìm công việc mới với mức lương và chế độ phúc lợi tốt hơn, tìm việc làm mới ổn định, có thể gắn bó lâu dài…

Làn sóng dịch Covid lần thứ tư diễn biến phức tạp, mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với cả 3 đợt dịch trước cộng lại.

Theo thống kê của khảo sát, khoảng 49,9% doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi như trước khi đại dịch xảy ra; đồng thời, có khoảng 11,6% doanh nghiệp tiếp tục gia tăng tuyển dụng trong thời điểm này; 3% doanh nghiệp đã tạm thời dừng hoạt động; 9,4% doanh nghiệp đã chọn cắt giảm nhân sự và cắt giảm lương; 7,3% đã cắt giảm nhân sự nhưng vẫn giữ nguyên lương, phúc lợi trước khi đại dịch xảy ra; và 18,9% chọn cắt giảm lương và phúc lợi nhằm giảm chi phí cho nguồn nhân lực hằng tháng cũng như thu nhỏ lại quy mô doanh nghiệp.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này