"Nhật ký " của bác sĩ từ tâm dịch Bệnh viện hồi sức Covid-19 quận Thủ Đức

09:11 | 11/09/2021
(LĐTĐ) Trong cuộc đời của mỗi con người ai cũng có những kỷ niệm không bao giờ quên. Với đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu, đặc biệt là những y bác sĩ từ các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung vào thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam chống dịch, những tháng ngày ở bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, sự hiểm nguy... song với họ chính là những ngày ý nghĩa nhất...
Bước qua ranh giới Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng quan tâm hơn nữa đến y, bác sĩ

8 tiếng và 10 tiếng

"Mỗi ca làm việc của bác sĩ ở Bệnh viện hồi sức Covid-19 quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh kéo dài từ 8 đến 10 tiếng. Suốt thời gian đó, họ không ăn, không uống nước, không đi vệ sinh"…

Đây là chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Văn Toàn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là Trưởng đoàn công tác gồm 59 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế tỉnh Thanh Hoá đang chi viện cho Bệnh viện hồi sức Covid-19, đặt tại Bệnh viện ung bướu cơ sở 2, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian làm việc của các bác sĩ ở đây được chia làm 3 ca. Mỗi ca làm việc ban ngày kéo dài 8 tiếng, còn ban đêm là 10 tiếng liên tục, không kể thời gian thay đồ. Vì vậy, nếu làm ca sáng thì họ "quên" bữa trưa, làm ca chiều thì "quên" bữa tối…

Các bác sĩ, nhân viên y tế chuẩn bị đồ bảo hộ. (Ảnh: NVCC)

"Trước lúc vào ca trực, chúng tôi sẽ mặc đồ bảo hộ. Suốt 8, 10 tiếng làm việc sau đó, các bác sĩ, điều dưỡng không ăn uống, không đi vệ sinh. Một bộ đồ bảo hộ mấy trăm nghìn, chỉ mặc 1 lần, nếu thay ra thì rất lãng phí, chưa kể ăn uống ở trong tâm dịch này nguy cơ lây nhiễm rất cao, nên ai cũng phải rèn luyện như vậy. Mặc đồ bảo hộ xong, viết tên lên áo là vào ca trực.

Mặc thì đơn giản thôi, nhưng hết ca trực, cởi bỏ là phải tuân thủ theo đúng quy trình chuẩn, cẩn thận cởi lần lượt từng thứ một, cái gì đeo trước, mặc trước thì cởi sau và việc này phải được tập huấn. Ở trong môi trường "đặc" vi rút, sơ sẩy chút là sẽ lây nhiễm ngay”, bác sĩ Toàn cho biết.

Bác sĩ Toàn chuẩn bị vào ca trực. (Ảnh: NVCC)

Bệnh viện được chia làm 2 khu, khu dành cho nhân viên Bệnh viện và khu điều trị. Sau khi hết ca trực, các bác sĩ sẽ trở về khu "sạch" dành cho nhân viên, cởi bỏ đồ bảo hộ, tắm gội rồi mới ra về nơi ở. Về đến nơi, họ phải tắm gội tiếp nữa rồi mới ăn uống, sinh hoạt cá nhân.

Nơi bệnh nhân nằm sấp…

Bệnh viện hồi sức Covid-19 quận Thủ Đức là nơi thu dung bệnh nhân nặng ở các bệnh viện dã chiến chuyển đến. Bệnh nhân đã chuyển đến đây thì không còn mấy người tự đi được.

Các bệnh nhân luôn nằm sấp để dễ thở hơn. (Ảnh: NVCC)

Khoa bác sĩ Toàn điều trị có 80 giường bệnh, mỗi ca trực có 5-6 bác sĩ và khoảng 10 điều dưỡng, điều trị, chăm sóc cho 80 bệnh nhân.

Ở đây, bệnh nhân phải nằm sấp người. Các bệnh nhân đều thở ô xy với máy ô xy cao tần bơm vào mũi, tốc độ 60 lít/1 phút, nên đau toét hết mũi, rất khổ sở. Chỉ khi nào ăn uống, họ mới lật người, ăn xong lại phải nằm nghiêng, nằm sấp. Trên phim Xquang, hầu hết phổi của họ chỉ còn tí tẹo nên phải nằm sấp để huy động phế nang còn lại đằng sau lưng để dễ thở hơn…

Có những bệnh nhân khi nhập viện vẫn nói chuyện tốt, nhưng 3 ngày sau trở nặng, phải thở máy. Nhưng nhìn chung, những bệnh nhân nào không có bệnh nền, lại có tinh thần tốt, hợp tác, chịu khó nghe lời bác sĩ, tập thở đều thì sẽ tiến triển tốt hơn.

