Đồng lòng cùng Thành phố đẩy lùi dịch bệnh

11:38 | 09/09/2021
(LĐTĐ) Mặc dù đã quen với nhịp sống chậm rãi bởi Hà Nội dần nâng mức phòng dịch cao hơn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh cho từng thời điểm, nhưng điều người dân tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch của Thành phố là sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị. Trong đó, cùng với công tác phòng, chống dịch, việc bảo đảm công tác an sinh xã hội, cung ứng hàng hóa… giúp người dân tin tưởng Thành phố sẽ sớm khống chế được dịch bệnh.
Tăng cường làm việc trực tuyến để chung tay cùng Thành phố đẩy lùi dịch bệnh “Quân nhu” thời chống dịch Quyết tâm bảo vệ “vùng xanh” an toàn cho Hà Nội

Chủ động phòng, chống dịch gắn với đảm bảo nguồn cung hàng hóa

Song song với sự chủ động xây dựng phương án mới về phòng, chống dịch, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, đặc biệt là đánh giá được mức độ nguy cơ của dịch theo từng địa bàn quận, huyện, thị xã, thậm chí phường, xã, thị trấn, thôn, xóm; cơ bản đã phân biệt rõ “vùng đỏ”, “vùng da cam” và “vùng xanh”.

Cùng với đó, Thành phố coi việc xét nghiệm toàn dân là biện pháp mũi nhọn, tập trung ưu tiên nguồn lực để xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ cao, các vùng phong tỏa, cách ly, nhằm bóc tách triệt để nguồn bệnh… tiến tới tổ chức xét nghiệm diện rộng cả “vùng xanh”, đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới.

Đồng lòng cùng Thành phố đẩy lùi dịch bệnh
Người dân Thành phố đảm bảo thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội.

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch của Hà Nội trong thời gian qua, ông Trần Văn Toản, Tổ dân phố số 8, xã Cự Khê, Thanh Oai cho biết, Thành phố đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội rất kịp thời từ ngày 24/7/2021. Cụ thể, tổng số ca mắc mới (đợt 4) từ ngày 29/4 đến ngay 7/9 ở mức 3.619 ca với đô thị 10 triệu dân như Hà Nội cho thấy nỗ lực, hiệu quả phòng, chống dịch của Thành phố.

“Thành phố vừa có chủ trương phân vùng theo tính chất, mức độ dịch bệnh như vậy, với người dân chúng tôi thấy rất cần thiết; chỗ nào cần chặt càng phải làm chặt hơn, chỗ nào có thể nới lỏng thì nới lỏng có kiểm soát để người dân, doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất bình thường”, ông Toản cho hay.

Cùng với việc nâng cao mức độ kiểm soát phòng, chống dịch lên một mức cao hơn, một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu và nhận được sự tin tưởng của người dân Thành phố là đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa. Đặc biệt là sau khi Hà Nội ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 về việc, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Về vấn đề này, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung, điều phối hàng hóa cho các vùng nhằm đảm bảo phục vụ lương thực, thực phẩm cho người dân.

Cơ quan này cũng khẳng định, sẽ bảo đảm đầy đủ nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đến mọi người dân Thành phố. Thực tế theo ghi nhận của phóng viên tại một số chợ truyền thống, siêu thị trên địa bàn quận Hà Đông, cho thấy hàng hóa rất phong phú, đa dạng. Cụ thể, tại siêu thị Big C, MM Mega market, Vinmart, Coopmart… thời gian qua, lượng hàng hóa liên tục được các hệ thống phân phối này cung cấp kịp thời.

Trong khi đó, lượng người vào siêu thị mua hàng ở mức như ngày thường. Đại diện các siêu thị cũng cho biết, ngoài việc mở cửa cho mọi người đến mua sắm trực tiếp, doanh nghiệp còn tăng cường kênh bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nhà để khách hàng lựa chọn...

Thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa cho người dân Thành phố, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết, các hệ thống phân phối trên địa bàn gồm: 103 siêu thị, 449 chợ và 9.546 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu; các điểm bố trí làm kho, bán hàng lưu động: 2.500 địa điểm; các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm: 210 đơn vị; 150 kho hàng…

Cùng với đó, các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng; các cơ sở chế biến tăng công xuất cung cấp hàng cho hệ thống phân phối (có doanh nghiệp tăng 200%)… Đặc biệt, hiện có 774 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất tại các tỉnh, thành phía Bắc; 326 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất ở các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên; trên 200 doanh nghiệp các tỉnh phía Nam sẵn sàng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội… Do đó, người dân có thể hoàn toàn tin tưởng vào hệ thống cung ứng của Hà Nội, yên tâm chung tay cùng Thành phố thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.

Tin tưởng Thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh

Kể từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, mặc dù cuộc sống bị ảnh hưởng, nhiều hộ kinh doanh phải tạm thời đóng cửa, trả mặt bằng kinh doanh vì không đủ chi phí hoạt động… Tuy nhiên, chung tay cùng với các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch, người dân trên địa bàn Thành phố đều bảy tỏ sự ủng hộ, tin tưởng vào những quyết định của chính quyền Thành phố. Trong đó, những phương án, chiến lược chống dịch tại các địa phương luôn nhận được sự đồng thuận và chấp hành nghiêm chỉnh của người dân.

