Chủ xe hay người vi phạm được đến lấy xe bị tạm giữ do vi phạm giao thông?

15:01 | 06/10/2021
Thực tế cho thấy, nhiều cá nhân điều khiển phương tiện không chính chủ tham gia giao thông trên đường, khi vi phạm quy định về an toàn giao thông, trong một số trường hợp họ sẽ bị tạm giữ xe. Điều khiến nhiều người băn khoăn là hết thời hạn tạm giữ theo quy định, chủ sở hữu xe hay người vi phạm được lấy xe ra?
Trường hợp được miễn, giảm tiền phạt vi phạm giao thông từ năm 2022 Quy định xử phạt vi phạm giao thông trên đường cao tốc tài xế cần biết rõ

Theo Khoản 1 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, việc tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông chỉ được áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết như; Để xác minh tình tiết là căn cứ để ra quyết định xử phạt; Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính, nếu không tạm giữ phương tiện sẽ gây hậu quả nghiêm trọng;

Để đảm bảo thực hiện quyết định xử phạt trong trường hợp chỉ phạt tiền mà người vi phạm không có giấy phép lái xe/ giấy phép lưu hành phương tiện/ giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện.

Mọi trường hợp tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm đều phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ: Tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của phương tiện bị tạm giữ đồng thời có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ và người vi phạm (trường hợp không xác định được/ vắng mặt/ không ký thì phải có chữ ký của 2 người làm chứng).

Chủ xe hay người vi phạm được đến lấy xe bị tạm giữ do vi phạm giao thông? ảnh 1
Phương tiện giao thông bị tạm giữ trong nhiều trường hợp

Về đối tượng đến lấy xe bị tạm giữ, Khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính nêu rõ, thông thường thời hạn tạm giữ phương tiện là 7 ngày tính từ ngày tạm giữ.

Đối với vụ việc phức tạp, cần xác minh thì được kéo dài thời hạn nhưng tối đa không quá 30 ngày.

Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp và thuộc trường hợp giải trình thì có thể được gia hạn tạm giữ phương tiện nhưng không quá 30 ngày.

Người đến nhận lại phương tiện phải là người vi phạm/ đại diện tổ chức vi phạm hành chính được ghi trong Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm (theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 47/2014 của Bộ Công an).

Khi đi phải mang theo Quyết định trả lại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Chứng minh nhân dân/ thẻ Căn cước công dân/ Hộ chiếu… (nếu không có một trong những giấy tờ này có thể xin xác nhận nhân thân của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú).

Như vậy, người đến nhận xe vi phạm phải là người vi phạm được ghi trong Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Cá nhân này có thể ủy quyền cho người khác đến nhận xe thay nhưng phải có văn bản ủy quyền được công chứng/ chứng thực.

Ngoài ra, tại Dự thảo Nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính đang được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Công an đã đề xuất người dân có thể đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ.

Điều 15 của Dự thảo quy định, tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện. Người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính có thẩm quyền quyết định cho tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông đó.

Sau khi hoàn thành thủ tục đặt tiền bảo lãnh, người có thẩm quyền tạm giữ giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản. Tổ chức, cá nhân được giao giữ, bảo quản phương tiện trong thời gian đặt tiền bảo lãnh không được phép sử dụng phương tiện vi phạm đó tham gia giao thông, không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện vi phạm nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ.

Theo L.H/anninhthudo.vn

https://anninhthudo.vn/chu-xe-hay-nguoi-vi-pham-duoc-den-lay-xe-bi-tam-giu-do-vi-pham-giao-thong-post482578.antd

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này