Các cấp chính quyền cần chuẩn bị các kịch bản để trở về trạng thái bình thường mới

10:58 | 17/09/2021
(LĐTĐ) Sau gần 2 tháng giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19, 19 quận, huyện, thị xã của Hà Nội được công bố là “vùng xanh”, một số loại hình kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Trên nhiều tuyến phố, các chốt, trạm kiểm dịch ra, vào "vùng đỏ" cũng được dỡ bỏ. Điều quan trọng, nếu tới đây căn cứ tình hình thực tế, Thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, thì các cấp chính quyền cần phải có những kịch bản, phương án phòng, chống dịch mới hiệu quả.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Xác định cụ thể điểm phong tỏa để tiếp tục nới lỏng một số hoạt động Mở đợt cao điểm tuyên truyền xây dựng “Văn hóa phòng, chống dịch bệnh Covid-19” Người dân làng chài ven sông Hồng nhận hỗ trợ nhu yếu phẩm

Nhiều chốt trực đã được dỡ bỏ

Theo ghi nhận, dọc theo tuyến đường trục chính vào nội đô như Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Giải Phóng... hoặc các trục chính quanh khu vực quận Ba Đình, Tây Hồ các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 đã dần được tháo dỡ. Người dân di chuyển quanh các quận nội thành nằm trong “vùng xanh” không còn phải dừng lại để kiểm tra giấy đi đường.

Chỉ còn lác đác tại 1 số điểm thuộc quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm vẫn duy trì các chốt trực trong nội thành nhưng việc kiểm tra cũng không quá nghiêm ngặt. Nhiều chốt kiểm soát, lực lượng chức năng chủ yếu xem xét lượng phương tiện, nếu có trường hợp nào khả nghi thì mới dừng xe để kiểm tra kỹ...

undefined
Các phương tiện lưu thông trên các đường vào "vùng xanh" Hà Nội ngày 16/9 (ảnh: Niệm Lê).

Theo chủ trương mới của Thành phố, 19 quận, huyện, thị xã “vùng xanh” của Hà Nội đã được mở cửa trở lại một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hoà, Tây Hồ.

Người dân khi di chuyển trong các khu vực này sẽ không phải xuất trình giấy đi đường. Còn về nguyên tắc, người dân ở “vùng đỏ” vẫn phải tuân thủ nghiêm quy định giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ ra đường khi thật cần thiết và và vẫn phải có giấy đi đường.

"Vùng xanh"dần nới lỏng kinh doanh

Cùng với việc di chuyển thuận tiện hơn trước, việc kinh doanh trong các “vùng xanh” cũng dần được nới lỏng.

Các cấp chính quyền cần chuẩn bị các kịch bản để trở về trạng thái bình thường mới
Một số cửa hàng thiết yếu bắt đầu được mở cửa trở lại. (Ảnh: Tuấn Dũng).

Ghi nhận tại quận Ba Đình, 9h sáng 16/9, anh Trần Phương cùng 3 nhân viên đang nhanh chóng dọn dẹp cho cửa hàng phở của mình trên phố Phan Kế Bính. Theo anh Phương gần 2 tháng qua, anh phải gánh tiền thuê mặt bằng, tiền lương nuôi ăn ở cho 3 nhân viên, tổng chi gần 100 triệu đồng để hy vọng sớm mở cửa trở lại.

“Gần chục năm bán hàng, tôi chưa bao giờ gặp phải tình cảnh khó khăn như thời gian qua. Tôi mong chờ từng ngày quyết định nới lỏng. Nếu kéo dài thêm một tháng, tôi sẽ phải trả lại mặt bằng”, anh Phương chia sẻ.

Cách đó một dãy nhà, cũng nằm trong số các cơ sở được mở cửa, tiệm sửa xe của anh Phạm Hùng cũng mở cửa trở lại sau hơn 2 tháng. Nguồn thu nhập chính của gia đình bị ngắt quãng vì Covid-19. Nay được mở lại, anh Hùng vui vẻ chia sẻ: “Tôi rất vui vì bao ngày qua thèm cảm giác tay chân lấm lem dầu mỡ”.

Trong ngày đầu được mở cửa trở lại, chỉ có một mình anh Hùng lúi húi kiểm tra xe cho khách. Trước đây anh thuê hai thợ phụ nhưng đều đã về quê trách dịch chưa kịp lên. “Nghỉ giãn cách lâu nên mọi người chủ yếu đến bảo dưỡng thay dầu và ắc quy”, anh Hùng cho biết.

Trên phố Thụy Khê, nhiều cửa hàng bánh Trung thu cũng đã rục rịch mở cửa trở lại...

