Quản lý vốn nhà nước: Gom về một mối vẫn dễ quản hơn

11:22 | 29/11/2014
Trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua nhiều luật quan trọng về những lĩnh vực “nóng” của nền kinh tế. Một trong số đó là Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, được kỳ vọng sẽ chấn chỉnh lại hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước.

Luật hoá trách nhiệm quản lý vốn nhà nước

ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) đánh giá đây là lần đầu tiên chúng ta có một luật riêng về quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý vốn. Việc thông qua luật trong kỳ họp này là bước quan trọng để đưa ra khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, từ xác định lĩnh vực đầu tư cho đến xác định các trách nhiệm quản lý nguồn vốn này.

Những quy định mới sẽ có ảnh hưởng lớn khi chúng ta có số doanh nghiệp nhà nước lớn trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp nhà nước sẽ được đặt trong môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng, hạn chế những yếu tố phi thị trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính cơ chế cạnh tranh sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Đồng quan điểm và đánh giá cao những điểm mới của luật, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng luật này mang lại tính pháp lý rất cao trong việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc luật có hiệu lực sẽ giúp việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiệu quả hơn, có tính pháp lý rõ ràng, có sự minh bạch về người đại diện vốn chủ sở hữu ở tại doanh nghiệp, chủ tịch hội đồng thành viên tại doanh nghiệp. Các trách nhiệm, quyền lợi, được làm rõ trong luật, kết hợp với Luật doanh nghiệp sửa đổi. Trong luật này, việc trích nộp lợi nhuận về ngân sách nhà nước cũng được luật hoá, giúp việc sử dụng vốn nhà nước hiệu quả hơn.

Một vấn đề mới nữa là luật có những điều khoản ghi rõ trách nhiệm của Quốc hội trong giám sát và yêu cầu Chính phủ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Quản lý vốn nhà nước: Nên gom về một mối

Đối với việc luật còn để mở về mô hình vốn chủ sở hữu nhà nước tại DN, ĐB Bùi Đức Thụ cho biết, trước kia chúng ta có phân công đầu mối cho bộ, ngành theo lĩnh vực, hoặc theo địa phương. Những năm gần đây, chúng ta đã xoá bỏ cơ chế bộ chủ quản, quản lý theo chức năng của từng bộ, ngành. Tuy nhiên, mỗi mô hình, phương án đều có thuận lợi và bất cập. Hiện tại Quốc hội thảo luận tại hội trường cũng như ở tổ có nhiều ý kiến khác nhau. Vì chưa thống nhất cao nên sẽ cho phép Chính phủ thí điểm từng bước tổng kết, hoàn thiện mô hình, từ đó xác định mô hình chuẩn, phù hợp với tình hình thực tiễn thì lúc đó mới luật hoá. 

ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng đây đúng là vấn đề cần có sự thận trọng. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ phải yêu cầu Chính phủ trình mô hình càng sớm càng tốt bởi nếu tiếp tục để mô hình quản lý phân tán cho các bộ, ngành, vừa quản lý nhà nước vừa kinh doanh thì có thể bị dẫn đến nghi ngại rằng cơ quan quản lý sẽ lo cho doanh nghiệp nhà nước hơn doanh nghiệp tư nhân.

“Nếu anh vừa quản lý, vừa kinh doanh thì dù có đúng đi nữa cũng gây sự nghi nghờ, nên tốt nhất là giao về một cơ quan quản lý. Khi đó thì việc giám sát của Quốc hội cũng dễ dàng, yêu cầu báo cáo cũng nhanh chóng hơn. Vốn sẽ điều chuyển dễ dàng, giải trình danh mục đầu tư, hiệu quả đầu tư, hoạt động kiểm toán cũng thuận lợi, nhanh chóng hơn vì cùng một mối”, ĐB Trần Hoàng Ngân giải thích.

ĐB Lê Bộ Lĩnh cũng cho rằng các bộ ngành không nên là đại diện chủ sở hữu mà nên có cơ quan riêng, để thực hiện tách chức năng quản lý ra khỏi chức năng sản xuất kinh doanh, để có cơ chế quản lý thống nhất cho tất cả các ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, ĐB Bùi Đức Thụ cũng lưu ý, “để khắc phục một vấn đề thực tiễn thì việc hoàn thiện cơ chế chỉ là một trong những yếu tố. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là tổ chức thực hiện, chấp hành luật. Tôi xin nói thẳng, nếu việc điều hành, chấp hành pháp luật của các tổ chức cá nhân mà tốt thì chắc chắn những tiêu cực sẽ ít hơn nhiều. Do vậy, quan trọng vẫn là tổ chức thực hiện”.

Theo Hoàng Yến/Thời báo Tài chính

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này