Các cấp Công đoàn đã chi gần 4.400 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

20:00 | 15/09/2021
(LĐTĐ) Để kịp thời chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ người lao động (NLĐ), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ và chỉ đạo các cấp Công đoàn tích cực vào cuộc để động viên, thăm hỏi, tặng quà, chuyển nhu yếu phẩm khẩn cấp cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhất là NLĐ khó khăn do mất việc, giảm việc làm, nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Tổ chức Công đoàn cảm ơn và chia sẻ với khó khăn, vất vả của những “chiến binh áo trắng” Tổ chức Công đoàn tiếp thêm động lực, hỗ trợ người lao động vượt qua những ngày gian khó Tổng Liên đoàn phát động thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”

Thông tin về kết quả chăm lo, hỗ trợ của tổ chức Công đoàn đối với đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 lần thứ tư (từ ngày 27/4/2021), bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết: Ngay khi dịch bệnh xảy ra, trên cơ sở khảo sát và đánh giá tình hình khó khăn của NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần thứ tư.

Các cấp Công đoàn đã chi gần 4.400 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang (trái ảnh) động viên bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tăng cường vào hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh chống dịch.

Cụ thể, sau khi dịch bùng phát và diễn biến phức tạp tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, Tổng Liên đoàn đã ban hành Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 (sau đó sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 3022/QĐ-TLĐ ngày 9/8/2021) về hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với phương châm không để NLĐ bị thiếu đói trong các khu nhà trọ bị phong tỏa. Các đối tượng được thụ hưởng gồm F0, F1, NLĐ gặp khó khăn do phải cách ly y tế, hoặc cư trú trong các khu phong tỏa, người bị tử vong do Covid-19.

Theo đó, đoàn viên, NLĐ tử vong do bị nhiễm Covid-19, là F0, F1, phải nghỉ việc để cách ly y tế, hoặc đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… sẽ được xem xét hỗ trợ mức cao nhất là 5 triệu đồng, thấp nhất là 500 nghìn đồng/người.

Đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch gồm các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung… được hỗ trợ từ 10-50 triệu đồng/đơn vị; cán bộ công đoàn hoặc đoàn viên, NLĐ được Công đoàn cấp trên huy động tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ từ 100-150 nghìn đồng/người/ngày…

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định hỗ trợ bổ sung khẩn cấp 6 địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) có đông NLĐ đang gặp khó khăn do Covid-19 tổng số 496.000 suất quà gồm nhu yếu phẩm, mỗi suất trị giá 150 nghìn đồng cho NLĐ đang sống tại khu vực phong tỏa.

Các cấp Công đoàn đã chi gần 4.400 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Ngô Văn Tuyến (phải ảnh) trao túi "An sinh Công đoàn" hỗ trợ đoàn viên công đoàn Yamaha Motor Việt Nam. (Ảnh: B.D)

Theo đánh giá của các cấp Công đoàn, việc ban hành sớm các chính sách và bổ sung ngay số quà là nhu yếu phẩm đã kịp thời hỗ trợ CNLĐ duy trì cuộc sống trong bối cảnh khó khăn gay gắt, động viên họ yên tâm ở lại địa phương, tích cực tham gia phòng, chống dịch, góp phần giữ chân NLĐ gắn bó với doanh nghiệp, giúp các địa phương sớm kiểm soát được dịch bệnh, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bà Trần Thị Thanh Hà cũng cho biết, để kịp thời chăm lo, hỗ trợ lực lượng y tế trực tiếp tham gia phòng, chống dịch tại các tỉnh phía Nam, ngày 11/8/2021, Tổng Liên đoàn đã ban hành Quyết định số 3040/QĐ-TLĐ về việc hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho đội ngũ y tế tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg với số tiền 1 triệu đồng/người. Gói hỗ trợ đã góp phần nâng cao sức khỏe, động viên tinh thần, khích lệ nhân viên y tế vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.

Bên cạnh đó, thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chung tay cùng với Chính phủ và các địa phương trong việc thực hiện yêu cầu nơi nào đảm bảo an toàn thì tổ chức sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp đang duy trì sản xuất, từ đó bảo đảm việc làm và chăm lo đời sống NLĐ được tốt hơn, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Quyết định 3089/QĐ-TLĐ ngày 24/8/2021 về việc hỗ trợ đoàn viên, NLĐ tại các doanh nghiệp đang triển khai phương án "3 tại chỗ".

Cụ thể, đoàn viên, NLĐ tại các doanh nghiệp đang triển khai phương án "3 tại chỗ" tại các tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg sẽ được hỗ trợ nâng cao chất lượng bữa ăn mức 1 triệu đồng/người. Tổng số tiền hỗ trợ dự kiến là trên 1.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, để chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp cũng như NLĐ trong bối cảnh dịch bệnh, Tổng Liên đoàn đã ban hành Công văn 2059/TLĐ ngày 28/5/2021 về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 12/2021; ban hành Công văn số 2475/TLĐ ngày 10/8/2021 về việc miễn đóng đoàn phí công đoàn từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021 cho đoàn viên có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Theo đánh giá của cấp ủy, chính quyền đồng cấp và các cấp Công đoàn, các chính sách của Tổng Liên đoàn ban hành được thực hiện trong thời gian qua rất kịp thời, nhanh nhạy, khá toàn diện về đối tượng, có ưu tiên các đối tượng khó khăn thực sự, lực lượng tuyến đầu.

Các cấp Công đoàn đã chi gần 4.400 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Cán bộ Công đoàn quận Long Biên và chính quyền địa phương trao quà động viên gia đình NLĐ đang thực hiện cách ly y tế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. (Ảnh: B.D)

Các cấp Công đoàn đã chi nguồn lực lớn để hỗ trợ NLĐ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đồng hành với Chính phủ, góp phần ổn định tình hình trong CNLĐ, giúp các địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh, khẳng định vai trò, trách nhiệm và quyết tâm cao nhất của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh khủng hoảng, được đoàn viên, NLĐ và xã hội đánh giá cao.

Đặc biệt, tại những nơi dịch bùng phát, đoàn viên và cán bộ công đoàn ngày đêm không quản ngại khó khăn, hiểm nguy, có mặt tại tâm dịch, cứu chữa, giành lại sự sống cho nhân dân, giúp đỡ đoàn viên, NLĐ khó khăn, hoạn nạn, đã tiếp nối thêm truyền thống của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, tiếp thêm sức mạnh để cả dân tộc ta chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh.

Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, tính đến ngày 13/9/2021, Công đoàn các cấp đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, NLĐ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 4.375,882 tỷ đồng.

Trong đó: Chi trực tiếp hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 1.121,773 tỷ đồng; chi ủng hộ và vận động ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19, chuyển về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 333,044 tỷ đồng; chi ủng hộ và vận động ủng hộ vào Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 293,881 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 (gồm hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng cho đội ngũ y tế tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 trên 200 tỷ đồng; chi các hoạt động khác hỗ trợ lực lượng tuyến đầu 30,961 tỷ đồng); chi hỗ trợ đoàn viên, NLĐ tham gia sản xuất “3 tại chỗ” tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên 1.000 tỷ đồng; chi trực tiếp tại các Công đoàn cơ sở theo các mức ban hành chung từ trước đối với NLĐ khó khăn 1.396,223 tỷ đồng.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này