Người dân "vùng xanh" vui mừng được kinh doanh nhưng không lơ là phòng dịch

17:29 | 16/09/2021
(LĐTĐ) Sau khoảng 2 tháng đóng cửa, nhiều chủ quán và cả người dân tại một số quận, huyện ở Hà Nội không giấu nổi niềm vui khi được mở cửa một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ; cửa hàng ăn uống được phép bán mang về.
Chủ hàng phấn khởi, tất bật dọn dẹp để mở cửa trở lại Hà Nội: Các địa phương không có ca F0 ngoài cộng đồng tính từ ngày 6/9 được mở cửa hàng ăn uống bán mang về

Phấn khởi mở bán sau khoảng 2 tháng tạm dừng hoạt động

Chiều tối ngày 15/9, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 3804/UBND-KGVX về điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Theo đó cho phép các cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị đồ dùng học tập; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày tại các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng từ ngày 6/9.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến 18 giờ ngày 15/9, có 19 quận, huyện đáp ứng tiêu chí của UBND thành phố Hà Nội, gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hoà và Tây Hồ. Các quận, huyện còn lại đều ghi nhận các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng rải rác.

Người dân
Các cửa hàng tất bận dọn dẹp trước giờ đón khách.

Ghi nhận của phóng viên trong sáng ngày 16/9, ở khu vực nội thành Hà Nội, tại một số tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… đã có nhiều cửa hàng đã tất bật lau chùi bàn ghế, dọn dẹp thiết bị, nổi lửa chuẩn bị những món ăn phục vụ khách mang về.

Đúng 12 giờ trưa, cửa hàng bán bún chả của chị Trần Ngọc An tại Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) bắt đầu đón khách. Chị An bày tỏ sự vui mừng bởi hơn 50 ngày thực hiện giãn cách xã hội phòng chống Covid-19, cửa hàng chị đóng cửa hoàn toàn. Không kinh doanh trong một thời gian dài cùng với việc vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng khiến kinh tế của chị bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Trước thông tin UBND Thành phố cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống ở địa bàn không có ca mắc cộng đồng được mở lại bán mang về khiến tôi rất vui mừng. Ngay trong đêm 15/9 tôi đã gọi một bạn nhân viên đến dọn dẹp, lau chùi nồi niêu, vỉ nướng thịt”, chị An phấn khởi.

Chị An cũng cho biết thêm, sau khi mở bán trở lại, cửa hàng chị đã bán được khoảng 30 suất: “Chỉ được bán hàng mang về nên tôi chỉ nhập nguyên liệu cầm chừng chứ không nhập để dự trữ, khách ăn đến đâu thì mình gọi mang đến làm thôi. Số lượng hàng bán ra chỉ bằng 1/3 so với trước đây nhưng cũng vui rồi”.

Người dân
Đồ đạc sau gần 2 tháng không sử dụng đã được nhân viên cửa hàng đánh rửa sạch sẽ.

Tương tự, các cửa hàng kinh doanh ăn uống trên đường Nguyễn Phong Sắc, Nghĩa Tân, Tô Hiệu... (quận Cầu Giấy) cũng tất bật dọn dẹp, chuẩn bị nguyên liệu, món ăn, nước sát khuẩn khi được phép bán trở lại vào 12 giờ trưa 16/9.

Anh Phạm Thái Hà, chủ một quán ăn trên đường Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy) chia sẻ, việc được nới lỏng hoạt động kinh doanh vào thời điểm này là hợp lý. Bởi hiện tại mọi người đã ý thức hơn trong việc phòng, chống dịch Covid-19 và dịch trên địa bàn Hà Nội cũng bắt đầu được kiểm soát tốt hơn. Vợ chồng anh đã dành hẳn buổi sáng để vệ sinh, chuẩn bị dụng cụ bán hàng. Không như những lần trước đây chỉ chuẩn bị bát, đũa, đĩa, lần mở cửa trở lại này, vợ chồng anh đã chuẩn bị thêm những hộp nhựa để đựng đồ ăn cho khách hàng đến mua mang về cũng như thuận tiện cho người giao hàng mang đi.

