Đảm bảo an toàn cho học sinh khi ở nhà

08:23 | 23/09/2021
(LĐTĐ) Có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2,1 triệu học sinh, việc phòng tránh tai nạn thương tích, bảo đảm an toàn cho học sinh luôn được Thành phố và ngành Giáo dục Thủ đô xác định là nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, học sinh phải tạm dừng đến trường, vấn đề này càng được quan tâm hơn bao giờ hết.
Đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình học trực tuyến tại gia đình Đảm bảo an toàn trong công tác dạy và học trực tuyến

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Giáo dục Thủ đô xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến là giải pháp cần thiết, phù hợp nhất để bảo đảm an toàn cho học sinh, đồng thời đạt mục tiêu hoàn thành chương trình đạt yêu cầu. Tuy nhiên, giữa bộn bề những khó khăn đầu năm học thì ngày 10/9, thông tin một học sinh lớp 5, trú tại quận Thanh Xuân bị tai nạn điện giật tử vong tại nhà riêng khiến các nhà quản lý, giáo viên và phụ huynh lặng đi vì thương xót. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh, trong đó có vấn đề an toàn thiết bị học tập.

Chị Phạm Hoài An (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) chia sẻ: “Con tôi năm nay học lớp 3. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều phụ huynh khác cũng có chung nỗi lo về an toàn của các con khi học trực tuyến mà không có người lớn ở cạnh. Trong khi nhiều phụ huynh vẫn phải đi làm, việc học cùng con rất khó khăn”.

Đảm bảo an toàn cho học sinh khi ở nhà
Do dịch bệnh, học sinh học trực tuyến tại nhà nên đảm bảo an toàn cho các em là vấn đề quan trọng

Qua ghi nhận, ngay sau khi tai nạn thương tâm xảy ra, nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn Thành phố đã đẩy mạnh công tác cảnh báo, nhắc nhở, hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh cách phòng tránh tai nạn thương tích khi ở nhà mùa dịch. Trên nhóm lớp, nhiều giáo viên chủ nhiệm đã gửi thông điệp cảnh báo, nhắc nhở phụ huynh kiểm tra các thiết bị điện tử con đang sử dụng để học trực tuyến.

Trong hướng dẫn của Trường Tiểu học Thủ Lệ (quận Ba Đình), nhà trường nhắc nhở học sinh và phụ huynh thường xuyên quan tâm, kiểm tra các thiết bị học tập, bảo đảm an toàn trong quá trình học trực tuyến. Theo nhà trường, không gian của mỗi ngôi nhà có thể ẩn chứa nhiều nguy cơ, nếu thiếu sự giám sát của phụ huynh hoặc người chăm sóc, tai nạn thương tích có thể xảy ra cho trẻ khi học tập, vui chơi. Vì vậy, phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ cần quan tâm và tạo ra môi trường vui chơi đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhà, đồng thời hướng dẫn trẻ chủ động phòng tránh tai nạn thương tích.

Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Hai Bà Trưng) khuyến cáo phụ huynh kiểm tra lại các thiết bị điện trong nhà, đảm bảo các dây điện không hở và tránh xa bất kỳ nguồn nhiệt nào khác; dạy trẻ nhận biết những vật dụng, chất liệu có thể dẫn điện gây giật điện nguy hiểm đến tính mạng. Phụ huynh cần chủ động sử dụng những thiết bị điện thông minh, chuyên dụng có khả năng tự ngắt, hay dùng những thiết bị có nắp che phần ổ cắm cũng như để những món đồ nguy hiểm tránh xa tầm tay trẻ em. Ngoài ra, với các thiết bị điện trong nhà, phụ huynh nên sử dụng những biểu tượng cảnh báo để tạo thói quen cho trẻ nhỏ…

Theo tìm hiểu, đối với lứa tuổi học sinh, đặc biệt là cấp Tiểu học, có rất nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích khi ở nhà như bỏng, ngộ độc thức ăn, tắc nghẹn đường thở, động vật cắn, điện giật… Thực tế, đã có khá nhiều vụ trẻ em bị thương và tử vong mà nguyên nhân là do sự nghịch ngợm thiếu hiểu biết của trẻ, sự chủ quan, lơ là của người lớn. Có trường hợp trẻ bị điện giật tử vong vì sạc điện thoại giúp bố; có cháu bé 5 tuổi bị bỏng mặt và mắt, hoại tử 2 bàn tay vì cắm dây kẽm vào ổ điện. Còn rất nhiều trường hợp vừa sạc vừa dùng các thiết bị điện tử dẫn đến cháy nổ thiết bị, gây thương tích nặng nề cho người sử dụng…

Hiện nay, học sinh Hà Nội đang phải tạm dừng đến trường, học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều gia đình đã trang bị cho con các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại thông minh. Với thời khóa biểu khoảng 4 tiết học/buổi sáng, học sinh sẽ phải sử dụng thiết bị trong thời gian khá dài. Trong khi đó, không phải gia đình nào cũng có điều kiện trang bị thiết bị mới, hiện đại. Nếu sử dụng thiết bị cũ, học sinh sẽ phải vừa sử dụng vừa cắm sạc. Mặc dù hiểu về nguy cơ cháy nổ, song nhiều phụ huynh vẫn cho con vừa cắm sạc vừa học và nghĩ “chắc không sao, hết pin thì phải sạc”. Đây cũng là vấn đề đáng lo ngại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn bất ngờ.

