Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giữ vững thành quả chống dịch ở quận trung tâm Thủ đô

07:36 | 18/09/2021
(LĐTĐ) Sau thời gian phải ở nhà vì giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, khi được tiêm vắc xin và nới lỏng giãn cách, người dân rất phấn khởi. Nhưng lúc này, cũng rất dễ có tâm lý chủ quan. Vì vậy, để giữ vững thành quả phòng, chống dịch trên địa bàn, quận Ba Đình đã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Các cấp chính quyền cần chuẩn bị các kịch bản để trở về trạng thái bình thường mới Ngày đầu nới lỏng giãn cách: Hàng quán dè dặt mở cửa, có nơi chưa thực hiện dán mã QR Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Xác định cụ thể điểm phong tỏa để tiếp tục nới lỏng một số hoạt động

Mưa dầm thấm lâu…

Ban Tuyên giáo Quận ủy Ba Đình đã ban hành công văn gửi các phường, các đoàn thể đề nghị tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo Trung ương, Thành phố và quận về công tác phòng, chống dịch; triển khai đồng bộ các biện pháp thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân qua hệ thống nhóm zalo cơ sở, fanpage, infographic, loa phát thanh, tuyên truyền lưu động…

Bà Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Tư pháp quận Ba Đình cho hay, từ trước khi Thành phố thực hiện giãn cách, công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 đã luôn được quận Ba Đình chú trọng. Trong đó, có hai hình thức thiết thực, hiệu quả, dễ dàng truyền tải kiến thức pháp luật đến với người dân là tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh của các phường, các khu chung cư và phát tờ gấp đến tận hộ gia đình.

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giữ vững thành quả chống dịch ở quận trung tâm Thủ đô
Phường Đội Cấn vẫn duy trì trực các chốt kiểm soát "vùng xanh"

“Tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của các phường rất hiệu quả, trung bình mỗi ngày các phường tổ chức phát thanh 3 lần, nói đi nói lại nên người dân sẽ nhớ và chấp hành tốt hơn. Các kiến thức pháp luật được phát trên hệ thống loa truyền thanh của quận Ba Đình được biên soạn trên cơ sở các tài liệu được Sở Tư pháp Hà Nội cung cấp”, bà Hà cho biết.

Cùng với việc phát các tờ gấp với những nội dung khuyến cáo thực hiện tốt quy định 5K, 5T của Bộ Y tế, các mức xử phạt nếu vi phạm các quy định về phòng, chống dịch; các phường trên địa bàn quận Ba Đình cũng tổ chức cho 100% các hộ dân ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, quận Ba Đình cũng tổ chức thực hiện mô hình “Cầu thang pháp luật” tại các chung cư, thành lập trang zalo “UBND Quận Ba Đình” để thông tin nhanh chóng đến người dân các quy định mới, thay đổi của Thành phố, của quận về phòng, chống dịch.

Xử phạt vi phạm giảm

Trưởng phòng Tư pháp quận Ba Đình cho biết: “Chúng tôi xác định đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật để người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết, từ đó họ đồng thuận với các chủ trương phòng, chống dịch của Thành phố và tự giác chấp hành, hạn chế việc phải xử phạt. Tính từ ngày 1/9 đến 15/9, quận Ba Đình đã xử phạt 571 trường hợp vi phạm, phạt tiền 589,5 triệu đồng. Hiện nay, Thành phố đã cho phép nới lỏng giãn cách xã hội, càng phải tuyên truyền để người dân không ra đường ồ ạt, không chủ quan, vẫn thực hiện tốt các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19”.

Là người dân sống tại Tổ 18, phường Giảng Võ - ông Nguyễn Văn Lưỡng cho hay, hàng ngày gia đình ông đều chú ý lắng nghe các thông tin của phường thông báo trên hệ thống loa truyền thanh. “Các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, các quy định cấm, các mức xử phạt, rồi nới lỏng giãn cách như thế nào… đều được phường thông báo đầy đủ, người dân chúng tôi nắm bắt cũng dễ dàng”, ông Lưỡng chia sẻ.