"Ai cũng mong sớm được mở cửa trở lại kinh doanh bình thường để bù đắp cho những ngày phải dừng hoạt động do Covid-19, đồng thời có thêm nguồn thu nhập hàng ngày", anh Hà cho hay.

Không chỉ có các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phấn khởi được mở cửa trong đợt này, mà ngay cả các cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm, mực in, sửa chữa điện tử, máy tính... cũng rất vui mừng vì được mở cửa trở lại.

Chị Trần Bảo Loan (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, ngay từ đầu giờ chiều chị đã đến cửa hàng sách chọn đồ dùng học tập cho con. Do thời gian giãn cách kéo dài qua ngày khai giảng nên chị không thể mua được đầy đủ đồ dùng học tập cho con. “Việc Thành phố ưu tiên mặt hàng thiết bị văn phòng phẩm được mở cửa trong thời điểm này rất cần thiết, tạo điều kiện cho các con ổn định việc học tập, phụ huynh rất vui mừng”, chị Loan nói.

Người dân
Từ 12h trưa, các cơ sở kinh doanh bắt đầu hoạt động.

Phòng, chống dịch là tiêu chí hàng đầu

Bên cạnh việc cho phép các dịch vụ, cửa hàng kinh doanh hoạt động trở lại, UBND Thành phố cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo sự quản lý, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương. Thực hiện đẩy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc với nhân viên; thực hiện 5K; quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng; thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp. Chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Người dân
Cơ sở kinh doanh ăn uống đều treo biển chỉ bán mang về.

Chính vì vậy, các cửa hàng đã thực hiện treo biển “chỉ bán mang về”. Để đảm bảo phòng chống dịch, các hộ kinh doanh đều cam kết không tổ chức tụ tập đông người tại các khu vực mua, bán, luôn tuân thủ những quy định, phòng, chống dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế.

“Khi đến khách hàng đến tôi luôn nhắc nhở người dân đứng đúng quy định và ít trò truyện, để làm giảm thiểu khả năng lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Hiểu được sự quan trọng của mỗi người trong cuộc chiến chống dịch, chúng tôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch để bảo đảm an toàn cho bản thân và khách hàng.

Ngoài việc dọn dẹp, chuẩn bị nguyên liệu, cửa hàng còn trang bị nước sát khuẩn, khai báo y tế, mã QR... để khách hàng khai báo đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo đúng quy định của UBND thành phố Hà Nội”, chị Trần Ngọc An khẳng định.

Người dân
Tạo điểm quét QR Code khi đón khách.

Bên cạnh những vui mừng, nhiều cửa hàng vẫn canh cánh nỗi lo lượng khách hàng không ổn định do những khó khăn trong việc đi lại giữa các vùng của Thủ đô. Người có nhu cầu ăn, uống không thể tới được quán để mua hàng. Vì thế, dù có mở cửa, nhiều khả năng kinh doanh cũng khó có lãi.

Trước tình tình đó, theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, sau khi Thành phố quyết định nới lỏng một số hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố thì người dân "vùng đỏ" vẫn phải tuân thủ Chỉ thị 16/CT-TTg, còn ở "vùng xanh" việc kiểm soát giấy đi đường sẽ được điều chỉnh theo hướng thuận tiện hơn cho người dân, không phải xuất trình giấy đi đường.

Theo đó, người dân khi di chuyển trong các khu vực "vùng xanh" gồm 19 quận, huyện, thị xã trong trạng thái bình thường mới theo đánh giá của Sở Y tế sẽ không phải xuất trình giấy đi đường. Đối với, người dân ở "vùng đỏ" đi xuyên vùng phải có giấy đi đường theo quy định. Nếu có giấy đi đường thì người dân có thể đi xuyên vùng, nhưng việc kiểm soát sẽ phải được thực hiện rất chặt chẽ. Ở đây, tùy thuộc vào tình hình mà các quận, huyện, thị xã sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Ngân Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này