Hà Nội kiến nghị sửa luật để gỡ vướng trong cấp phiếu lý lịch tư pháp

16:51 | 15/09/2021
(LĐTĐ) Thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người có án tích được quy định là 15 ngày. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy định này quá ngắn, nhất là với những trường hợp công dân có nhiều án tích và Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp lại chưa cập nhật đầy đủ thông tin, dẫn đến việc giải quyết thủ tục này bị chậm trễ...
Hà Nội: Người dân nộp, nhận kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp qua bưu chính công ích Tiếp nhận, giải quyết hơn 24 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính Phương án đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính liên quan đến lý lịch tư pháp

Quá hạn vì phải xác minh nhiều nơi

Trước đây, thủ tục xóa án tích thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Từ năm 2017, theo quy định của Bộ luật Hình sự, được giao về cho các Sở Tư pháp thực hiện. Theo đó, những người muốn làm thủ tục đương nhiên xóa án tích sẽ nộp yêu cầu tới Sở Tư pháp của tỉnh, thành phố nơi mình thường trú.

Theo quy định hiện hành, thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trong trường hợp thông tin về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người bị kết án chưa được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, thì Sở Tư pháp có trách nhiệm xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích để cấp phiếu lý lịch tư pháp và thời gian giải quyết là trong 15 ngày.

Tuy nhiên, quy định về thời hạn này đang “gây khó” cho các Sở Tư pháp. Vì, nhiều trường hợp phải xác minh tại nhiều cơ quan khác nhau, thậm chí đến 5 - 7 cơ quan và kết quả phúc đáp của các cơ quan liên quan chậm trễ thì Sở Tư pháp không thể cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân đúng thời hạn. Dẫn đến, người bị nhận kết quả trễ hẹn không tránh khỏi “phiền lòng”.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, thành phố Hà Nội đă tiếp nhận và giải quyết yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của khoảng 34.791 lượt công dân, tổ chức; đã giải quyết xong và cấp 34.845 phiếu lý lịch tư pháp. Trong đó, số phiếu lý lịch tư pháp cấp sớm và đúng thời hạn quy định là 34.563 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 99,34%), trả quá hạn là 222 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 0,64%) và có 6 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 0,02%) quá hạn nhưng chưa có kết quả.

Hà Nội kiến nghị sửa luật để gỡ vướng trong cấp phiếu lý lịch tư pháp
Người dân làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Bộ phận một cửa Sở Tư pháp thành phố Hà Nội trước thời điểm giãn cách xã hội

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết: “Gần 0,6% số hồ sơ quá hạn và chưa có kết quả này là do không có thông tin, phải xác minh thêm. Trong 15 ngày làm việc, Sở Tư pháp không thể cấp phiếu lý lịch tư pháp đúng thời hạn được với những trường hợp công dân có án tích, cần phải xác minh nhiều nơi”.

Cần tách xóa án tích thành thủ tục riêng

Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội - ông Đặng Thạch Bích cho biết, trong cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân có án tích, có hai trường hợp xảy ra. Đó là công dân có án tích nhưng khi làm hồ sơ, họ không khai báo và Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp chưa có dữ liệu lý lịch tư pháp hoặc dữ liệu chưa đầy đủ thông tin và trường hợp công dân nộp đủ tài liệu hồ sơ xóa án tích, Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đã có đủ thông tin về án tích của họ. Với cả hai trường hợp này, Sở Tư pháp đều phải tiến hành xác minh tiếp theo quy định.

Trước hết, Sở Tư pháp xác minh tại nơi công dân cư trú xem ngoài án tích đã lưu hồ sơ, họ có phạm tội mới không. Nếu công dân này cư trú nhiều nơi khác nhau, thì phải xác minh theo từng giai đoạn. “Có người có 2 án tích nhưng khi nộp hồ sơ chỉ kê khai có 1, có người bảo “tôi tưởng án tích thì được tự động xóa”. Nhiều công dân hộ khẩu một nơi, nhưng sống ở nhiều nơi khác nhau, có nơi thì đăng ký tạm trú, nơi không... nên việc xác minh tốn rất nhiều thời gian”, ông Bích cho biết.

Với những trường hợp có án tích nhưng hồ sơ chưa có bản án, Sở Tư pháp phải gửi công văn sang Tòa án đã xét xử công dân này để lấy bản án, khi có bản án thì xem xét công dân đó đã chấp hành xong các quyết định của bản án chưa như nộp án phí, bồi thường dân sự (nếu có). Nếu phải bồi thường, lại phải xác minh tại cơ quan Thi hành án Dân sự xem người đó đã chấp hành xong các quyết định bồi thường chưa. Rồi xác minh bên Công an để xác nhận đã chấp hành xong hình phạt và có giấy chứng nhận chưa...

Ngoài ra, còn có trường hợp cơ quan Công an đã bắt, lập danh chỉ bản, nhưng hồ sơ không thể hiện kết quả xử lý cuối cùng, nên lại phải tiếp tục xác minh xem kết quả xử lý như thế nào, phạt hành chính hay đình chỉ, đề nghị truy tố... để có cơ sở cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân.

“Từ bất cập này, thành phố Hà Nội đề xuất cần sửa đổi Luật Lý lịch tư pháp, quy định xóa án tích là một thủ tục hành chính riêng để phù hợp với thực tiễn quản lý”, bà Phạm Thị Thanh Hương cho biết. Đồng quan điểm, ông Đặng Thạch Bích cho rằng, ngoài việc tách xóa án tích thành một thủ tục hành chính riêng, còn cần xác định rõ thời hạn giải quyết là 30 ngày làm việc để phù hợp với thực tiễn.

Những năm gần đây, nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của người dân khá lớn, nhất là vào mùa tuyển sinh đại học, thi, xét tuyển công chức, viên chức... Sở Tư pháp Hà Nội lại tiếp nhận hàng trăm yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp mỗi ngày. Đáng quan tâm, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho hay, đang có tình trạng yêu cầu người dân phải cung cấp phiếu lý lịch tư pháp không thật sự cần thiết. “Nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... yêu cầu người dân phải nộp lý lịch tư pháp, ngay cả chỉ để làm shipper... Điều này gây vất vả cho cán bộ, tốn thời gian, công sức cho người dân”, bà Hương nói.

Từ thực tế trên cho thấy, đề xuất của thành phố Hà Nội về việc tách xóa án tích thành một thủ tịch riêng biệt và quy định thời hạn giải quyết phù hợp là cần thiết, để đảm bảo cho các Sở Tư pháp có đủ thời gian để xác minh, giải quyết việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân, không gây nên tình trạng bức xúc vì chậm trễ.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này