Chuyện của một Chủ tịch Hội Phụ nữ trong mùa dịch

08:34 | 23/09/2021
(LĐTĐ) Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Hà Nội đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, từ năng lực đến phẩm chất đạo đức cùng với đó là sự xông xáo và nhiệt tình. Chị Nguyễn Thị Thu Huyền - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phương Canh, cán bộ trẻ của quận Nam Từ Liêm là một trong những người như thế.
Lan tỏa tinh thần yêu thương trong mùa dịch Những thói quen cần thay đổi trong mùa dịch

Vận động hội viên tham gia trực chốt chống dịch

Trên cương vị là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phương Canh, chị Huyền đã chỉ đạo cán bộ, hội viên thực hiện nghiêm Chỉ thị 17, 18, 19 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chỉ đạo 100% cán bộ 9 chi hội tham gia trực chốt kiểm soát y tế trên địa bàn. Bên cạnh đó, chị còn vận động hội viên 2 chi hội phụ nữ tích cực ủng hộ đồ ăn, nước uống hoặc nấu bữa ăn đêm cho các thành viên trực chốt kiểm soát ca đêm (Từ 23h00’ đến 6h00’ hàng ngày tại 2 chốt).

Chuyện của một Chủ tịch Hội Phụ nữ trong mùa dịch
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phương Canh Nguyễn Thị Thu Huyền trao quà cho nữ lao động di cư gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Ngay từ những ngày đầu triển khai, đã có không ít khó khăn. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phương Canh bộc bạch: “Lúc đầu nhiều cán bộ tại chi hội còn e dè và có tâm lý sợ tham gia trực chốt. Bởi lẽ, cán bộ hội viên phụ nữ đều là những cô bác trung tuổi, cao tuổi, thậm chí nhiều người có bệnh nền. Ngày ngày trực chốt phải tiếp xúc với rất nhiều người, phải hứng chịu cái nắng gay gắt giữa trưa hè hay những cơn mưa bất chợt ập tới. Cá nhân tôi rất hiểu tâm lý của các cô bác nên kiên trì cùng Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ phường không ngừng làm công tác vận động tuyên truyền. Chúng tôi đã miệt mài đến từng nhà các cán bộ chi hội đó để tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình tham gia, đồng thời nhờ những người có uy tín trong gia đình, trong dòng họ vận động thêm, hướng dẫn chi tiết cách tự bảo vệ bản thân để phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.

Nhờ những nỗ lực và uy tín của mình, sau 3 ngày liên tiếp vận động, tại 12 chốt kiểm soát dịch trên địa bàn phường, nơi đâu cũng thấy bóng dáng những người phụ nữ, già có, trẻ có, tích cực cùng nhau hoạt động suốt 3 đợt giãn cách, trực chốt tại địa bàn.

Cùng với đó, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phương Canh đã triển khai tới 100% các chi hội vận động toàn thể hội viên ủng hộ khẩu trang, kính chắn giọt bắn, lương thực, thực phẩm, tiền mặt với mong muốn tặng quà và động viên kịp thời đối với đội ngũ cán bộ công tác tại Trung tâm y tế quận, trạm y tế phường và những thành viên trực chốt kiểm soát dịch trên địa bàn. Những khó khăn lại chồng chất khó khăn. Nhiều cá nhân phản ánh: “Dịch đến, công việc mất, chúng tôi lấy đâu ra tiền để ủng hộ”. “Tôi vô cùng trăn trở nhưng với quyết tâm cao nhất, tôi đã thành công khi truyền cảm hứng đến từng chi hội về hình ảnh những cán bộ làm công tác y tế, mặc dù không trực tiếp khám chữa, cấp cứu bệnh nhân nhưng họ luôn đi đầu trong “trận chiến” chống dịch Covid-19, xông pha vào tâm dịch để dập dịch nhanh chóng. Những thành viên trực chốt không ngại nguy hiểm, dù nắng mưa, ngày đêm... họ vẫn luôn kiên cường cùng đội ngũ cán bộ y tế phòng chống dịch”, chị Huyền tâm sự.

Nhờ đó, tập thể Hội Liên hiệp Phụ nữ phường đã vận động được rất nhiều vật dụng, lương thực phẩm và khoản tiền tuy không lớn nhưng đủ để động viên kịp thời các cán bộ đang làm việc tại Trung tâm y tế quận, trạm y tế phường và toàn bộ các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn phường.