Tăng cường giáo dục kỹ năng

Để phòng tránh những tai nạn thương tích cho học sinh khi ở nhà, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường thực sự cần thiết, đặc biệt là các kiến thức về an toàn thiết bị điện trong gia đình. Chị Phạm Thu Huyền (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cho rằng, bên cạnh học kiến thức thì việc trang bị những kỹ năng cơ bản cho trẻ là rất quan trọng, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi Tiểu học.

“Ở lứa tuổi này, trẻ còn nhỏ nên hay tò mò, nghịch ngợm mà chưa lường trước được nguy cơ. Nhiều người cho rằng trẻ học ở nhà thì sẽ đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, thực tế thì ngay trong không gian ngôi nhà cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích. Trên báo chí đã có khá nhiều thông tin về những vụ việc trẻ bị thương và tử vong ở nhà mà nguyên nhân là do sự nghịch ngợm, thiếu hiểu biết của trẻ, sự chủ quan, lơ là của người lớn. Nếu phụ huynh bỏ qua không dạy trẻ về cách sử dụng các thiết bị trong nhà, hoặc không nói rõ về hậu quả của những việc không được làm, trẻ sẽ có xu hướng tự làm theo cách hiểu của mình, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn bất ngờ” - chị Huyền bày tỏ.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Lan (giáo viên Trường Trung học cơ sở Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm), mỗi lứa tuổi có sự hiểu biết và cách tiếp thu khác nhau. Vì thế, phải trang bị cho các em những kiến thức về kỹ năng sống cơ bản, liên quan trực tiếp đến các hoạt động thường ngày. Việc này cần sự phối hợp rất lớn từ phía gia đình bởi thực tế, giáo viên dặn dò học sinh có thể quên, nhưng khi phụ huynh nhắc nhở thường xuyên hoặc đưa ra quy định thì con lại rất nhớ.

Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn cho học sinh các kiến thức về kỹ năng sống theo chủ đề qua các buổi nói chuyện của chuyên gia, các vở kịch của học sinh, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ hoặc trong tiết sinh hoạt của mỗi lớp. Tuy nhiên, để học sinh nhớ lâu, dần hình thành thói quen thì phụ huynh lại đóng vai trò lớn, đặc biệt khi học sinh ở nhà. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm cũng cần chủ động kết nối với phụ huynh để có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giải quyết những vấn đề của học sinh.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, những tai nạn thương tích xảy ra với học sinh, dù trong hay ngoài nhà trường đều hết sức đau lòng. Mỗi gia đình, nhà trường cần hết sức lưu tâm trong việc phòng ngừa, bảo vệ con trẻ. Trong thời gian học sinh phổ thông và trẻ mầm non tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ và học sinh cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Trong đó, giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn phụ huynh học sinh, học sinh các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích có thể xảy ra như điện giật, cháy nổ…

Được biết, trong quá trình học trực tuyến tại gia đình, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các nhà trường phải quán triệt đến toàn thể giáo viên tham gia dạy trực tuyến (đặc biệt là đối với cấp Tiểu học) phối hợp cùng phụ huynh trao đổi thông tin, quan tâm hỗ trợ kịp thời việc học tập của học sinh, tăng cường cảnh báo cho các phụ huynh học sinh về việc phải giám sát, kiểm tra độ an toàn của các trang thiết bị khi cho học sinh dùng và hướng dẫn học sinh tuân thủ những tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật của các thiết bị phục vụ học trực tuyến.

Để nâng cao chất lượng dạy học, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường cần tiếp tục đầu tư xây dựng kho học liệu điện tử dùng chung đảm bảo đúng yêu cầu về chuyên môn đề ra; quán triệt đến cán bộ, giáo viên, học sinh nâng cao ý thức khi khai thác tư liệu trên môi trường mạng phục vụ giảng dạy, học tập, cảnh giác trước những nguy cơ phát tán của những thông tin xấu, độc hoặc vô tình tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm dịch vụ không phù hợp với quy định của pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục và lối sống văn minh, tiến bộ. Cùng đó, các trường phải có quy định về kiểm soát, phê duyệt những tư liệu tranh, ảnh, hình nền, clip... của giáo viên, học sinh tự khai thác sử dụng làm tư liệu phục vụ dạy và học trực tuyến nhằm tránh những sai sót về mặt chuyên môn cũng như đảm bảo đúng các quy định của pháp luật trong các hình ảnh, tài liệu, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh…

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này