Quét mã QR code, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa

13:26 | 16/09/2021
(LĐTĐ) Song song việc các doanh nghiệp quay trở lại với hoạt động sản xuất tại các khu vực “vùng xanh”; thành phố Hà Nội triển khai áp dụng hệ thống quét mã QR code đối với những lái xe, người tham gia giao thông tại các cửa ngõ Thủ đô cho thấy, cách làm này không chỉ đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch, mà còn giúp tài xế di chuyển thuận tiện, rút ngắn thời gian vận chuyển lương thực, thực phẩm cho chuỗi cung ứng hàng hóa.
Chỉ mất từ 2-5 giây để quét mã QR Code tại 23 chốt kiểm soát cửa ngõ ra - vào Thủ đô Huyện Phú Xuyên đẩy mạnh khai báo y tế qua mã QR Code Ngày đầu kiểm tra giấy đi đường mã QR Code: Giao thông ổn định, không ùn tắc giờ cao điểm

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện toàn Thành phố đã thu hoạch trên diện tích 3.279,1 ha với sản lượng 19.363,9 tấn lúa/ngày, 204,2 ha với sản lượng 1.126,3 tấn rau, củ, quả/ngày; 74,3 ha cây ăn quả đạt sản lượng 446,6 tấn cây ăn quả/ngày. Số lượng gia súc gia cầm kiểm soát giết mổ/ ngày đạt 7.755 con, trong đó: trâu, bò là 109 con; lợn 1.669 con; gia cầm 5.977 con.

Số gia súc gia cầm qua kiểm dịch (nhập về Hà Nội và xuất đi các tỉnh/ngày) là 95.631 con; Lượng sản phẩm động vật được kiểm dịch (nhập về Hà Nội và xuất đi các tỉnh/ngày) là 393 tấn. Kiểm dịch con giống xuất ra/ngày 55.362 con; kinh doanh con giống nhập vào/ngày 12.500 con... Tổng sản lượng thủy sản lưu thông tại chợ Yên Sở đạt 70.420 tấn; số lượng xe lưu thông tại chợ là 56 xe...

Quét mã QR code, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa
Quét mã QR code, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.

Hiện, lúa mùa đang bước vào giai đoạn thu hoạch tại các phân vùng, năng suất trung bình ước đạt 59,6 tạ/ha; diện tích, sản lượng cây rau tại các vùng đều giảm do thu hoạch bước vào giai đoạn cuối vụ; không phát sinh dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc... Đây thực sự là những con số ấn tượng khi toàn Thành phố vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội theo phân vùng.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để bảo đảm lưu thông hàng hóa, Thành phố đã xây dựng phương án huy động và điều động phương tiện vận chuyển hàng hóa trên địa bàn. Từ phương án này, Sở Giao thông vận tải đã duyệt cấp mã QR code đăng ký cho các xe tham gia vận chuyển cung ứng hàng hóa.

Nhờ đó, hàng hóa của các doanh nghiệp được lưu thông bình thường, đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn. Thành phố Hà Nội có hơn 51.000 xe ô tô được cấp luồng xanh quốc gia; 26.133 xe máy được cấp mã QR code của Sở Giao thông vận tải. Bên cạnh đó, mỗi quận, huyện, thị xã huy động trung bình 5 xe tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa. “Xe ô tô được phép hoạt động theo quy định thực hiện cung ứng, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, các vùng vào Vùng 1; các shipper chỉ hoạt động trong Phân vùng 1”, đại diện Sở Công Thương cho biết.

Đánh giá về kết quả triển khai trong đợt giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị tạm đóng cửa nhưng chính quyền và hệ thống phân phối đã triển khai các hình thức cung ứng hàng hóa đa dạng đến người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân mua bán thuận tiện. Các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng; chủ động đưa hàng về các kho trong Thành phố.

Các cơ sở chế biến tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, các hệ thống phân phối đa dạng các hình thức bán hàng (bán hàng truyền thống, bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, tổ chức bán hàng lưu động, bán hàng không người bán, đăng ký phục vụ 24/24/7...) để phục vụ nhân dân.

Về phương án đảm bảo nguồn cung, điều phối hàng hóa cho 3 Phân vùng phục vụ giãn cách xã hội trong tình hình mới, Sở Công Thương Hà Nội cho biết mạng lưới cung ứng, phân phối trên toàn địa bàn Thành phố gồm 103 siêu thị, 449 chợ và 9.546 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu. Các điểm bố trí làm kho, bán hàng lưu động có 2.500 địa điểm.

Các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm 210 đơn vị; Các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm 52 đơn vị; 150 kho hàng. 125 đơn vị trồng trọt các mặt hàng thiết yếu; 378 doanh nghiệp chăn nuôi gia súc gia cầm; 16 đơn vị có khả năng cung ứng hàng hóa phục vụ trẻ em, người cao tuổi; 52 đơn vị sản xuất khẩu trang, 5 đơn vị sản xuất nước sát khuẩn, nước rửa tay khô. Các doanh nghiệp, điểm bán có hình thức bán hàng online trực tuyến gồm 35 doanh nghiệp là các sàn thương mại điện tử và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu./.

T.Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này