Tổ chức chiến dịch cứu trợ phụ nữ và trẻ em

Không chỉ trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong công tác phòng, chống dịch, nữ cán bộ trẻ của Hội Phụ nữ phường Phương Canh còn là người rất tâm huyết với công tác hội và có tấm lòng nhân hậu. Nhận thấy, địa bàn được giao quản lý có lực lượng người thuê trọ (lao động tự do, công nhân, sinh viên) rất đông đúc và hầu hết họ bị kẹt lại do mất việc, không thể trở về quê nên công tác an sinh xã hội được chị Huyền đặt lên hàng đầu trong suốt thời gian giãn cách. “Với cương vị là Chủ tịch Hội Phụ nữ phường, tôi đặt mối quan tâm lớn đến đối tượng là phụ nữ và trẻ em. Cùng với các thành viên Câu lạc bộ thiện nguyện, mở đầu chiến dịch cứu trợ, chúng tôi đã tổ chức tặng quà 34 phụ nữ là hội viên của Hội Phụ nữ phường có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19”, chị Huyền cho biết.

Là người nhanh nhạy, chị đã vận dụng mạng xã hội và cùng toàn thể hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, chia nhỏ từng ngõ ngách, tổ chức rà soát thực tế và tặng quà đối với 200 lao động nữ di cư bị kẹt lại địa bàn. Những ngày làm công tác cứu trợ, chị Huyền đã tiếp xúc với nhiều cảnh đời éo le. Đó là những bà mẹ đang mang thai phải xa cách chồng do dịch bệnh, đó là những cặp vợ chồng với những đứa con thơ, tất cả đều mất việc do dịch Covid-19 mà vẫn phải chống chọi từng ngày đợi chờ dịch mau qua đi, đó là những nữ công nhân xa quê, không có lấy một đồng gửi về nuôi cha mẹ...

Là người nhanh nhạy, chị đã vận dụng mạng xã hội và cùng toàn thể hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, chia nhỏ từng ngõ ngách, tổ chức rà soát thực tế và tặng quà đối với 200 lao động nữ di cư bị kẹt lại địa bàn. Những ngày làm công tác cứu trợ, chị Huyền đã tiếp xúc với nhiều cảnh đời éo le. Đó là những bà mẹ đang mang thai phải xa cách chồng do dịch bệnh, đó là những cặp vợ chồng với những đứa con thơ, tất cả đều mất việc do dịch Covid-19 mà vẫn phải chống chọi từng ngày đợi chờ dịch mau qua đi, đó là những nữ công nhân xa quê, không có lấy một đồng gửi về nuôi cha mẹ...

Trong đó, nữ cán bộ trẻ đặc biệt xúc động đối với hoàn cảnh gia đình chị Trần Thị Hà - Tổ dân phố số 8, phường Phương Canh. Kinh tế gia đình chị gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Chồng mất việc, 5 đứa con nheo nhóc, nhiều ngày chưa được ăn một miếng bánh ngọt hay uống một ngụm sữa như các bạn cùng trang lứa. Cả gia đình 7 người trông chờ vào khoản tiền ít ỏi từ hàng bán hoa nhỏ lẻ tại chợ. Nhờ sự sâu sát với địa bàn, chị Huyền nắm rõ từng hoàn cảnh và đã trực tiếp đến thăm hỏi và tặng quà động viên gia đình chị Hà. Dù chỉ là một suất quà nhỏ bao gồm sữa, bánh, gạo, mỳ, gia vị nhưng cũng giúp gia đình chị Hà vơi bớt phần nào nỗi khó khăn, tủi hờn khi dịch đến.

Những ngày làm cứu trợ, ngoài những trường hợp nữ lao động di cư do chính Hội Liên hiệp Phụ nữ phường trao tặng quà, các trường hợp khác như nữ sinh viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn cũng được Hội phối hợp các ban ngành đoàn thể của phường kêu gọi các mạnh thường quân, tổ chức tặng quà lên tới hơn 1000 suất, đảm bảo không bỏ lại ai ở phía sau.

“Tại chốt kiểm soát dịch do tôi phụ trách, tôi đã từng giúp đỡ một cặp vợ chồng trẻ bị kẹt lại địa bàn. Vợ đang mang thai gần 3 tháng và có những dấu hiệu dọa sẩy thai. Đêm hôm đó, tôi cùng các anh chị em ở chốt liên hệ xe ô tô, cá nhân tôi đưa vợ chồng họ đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, giúp liên hệ bác sĩ khám và làm các thủ tục nhập viện. Sau khi thấy vợ chồng họ vào phía trong phòng cấp cứu của bệnh viện, tôi mới nhẹ lòng và quay đầu trở về, tiếp tục công việc tại chốt kiểm soát dịch của tổ dân phố”, chị Huyền tâm sự. Người vợ sau 2 ngày nằm viện trở về lại được chị Huyền tiếp tục làm công tác động viên, thăm hỏi, hướng dẫn chăm sóc tại nhà. Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phương Canh chính là chỗ dựa tinh thần cho các chị em phụ nữ trong lúc họ cần nhất.

Dù còn rất trẻ, mới chỉ ngoài 30 tuổi, nhưng nữ “thủ lĩnh” này đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong công tác Hội ở thời điểm cần “chống dịch như chống giặc”, xứng đáng với lời ngợi ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho chị em phụ nữ Việt Nam: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. /.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này