Quyết không chủ quan, lơ là

Bên cạnh những niềm vui khi được mở cửa trở lại, nhiều chủ cửa hàng cũng chia sẻ, để trở lại kinh doanh bình thường vẫn còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Chị Hoàng Bảo Phương, chủ một nhà hàng trên phố Linh Lang, cho biết, trong đợt giãn cách gần hai tháng qua, nhiều nhân viên của cửa hàng đã tạm về quê để tiết kiệm chi phí. Do đó, dù được phép bán mang về tuy nhiên cửa hàng cũng không có đủ nhân viên để duy trì.

“Chúng tôi mong muốn được sớm mở cửa trở lại nhưng cũng nhiều băn khoăn, do nghỉ dịch quá lâu chi phi để cửa hàng vận hành trở lại bình thường phải vài chục triệu nhưng lại không biết có duy trì được lâu không khi tình hình vẫn còn phức tạp”, chị Phương tâm sự.

Ngoài ra, một số chủ cửa hàng cũng cho biết thêm, theo quy định thì khi vào mua hàng mọi người sẽ phải quét mã QR. Cửa hàng mặc dù đã trang bị nhưng việc khai báo của khách hàng thì khó có thể kiểm soát được.

Các cấp chính quyền cần chuẩn bị các kịch bản để trở về trạng thái bình thường mới
Theo hướng dẫn của Thành phố, các cửa hàng được mở cửa trở lại bắt buộc phải cài mã QR. Cơ sở không chấp hành sẽ bị xử lý nghiêm (Ảnh: Niệm Lê).

Ủng hộ việc sử dụng mã QR, nhưng theo chị Tạ Lan Hương (ở Đặng Văn Ngữ, Đống Đa), việc làm này vẫn chưa “chuyên nghiệp”. “Chúng tôi đã tải ứng dụng và khai báo trên đó, tuy nhiên mỗi khi quét mã thì đều phải khai báo lại từ đầu lịch trình di chuyển, thậm chí phải chọn vùng di chuyển đến đi. Trong khi đó tôi nghĩ chỉ cần quản lý về cơ sở dữ liệu người khai là hoàn toàn đầy đủ. Việc này lặp đi lặp lại nhiều lần trong cùng 1 khu vực khiến việc khai báo rất mất thời gian”, chị Hương cho hay.

Cũng theo ghi nhận, nếu như tại một số khu vực “vùng xanh”, nhiều hoạt động đã dần được nới lỏng và vận hành bình thường trở lại, thì tại một số quận, huyện còn lại, công tác phòng, chống dịch vẫn được ưu tiên hàng đầu và người dân vẫn chấp hành hết sức nghiêm túc.

Thực tế tại các tuyến phố như Triệu Việt Vương, Trần Nhân Tông, Phố Huế (quận Hai Bàn Trưng), Hàng Ngang, Hàng Đạo (quận Hoàn Kiếm)..., lượng người ra đường không đông. Các cửa hàng kinh doanh vẫn nghiêm túc đóng cửa chờ Chỉ thị mới.

Các cấp chính quyền cần chuẩn bị các kịch bản để trở về trạng thái bình thường mớiCác cấp chính quyền cần chuẩn bị các kịch bản để trở về trạng thái bình thường mới Các cấp chính quyền cần chuẩn bị các kịch bản để trở về trạng thái bình thường mớiCác cấp chính quyền cần chuẩn bị các kịch bản để trở về trạng thái bình thường mới
Đường phố vẫn vắng vẻ tại các khu vực "vùng đỏ".

Trước đó, vào chiều ngày 15/9, thành phố Hà Nội cho phép 19 quận, huyện, thị xã “vùng xanh” được mở lại cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng.

Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng được hoạt động, song chỉ bán mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Với việc đa số người dân trên 18 tuổi đã được tiêm 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 (nhiều người đã tiêm đủ 2 mũi) và liên tục trong 2-3 ngày qua không phát hiện các ca F0 trong cộng đồng là điều kiện cần và đủ để cuộc sống sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, dịch bệnh trên quy mô toàn cầu vẫn diễn biến hết sức phức tạp, với quan điểm xuyên suốt "phòng bệnh hơn chữa bệnh", tuyệt đối không lơ là, chủ quan, các cấp chính quyền bên cạnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, của UBND thành phố Hà Nội, cần phải tiếp tục linh hoạt trong cách làm, xây dựng kịch bản khoa học, chi tiết để phòng, chống dịch một cách hiệu quả nhất khi bước vào trạng thái bình thường mới.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này