Những người “đi trước về sau” trên tuyến đầu chống dịch

15:37 | 10/09/2021
(LĐTĐ) Với mục tiêu nhanh chóng kiểm soát và tiến tới chặn đứng hoàn toàn dịch bệnh, những ngày qua, các cán bộ, y, bác sĩ làm công tác y tế dự phòng của ngành Y tế Thủ đô luôn âm thầm “đi trước về sau”, căng mình thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu, truy vết, tiêm phòng... Với họ lúc này, chăm lo cho sức khỏe của nhân dân chính là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng nhất.
Phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ trong ngày đầu triển khai tiêm vắc xin 100 nhân viên y tế tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ Gia Lâm chống dịch Hỗ trợ hết mình như một sự tri ân sâu sắc với Hà Nội

Đi sớm về hôm

5h ngày 10/9, sau giấc ngủ chỉ kéo dài độ 3, 4 tiếng chị Lê Thị Tú Oanh - Phó Trưởng trạm Y tế phường Trung Tự (quận Đống Đa) đã vội vàng thức dậy để chuẩn bị đi làm. Đang là thời điểm tăng tốc xét nghiệm, tiêm phòng diện rộng cho người dân nên công việc của chị trở nên bộn bề gấp bội. Cẩn thận khoác bộ đồ bảo hộ lên người, chị Oanh chia sẻ: Để có thể tiến hành xét nghiệm, tiêm phòng cho người dân, hầu như ngày nào những cán bộ y tế phường như chị cũng phải dậy từ tờ mờ sáng.

“Thông thường, việc xét nghiệm sẽ bắt đầu từ 6 hoặc 7h, tuy nhiên, chúng tôi phải đi trước để sắp xếp, bố trí người cho từng điểm xét nghiệm, chuẩn bị vật tư y tế, sắp xếp bàn ghế đảm bào giữ khoảng cách, phát phiếu, hướng dẫn người dân điền thông tin rồi mới có thể bắt tay vào công việc chính. Nhiều hôm làm việc liên tục từ 7h tới tận 13h mới được nghỉ ăn cơm, sau đó 13h30 lại tiếp tục làm cho tới tối. Vì thời gian nghỉ chỉ được tầm 15-30 phút nên nhiều lúc các bạn còn chưa kịp ăn đã phải làm việc tiếp.

Những người “đi trước về sau” trên tuyến đầu chống dịch
Cán bộ y tế phường Trung Tự phải dậy từ tờ mờ sáng để chuẩn bị cho công tác xét nghiệm.

Bên cạnh đó, phải làm việc nhiều giờ liên tục trong bộ đồ bảo hộ khiến lượng nước trong người bị thiếu hụt trầm trọng do đổ nhiều mô hôi. Chúng tôi cũng không dám uống nước vì nếu uống phải bỏ khẩu trang, đồ bảo hộ ra, rồi vấn đề vệ sinh… Ngay như buổi xét nghiệm hôm trước, trời nắng to, có một bạn nữ đã bị ngất xỉu vì sốc nhiệt, sau đó phải cởi đồ bảo hộ ngồi ra một góc riêng để hít thở”, chị Oanh cho hay.

Được biết, từ thời điểm bùng dịch và đặc biệt là khoảng 1 tuần gần đây, việc tiêm chủng, xét nghiệm dương như đã trở thành một guồng quay liên tục đối với các nhân viên y tế cấp xã, phường. Ngoài ra, còn những nhiệm vụ thường ngày như trực cơ quan, tư vấn sức khỏe cho nhân dân qua điện thoại, hay nhiệm vụ đột xuất như khoanh vùng, truy vết F1…

“Sau khi lấy mẫu xét nghiệm xong, chúng tôi lại phải cùng nhau ở lại thống kê, đi gửi mẫu xét nghiệm. Có những người sau đấy lại tiếp tục tham gia việc trực chốt, người thì thực hiện trực cơ quan, làm các công việc ngoại giao nhân dân, nếu có phát sinh trường hợp F1 sẽ đi truy vết, lấy mẫu xét nghiệp gửi lên quận… nên việc trở về nhà lúc 0h hay 2, 3h đã trở thành câu chuyện thường ngày của mỗi cán bộ y tế phường”, chị Oanh tâm sự.

Những người “đi trước về sau” trên tuyến đầu chống dịch
Chị Oanh lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho nhân dân.

Cũng như đồng nghiệp của mình, nói về chuyện nghề của mình trong thời điểm dịch bệnh, y sĩ Lê Văn Huỳnh nhân viên y tế chuyên trách Dịch tễ - Sốt rét tại Trạm Y tế phường Bạch Đằng (Hai Bà Trưng) kể: “Hơn 8 năm gắn bó với công tác phòng, chống dịch, song với anh có lẽ cuộc chiến với Covid-19 là cam go nhất. Trạm Y tế phường Bạch Đằng có 10 nhân viên y tế. Nhiều tháng nay, chúng tôi làm việc liên tục không có ngày nghỉ. Không chỉ nói nhanh, làm nhanh, đến ăn chúng tôi cũng phải thật nhanh, thì mới kịp đáp ứng với công việc thời điểm hiện tại”.

