Chống dịch ở Thủ đô - Kỳ 4: Những “chiến sĩ thầm lặng”...

16:29 | 13/09/2021
(LĐTĐ) Trong “cuộc chiến” chống “giặc Covid-19” của Hà Nội, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì hàng ngày vẫn đang có sự góp sức của những người dân ở các khu dân cư, tổ dân phố. Tuy họ chỉ là những tình nguyện viên nhưng những cống hiến thầm lặng ấy, vào những lúc quan trọng quyết định thắng - thua của “cuộc chiến” chống “giặc Covid-19”, họ đã phát huy được tinh thần đoàn kết của cộng đồng, tạo nên sức mạnh, tiếng nói của nhân dân.
Chống dịch ở Thủ đô - Kỳ 3: "Trận địa" nơi đầu ngõ Chống dịch ở Thủ đô - Kỳ 2: Những điểm tựa vững chắc Chống dịch ở Thủ đô- Kỳ 1: Hà Nội đang giữ vững “trận địa”

Vào cuộc từng phút, từng giờ

Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm, anh Phí Trọng Nghĩa lại đều đặn lái xe hơn 10 cây số từ nhà ở phường Long Biên, quận Long Biên, đến điểm kiểm soát Covid-19 tại đầu phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng, để hỗ trợ lực lượng chức năng chốt trực, nhắc nhở người dân. Đây là khu vực đông dân cư, nằm trên tuyến phố lớn của quận Hai Bà Trưng nên có nhiều người qua lại.

Tuy không phải là người dân tại địa bàn nhưng anh Nghĩa đã làm công tác dân phòng tại phường Bạch Mai gần 6 năm nay. Trong những ngày này, do phường đang tăng cường công tác phòng, chống dịch nên ngoài công việc chính, anh Nghĩa còn tham gia thêm vào Tổ Covid cộng đồng, cùng lực lượng chức năng túc trực ngày đêm để rà soát người dân đi lại, đảm bảo an ninh, trật tự và phòng, chống dịch.

Chống dịch ở Thủ đô - Kỳ 4: Những “chiến sĩ thầm lặng”...
Hàng ngày, vẫn đang có những tình nguyện viên cùng lực lượng chức năng túc trực ngày đêm để rà soát người dân đi lại, đảm bảo an ninh, trật tự và phòng, chống dịch. (Ảnh: Minh Hiếu)

Anh Nghĩa tâm sự: “Kể từ khi Hà Nội bùng dịch, tôi đã tự nguyện đăng ký tham gia vào Tổ Covid cộng đồng. Bên cạnh việc hỗ trợ lực lượng công an kiểm tra người đi đường, tôi còn giúp nhận, xịt khuẩn đồ đạc, vật dụng, đồ ăn từ bên ngoài gửi vào cho người dân bên trong có nhu cầu. Tuy công việc có vất vả nhưng tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Qua tìm hiểu được biết, phường Bạch Mai hiện có 12 Tổ Covid cộng đồng với hơn 200 thành viên tham gia. Mỗi tổ gồm 15 đến 20 thành viên phụ trách các hộ gia đình ở tổ dân phố. Từ khi Tổ Covid cộng đồng được thành lập, mỗi thành viên đều thực hiện tốt các nhiệm vụ như thường xuyên tuyên truyền, vận động, nhắc nhở từng gia đình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và trợ giúp Ủy ban nhân dân phường, trạm y tế, công an phường truy vết F1, F2 khi có ca bệnh liên quan. Qua đó, góp phần kiểm soát được mức độ lây lan của dịch bệnh.

Tinh thần chống dịch không chỉ dừng lại ở những người trẻ, xông xáo, không quản ngại khó khăn, vất vả mà ngay cả những người cao tuổi cũng vẫn đang hàng ngày chung tay, góp sức vào “cuộc chiến” chống “giặc Covid-19”. Ông Hoàng Tùng, 72 tuổi, thành viên Tổ Covid cộng đồng Tổ 12, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, là một ví dụ.

Chống dịch ở Thủ đô - Kỳ 4: Những “chiến sĩ thầm lặng”...
Mỗi tình nguyện viên tham gia chống dịch đều thực hiện tốt các nhiệm vụ như thường xuyên tuyên truyền, vận động, nhắc nhở từng gia đình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. (Ảnh: Xuân La)

Mặc dù, cuộc sống đã đến lúc an hưởng tuổi già, thế nhưng khi trên địa bàn thành phố bắt đầu ghi nhận các ca lây nhiễm cộng đồng, ông Tùng lại bận rộn với công việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”. Hàng ngày, đều đặn mỗi buổi sáng - tối, ông Tùng cùng thành viên Tổ Covid cộng đồng lại rảo bước qua từng con ngõ làm nhiệm vụ, nhắc nhở vì sợ nhiều người dân đi vắng, hoặc ra ngoài sớm không kịp tiếp cận thông tin. Nhiều hôm đi rà soát về muộn, phải dùng bữa trưa, bữa tối một mình, tuy mệt mỏi nhưng ông luôn tự động viên mình là Thành phố sắp đẩy lùi được dịch bệnh rồi.

Ông Tùng cho biết: “Trong thời buổi dịch bệnh phức tạp, nhiều người cũng ngại tiếp xúc, có những người khó tính, có người không thích nghe nhưng tôi vẫn phải ân cần giải thích, đưa thông tin. Sau khi được giải đáp các thắc mắc thì bà con cũng rất yên tâm”.

Nhờ có sự tư vấn, hướng dẫn, thông tin kịp thời của ông Tùng cũng như các thành viên của Tổ Covid cộng đồng tại khu dân cư, người dân Tổ 12 không còn băn khoăn, lo lắng và thực hiện đầy đủ quy định phòng, chống dịch.