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giữ vững thành quả chống dịch ở quận trung tâm Thủ đô
Người dân phường Đội Cấn lần lượt đến điểm xét nghiệm, đảm bảo giãn cách

Tại phường Đội Cấn, hình thức tuyên tuyền chủ yếu cũng là thông qua hệ thống loa truyền thanh. Hàng ngày, ngoài việc phát thanh về phòng, chống dịch bệnh, phường Đội Cấn còn tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan. Ngoài ra, phường tuyên truyền qua các bảng tin tại các Tổ dân phố, xây dựng nhóm zalo từ phường đến các Tổ dân phố và đến nhân dân.

Bà Ngô Minh Hằng, Chủ tịch UBND phường Đội Cấn cho biết, việc truyền tải thông tin qua ứng dụng này rất hiệu quả, các hình ảnh, văn bản được các Tổ dân phố tiếp nhận, rồi chuyển đến người dân rất nhanh chóng, kịp thời mà không tốn chi phí.

Với 121 hộ dân, hơn 500 nhân khẩu trong ngõ 68, Tổ dân phố 5 - địa bàn dân cư bị phong tỏa trong gần 40 ngày thì tất cả các hoạt động điều hành từ UBND phường đến bà con trong ngõ đều thông qua ứng dụng Zalo. Từ công tác tuyên truyền đầy đủ mà trong thời gian bị phong tỏa, người dân nắm bắt thông tin rồi hướng dẫn, giúp đỡ nhau chấp hành rất tốt. Ngoài sự hỗ trợ của UBND phường, bà con trong Tổ đã tổ chức chăm lo cho nhau, hỗ trợ nhu yếu phẩm, đi chợ hộ… Trong đó, điển hình là Tổ trưởng Tô Văn Thịnh luôn tâm huyết, nhiệt tình, sát sao với công việc.

Khi tổ chức tiêm chủng vắc xin, xét nghiệm sàng lọc, phường Đội Cấn cũng tuyên truyền, thông báo qua loa truyền thanh và các nhóm zalo của các Tổ dân phố về ngày giờ, địa điểm để người dân biết và đến tiêm lần lượt chứ không phải đến từng nhà thông báo. “UBND phường phân công cho các lực lượng, đoàn thể chịu trách nhiệm tuyên truyền theo hệ thống, theo ngành dọc của mình, để tạo nên sự đồng bộ chung. Nhờ đó, công tác lấy mẫu đảm bảo 100%, tiêm vắc xin đạt trên 98% và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch”, bà Hằng cho biết.

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giữ vững thành quả chống dịch ở quận trung tâm Thủ đô
Công an phường Đội Cấn kiểm tra, nhắc nhở người dân đảm bảo khoảng cách sau khi được nới lỏng giãn cách xã hội

Sau khi Thành phố cho phép nới lỏng giãn cách, phường Đội Cấn đã đánh giá, phân loại từng vùng theo mức độ, nguy cơ, từ đó có biện pháp nới lỏng phù hợp. Với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, chủ cửa hàng và nhân viên ít nhất phải tiêm mũi 1 vắc xin mới được phép mở cửa hoạt động trở lại.

Phường đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn và ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn cài đặt Bluezone, dán mã QR… với 100% các cơ sở kinh doanh được phép mở cửa trở lại. Trong đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang về, đóng cửa trước 21 giờ.

“Người dân rất phấn khởi vì được nới lỏng giãn cách. Nhưng sau thời gian dài ở trong nhà, bây giờ được nới lỏng hơn, bà con có tâm lý muốn tự thưởng cho mình thứ gì đó, như đi ăn phở chẳng hạn, nên sẽ dễ dẫn đến đông người. Chúng tôi đã phân công lực lượng để nhắc nhở bà con đảm bảo giãn cách, tránh chủ quan”, bà Hằng cho biết.

Đúng như lời bà Hằng, để tránh tâm lý chủ quan, lơ là, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch cần duy trì thường xuyên để bảo vệ sức khỏe nhân dân, thực hiện tốt “mục tiêu kép”.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này