Còn những người bất hợp tác, hay lo lắng, hoảng loạn… thì càng thở gấp, càng khiến nhanh bị thiếu ô xy. Nhiều người phải dùng thuốc an thần. Rồi bác sĩ phải vừa động viên bệnh nhân cố gắng, vừa "dọa", hướng dẫn để họ tập hít thở, hướng dẫn tập thể dục tay, chân. Với những bệnh nhân nằm bẹp một chỗ lâu ngày, các tình nguyện viên sẽ hỗ trợ, tập cho bệnh nhân.

Bệnh nhân nặng phải thở máy. (Ảnh: NVCC)

"Tầng 2 nơi tôi điều trị là những bệnh nhân nửa tỉnh, nửa mê, hỏi vẫn nói được vài câu, ra hiệu được. Nhưng họ cử động, quờ quạng chân tay, nếu không may làm tụt ống ô xy ra khỏi mặt mà không được bác sĩ phát hiện thì chỉ khoảng nửa tiếng sau là có thể tử vong. Tất cả các phòng bệnh đều có chuông báo động, nhưng bệnh nhân không thể đứng dậy để bấm được, nên bác sĩ đi lại thăm khám liên tục, cứ 1 giờ/lần.

Hàng ngày, chúng tôi chỉ mong bệnh nhân được chuyển xuống tầng 1 (tầng điều trị nhẹ hơn). Những ca đó nếu ổn, thì chỉ tầm 1 tuần đến 10-15 ngày sau là được ra viện. Còn nặng sẽ phải chuyển lên tầng 3 để thở máy. Những ca nặng, mà thêm béo phì, thì phần lớn rất khó qua khỏi", bác sĩ Toàn kể.

Mới đây, bác sĩ Toàn cho hay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vào họp giao ban với Bệnh viện đã đề cập đến một vấn đề mà anh thấy rất quan trọng và cần thiết, đó là chữa trị sang chấn tâm lý cho bệnh nhân. "Có những người bị nặng, đã được điều trị ổn, nhưng tỉnh táo rồi, nhìn sang bệnh nhân bên cạnh thì sợ quá, hoảng loạn, lại dứt hết dây chuyền các loại ra", bác sĩ Toàn kể.

Các điều dưỡng cho bệnh nhân ăn. (Ảnh: NVCC)

Nỗi cô đơn của bệnh nhân

Bình thường, mỗi người bị ốm đau, nằm viện sẽ có người thân động viên, chăm sóc, hỗ trợ. Nhưng do yếu tố dịch bệnh đặc biệt này mà chỉ có bệnh nhân và nhân viên y tế, người nhà không được vào chăm. Có những gia đình cả mười mấy người cùng lây nhiễm, chiếm luôn mấy phòng bệnh.

"Bệnh nhân Covid-19 rất cô đơn, thiệt thòi. Đến bệnh viện một mình, chữa bệnh một mình, nếu may mắn khỏi bệnh thì ra về một mình, còn nếu không may, thì chết cũng cô đơn. Vi rút này quá khắc nghiệt!", bác sĩ Toàn nói.

Bác sĩ thì áp lực bởi thăm khám, điều trị, hồi sức… còn các điều dưỡng thì vất vả vừa phải làm thuốc theo y lệnh, vừa đút cơm, đút cháo, cắt tóc, gội đầu, tắm rửa, xoa bóp, thay bỉm, vệ sinh cá nhân… cho bệnh nhân.

Một ca trực, 1 điều dưỡng phải giám sát 4-5 phòng bệnh. Chưa kể, còn có những bệnh nhân tiêu cực, bất hợp tác, nên rất vất vả để cho họ ăn uống, vệ sinh. Có trường hợp, điều dưỡng thay bỉm cho bệnh nhân đi đại tiện, không chịu nổi mùi nên nôn ọe, vạch khẩu trang ra. Lập tức, phải đi cách ly luôn…

Thực tế, không ít người cũng không chịu nổi, buồn nôn, nhưng phải kiềm chế, cố gắng chịu đựng, vì kéo khẩu trang ra ở môi trường đó, là lây nhiễm.