Quyết tâm bảo vệ “vùng xanh”

Những ngày qua, ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, khiến lực lượng chức năng phải rất vất vả để dập dịch. Ổ dịch này cũng là nỗi lo sợ của nhiều người dân sống trên địa bàn. Chính vì lẽ đó, công tác phòng, chống dịch lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Ông Phạm Xuân Khánh, Tổ phó Tổ Covid cộng đồng khu dân cư thuốc lá Thăng Long, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, cho biết, khu dân cư thuốc lá Thăng Long có khoảng hơn 500 hộ dân. Nhằm tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các quy định về phòng, chống dịch, các thành viên của Tổ Covid cộng đồng tại khu dân cư thay nhau đi nhắc nhở bà con trong khu tập thể vào các buổi sáng - trưa, chiều - tối về việc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, không bán hàng nước, không bán đồ ăn sáng...

Chống dịch ở Thủ đô - Kỳ 4: Những “chiến sĩ thầm lặng”...
Ông Phạm Xuân Khánh, Tổ phó Tổ Covid cộng đồng khu dân cư thuốc lá Thăng Long. (Ảnh: Công Phương)

Chốt “vùng xanh” của khu dân cư hoạt động liên tục từ 5h đến 22h hàng ngày, chia làm 7 ca, mỗi ca 2 đến 3 người, tùy theo thời điểm nắng, mưa, trưa, chiều... “Chúng tôi lập nên một danh sách các ca, ngày giờ trực rồi phân công thành viên Tổ Covid cộng đồng cùng những người dân ở trong khu dân cư thay nhau ra chốt giữ “vùng xanh”, ông Khánh chia sẻ.

Theo ông Khánh, việc phân công theo ca 2-3 tiếng là bởi vào buổi sáng sớm và tối, trời dịu mát nên trực chốt thời gian dài hơn còn những lúc nắng thì trực 2 tiếng. Lịch trực được phân công và cứ thế vòng lại, nếu có thay đổi về nhân sự, ông sẽ thay đổi rồi cập nhật cho mọi người biết lịch trực.

“Trực chốt “vùng xanh” không phải như vùng phong tỏa, không phải “nội bất xuất ngoại bất nhập” mà trong khu dân cư vẫn có người đi làm, đi công tác, đi chợ thì phải kiểm tra giấy tờ khi ra khỏi khu dân cư. Tại chốt kiểm soát dịch làm nhiệm vụ không cho người lạ, giao hàng vào khu dân cư còn những người nào vào nhà ai trong khu dân cư mà thực sự cần thiết thì phải kiểm tra giấy tờ, yêu cầu khai báo y tế bằng quét mã QR code đã dán ở ngoài cổng rồi mới được vào khu dân cư”, ông Khánh thông tin.

Ông Khánh cho biết thêm, khu dân cư thuốc lá Thăng Long trải qua 4 lần dịch bùng phát nhưng chưa từng có ca F0. Thời gian vừa qua, khi xuất hiện nhiều ca F0 trong ngõ 328, ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, trong khi đó, khu dân cư này ở số 133 Nguyễn Trãi, chỉ cách khu dân cư có ca F0 vài trăm mét khiến mọi người trong khu dân cư lo lắng, sợ khu dân cư này lây lan như trong ngõ 328, 330.

Chống dịch ở Thủ đô - Kỳ 4: Những “chiến sĩ thầm lặng”...
Bà Đỗ Thị Hạnh, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, đang trực chốt, giúp người dân chủ động trong việc ra khỏi nhà, không đi lại nhiều. (Ảnh: Công Phương)

Ngay sau khi biết thông tin về ca F0 ở ngõ 328, ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, Tổ Covid cộng đồng đã tuyên truyền đến bà con những thông tin mới về ca F0 cũng như những nơi ca F0 đi đến như siêu thị, địa điểm bán hàng để người dân biết, tránh đến những nơi đó. “Đến thời điểm hiện tại người dân tại khu dân cư xét nghiệm Covid-19 vẫn âm tính, không có ca F0 tại khu dân cư. Những người dân ở khu dân cư chúng tôi tiếp tục phân công nhau trực chốt kiểm soát dịch để giữ “vùng xanh”, bảo vệ “vùng xanh” nơi mình sinh sống được an toàn trước dịch Covid-19”, ông Khánh nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ về công việc giữ vững “vùng xanh”, bà Đỗ Thị Hạnh, ngõ 73 Nguyễn Lương Bằng, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, cho hay, chốt kiểm soát dịch, giữ “vùng xanh” được lập hơn 1 tháng nay. Chốt trực được chia thành nhiều ca, mỗi ca 2 tiếng, thời gian trực từ 7h đến 22h hàng ngày.

Theo bà Hạnh, việc phân công trực chốt giúp người dân chủ động trong việc ra khỏi nhà, không đi lại nhiều. “Chúng tôi muốn đảm bảo khu dân cư an toàn, không ai mắc Covid-19 nên mỗi gia đình đều cử người ra chốt trực giữ gìn “vùng xanh”, đảm bảo “vùng xanh” để nhân dân trong ngõ được an toàn”, bà Hạnh nói.

Những con người, câu chuyện kể trên chỉ là số ít trong những người đang ngày đêm thầm lặng đóng góp sức mình trong công cuộc chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Dù mỗi người có một hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau nhưng chính từ sự đồng lòng, quyết tâm với ý chí “chống dịch như chống giặc” mà những “chiến sĩ thầm lặng” này đã không quản ngại khó khăn, ngày đêm miệt mài đóng góp tâm trí, sức lực để chung sức, đồng lòng cùng các lực lượng tuyến đầu chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, sớm đưa Thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.

Hà Phong

(Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này