Còn bác sĩ Vũ Đức Cường, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân cũng cho hay, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bản thân luôn căng mình vì công việc. “Chúng tôi phải làm việc liên tục từ 8h- 22h, thậm chí có hôm đến 3h sáng hôm sau. Nhiều lúc khát khô họng mà không dám nghỉ tay để uống nước, có nhu cầu vệ sinh mà không dám đi...”, bác sĩ Vũ Đức Cường chia sẻ.

Đồng lòng chống dịch

Lao mình vào cuộc chiến chống dịch, không chỉ cống hiến sức và trí tuệ, đội ngũ y, bác sĩ y tế dự phòng Thủ đô còn phải hy sinh hạnh phúc cá nhân và dấu đi những nỗi niềm sâu kín. Với họ, giờ đây việc ở bên cạnh con cái, chăm sóc gia đình riêng đã trở thành một điều gì đó hết sức xa vời.

Trở về nhà khi đã 10h tối, gương mặt anh Nguyễn Công Bình toát lên sự mệt mỏi, đôi mắt trũng sâu vì nhiều ngày liền chỉ được chợp mắt 2, 3 tiếng mỗi ngày. Chia sẻ với phòng viên bằng chất giọng khàn khàn, đứt quãng do đã quá mệt sau một ngày dài làm việc, anh Bình cho hay: “Ngày, đêm cuốn vào guồng quay của công việc, không ai ngơi tay. Mọi việc riêng đều phải gác lại để tập trung cho công tác phòng, chống dịch.

Có những hôm chúng tôi xuyên ngày, xuyên đêm làm việc từ 7h30 sáng hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Trở về cơ quan, tranh thủ chợp mắt vài tiếng là lại tiếp tục công việc ngày mới như bình thường. Vất vả nhất các nữ đồng nghiệp, có đợt ban ngày thực hiện tiêm phòng cho người dân, tối bổ sung vào đội điều tra lấy mẫu xét nghiệm, nên đã có nhiều người ngất xỉu vì quá sức”.

Những người “đi trước về sau” trên tuyến đầu chống dịch
Tranh thủ khoảng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi để chợp mắt.

Hiện, anh Bình đang làm việc tại Khoa Kiểm soát Bệnh tật - Khoa chủ đạo của Trung tâm trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bởi vậy, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, từ điều tra dịch tễ, truy vết, kể cả hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm anh đều tham gia… nên chưa có một ngày nghỉ. Nhất là trong công tác lấy mẫu xét nghiệm. Cũng vì việc chống dịch diễn ra liên tục nên nhiều tháng qua anh đành “bỏ mặc” việc gia đình, chăm sóc con cái cho vợ.

“Vợ mình vừa sinh con được 2 tháng những thời gian mình ở nhà chăm sóc 2 mẹ con kể từ đầu thai kỳ tới nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ban đầu vợ thấy chồng đi biền biệt cả ngày cũng tủi thân buông đôi câu nặng nhẹ. Thế nhưng, về sau vợ đã thông cảm và hiểu cho tính chất công việc của mình. Mình là một cán bộ công tác trong ngành Y, việc chống dịch như chống giặc, chỉ cần Tổ quốc gọi, mình sẵn sàng lên đường”, anh Bình khẳng định.

Những người “đi trước về sau” trên tuyến đầu chống dịch
Đôi bàn tay anh Nguyễn Công Bình nhăn nheo sau thời gian dài mặc áo bảo hộ.

Chia sẻ về nỗi niềm riêng khi liên tục đi sớm về hôm, chị Oanh cho hay: Chồng chị là Công an, 4 tháng nay chống dịch không về nhà. Bản thân chị thường xuyên phải làm việc đến 0h có khi là 3,4 h nên việc chăm sóc con cái đều phải gửi gắm lại ông bà nội ngoại hai bên.

“Nhiều khi về nhà lén nhìn trộm con ngủ mà thương rơi nước mắt. Từ khi bùng dịch, tôi hết gửi con về quê cho ông bà nội, rồi ông bà ngoại trông. Lúc nhà trường cho học trực tuyến thì mới đón cháu lên. Thế nhưng, con lên rồi cũng không được gặp mặt cháu mấy vì công việc vất vả và nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm cao. Có thời điểm mấy ngày liền tôi phải ở lại cơ quan, đợi có kết quả xét nghiệm âm tính mới dám về thăm con”, chị Oanh xúc động chia sẻ.

Có thể nói, những khó khăn, vất vả và sự hy sinh cống hiến của hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế dự phòng đang ngày đêm làm nhiệm vụ thật khó để diễn tả hết bằng lời. Nhiều người vẫn nói, nghề này vinh quang thì ít mà khó khăn thì nhiều. Dù vậy, trên gương mặt đầy những vết hằn của khẩu trang và đồ bảo hộ họ vẫn nở nụ cười, vững tin chiến đấu, phần không nhỏ cùng ngành Y tế trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, cũng như nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm.

Những người “đi trước về sau” trên tuyến đầu chống dịch
Dù vất vả, cực nhọc nhưng đội ngũ cán bộ y tế dự phòng vẫn luôn quyết tâm, đồng lòng chống dịch.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này