Các tình nguyện viên tại Bệnh viện. (Ảnh: NVCC)

Hiện, Bệnh viện hồi sức Covid-19 quận Thủ Đức đã có một số tình nguyện viên, trung bình mỗi khoa có 4 người. Họ là một số F0 đã khỏi bệnh, nhưng còn người nhà đang nằm viện, nên tình nguyện ở lại làm hộ lý để hỗ trợ người nhà và các bệnh nhân khác. Ngoài ra, có một số sơ, cha đạo cũng tình nguyện tham gia thu gom rác thải y tế, lau sàn, lau giường, chuyển cơm, chuyển đồ… cho bệnh nhân.

Các tình nguyện viên tham gia thu gom rác thải y tế, chuyển cơm, chuyển đồ… cho bệnh nhân. (Ảnh: NVCC)

Và sự ám ảnh…

Bác sĩ Toàn cho hay, mặc đồ bảo hộ khiến họ làm việc khó hơn, và đôi tai của bác sĩ xem như "bỏ đi", vì không đút ống nghe vào để nghe được nữa, chỉ còn dùng mắt và tay để quan sát, cảm nhận sắc thái bệnh nhân.

"Bình thường, chúng tôi cũng có những ca mổ xuyên trưa, xuyên đêm, nhưng không phải liên tục. Còn ở đây, các ca làm việc đều triền miên 8-10 tiếng như vậy. Ca trực nào may mắn, bệnh nhân ổn, thì có thể tranh thủ ngồi nghỉ chốc lát.

Vất vả chúng tôi vẫn cố gắng, không quản ngại, nhưng bệnh này không có thuốc chữa, chỉ chữa triệu chứng, nếu tình trạng bệnh nhân cứ nặng lên thì không tránh khỏi thấy nản, áp lực tâm lý", bác sĩ Toàn cho biết.

Các y, bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh: NVCC)

Với các bác sĩ, điều dưỡng làm việc ở tầng điều trị cao nhất còn bị ám ảnh bởi bệnh nhân tử vong. Kíp nào trực có bệnh nhân tử vong, thì họ phải làm luôn công việc tắm rửa, mặc quần áo cho bệnh nhân, khâm liệm, cho vào túi đựng tử thi để chuyển đi thiêu.

Trước khi gói tử thi, kíp trực phải có một người quay video, nếu gia đình bệnh nhân xem được trực tiếp thì phát trực tiếp cho họ. Nếu không, quay lại rồi gửi sau. Bởi, đây là lần cuối cùng, gia đình họ nhìn thấy người thân…

"Bệnh nhân tử vong đã là áp lực, nếu chuyển họ đi ngay còn đỡ, nhưng với bệnh nhân Covid-19, hoàn cảnh quá đặc biệt, phải ghi lại hình ảnh cho gia đình nạn nhân, nên ám ảnh tinh thần rất lớn với các y, bác sĩ. Đã có những nữ bác sĩ không chịu nổi…”, bác sĩ Toàn chia sẻ.

Các tình nguyện viên hỗ trợ rất tốt cho các điều dưỡng. (Ảnh: NVCC)

Những hy vọng về số ca tử vong đang giảm

Tối 8/9, nhiều người xem chương trình VTV đặc biệt "Ranh giới" đã rơi nước mắt. Đó là công việc hàng ngày của các y, bác sĩ ở nơi tâm dịch, giống như những câu chuyện ngắt quãng mà bác sĩ Toàn chia sẻ trên đây, trong thời gian anh và đồng nghiệp "chiến đấu" với vi rút, giành lại sự sống cho người bệnh.

Quyết định chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh với Đoàn công tác của bác sĩ Toàn là quyết định chỉ ghi ngày đi, và không có thời hạn.

Các bác sĩ đang làm việc. (Ảnh: NVCC)

Họ - những F1 "xịn" mỗi ngày đi làm về lại mỗi người một phòng, tự cách ly với nhau. Cứ 1 tuần, họ sẽ được làm xét nghiệm PCR 1 lần. Tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 quận Thủ Đức có 36 bác sĩ, nhân viên y tế bị lây nhiễm, đang được điều trị.

Cũng theo bác sĩ Toàn, vài ngày gần đây, đang có dấu hiệu tích cực hơn, số ca tử vong tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 quận Thủ Đức đã giảm đi...

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này