Đồng lòng cùng Thành phố đẩy lùi dịch bệnh
Công tác kiểm soát được thực hiện nghiêm ngặt, những người không có việc cấp thiết sẽ không được ra đường.

Đơn cử như, một trong những quyết định được người dân đồng thuận, tin tưởng đó chính là việc chính quyền thực hiện di chuyển hơn 1.000 dân tại địa bàn phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) đến khu cách ly tại Ký túc xá Trường Đại học FPT. Quyết định này cho thấy, đó là sự nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền, cũng như sự đồng thuận, tin tưởng tuyệt đối vào công tác phòng, chống dịch của Thành phố, khi liên tiếp xuất hiện những ca F0 tại ổ dịch Thanh Xuân Trung.

Anh Nguyễn Văn Trường - lái xe taxi ở Hà Đông, cho biết, thực hiện giãn cách xã hội, anh phải dừng hoạt động để bảo đảm tốt nhất cho phòng chống dịch, tránh lây lan ra cộng đồng. Đặc thù của nghề lái xe là phải đi nhiều, tiếp xúc nhiều khách hàng, mặc dù luôn tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn tay và để khách ngồi hàng ghế dưới... nhưng việc lái xe tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm.

Thực tế trong các đợt dịch trước đã có nhiều lái xe bị mắc Covid-19 nên bản thân anh rất lo ngại. “Tôi cho rằng, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng việc Thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội là phương án kịp thời, tốt nhất trong thời điểm tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay. Tôi rất tin tưởng với quyết sách đúng đắn này của chính quyền Thành phố và mong rằng, sau 2 tuần nữa Hà Nội sẽ khống chế được dịch bệnh”, anh Trường chia sẻ.

Cũng như anh Trường, anh Nguyễn Đăng Nam - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng, cho hay, mặc dù công việc bị ảnh hưởng do Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, nhưng anh Nam hoàn toàn đồng ý với chỉ đạo của thành phố Hà Nội. Theo anh Nam, qua các đợt dịch vừa rồi mọi người đã tự ý thức, tự chuẩn bị các cách bảo vệ cho chính mình, cho gia đình và toàn khu dân cư cũng như toàn xã hội nên bản thân anh thấy cũng không có xáo trộn gì cả…

Có thể thấy, việc giãn cách xã hội đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, việc làm và thu nhập của người dân. Tuy nhiên, vì sức khỏe của bản thân và cả cộng động, người dân đều đồng lòng tin tưởng vào những quyết sách của chính quyền Thủ đô. Đặc biệt, nhiều người tin tưởng rằng, việc giãn cách này được thực hiện nghiêm túc và Thành phố sẽ sớm khống chế dịch bệnh, đưa hoạt động kinh doanh sản xuất, cũng như cuộc sống, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường.

Người dân “vùng đỏ” không cần tích lũy hàng hóa

Tại một số “vùng đỏ” trên địa bàn thành phố, theo ghi nhận thị trường tại các chợ truyền thống, siêu thị trong các ngày từ mùng 6 đến 8/9, không có biến động về mua bán, đặc biệt không hề có hiện tượng người dân đổ xô đi mua tích trữ hàng hoá thiết yếu. Tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai), chị Lê Thị Tâm, một tiểu thương, cho hay: “Chỉ có ngày mùng 1 (7/9) là có lượng người mua đông hơn. Mọi người đã quen dần với giãn cách xã hội vì vậy họ không còn mua tích trữ nhiều như trước”.

Đồng lòng cùng Thành phố đẩy lùi dịch bệnh
Người dân khu chợ Hàng Bè tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.

Tương tự, tại khu chợ Hàng Bè, sau hơn chục ngày đóng cửa cũng không có cảnh đông đúc, chen lấn để mua thực phẩm tích trữ. Một phần do việc kiểm soát chặt chẽ việc ra vào chợ phục vụ công tác phòng, chống dịch, một phần do người dân không có lý do gì để phải tích trữ thực phẩm bởi hàng ngày, các tiểu thương đều chuẩn bị một lượng hàng hóa dồi dào, tươi sống phục vụ nhu cầu của người dân. “Đến ngày đi chợ nên mình muốn mua một số thực phẩm tươi sống để thay đổi khẩu vị, chứ không có nhu cầu mua nhiều hay tích trữ làm gì”, chị Thảo, một người dân cho hay.

Được biết, do là “vùng đỏ”, nên chợ Hàng Bè chủ yếu phục vụ người dân trên địa bàn, song lực lượng chức năng đang tính đến phương án phân ngày chẵn lẻ để người dân phường lân cận có thể mua hàng tại đây.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh mà tại các siêu thị hàng hóa cũng rất phong phú, đa dạng. Tại siêu thị Big C Thăng Long, lượng hàng hóa liên tục được nhân viên bổ sung vào các kệ hàng. Lượng người vào siêu thị mua hàng ở mức như bình thường. Tương tự, tại một số siêu thị như: Vinmart Võ Thị Sáu, VinMart+… lượng khách đến mua sắm bình thường. Các siêu thị đều cho biết, ngoài việc mở cửa cho mọi người đến mua sắm trực tiếp, còn tăng cường kênh bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nhà để khách hàng lựa chọn.

Lượng hàng hóa dồi dào, khiến cho mọi người dân ở “vùng đỏ” yên tâm ở nhà chống dịch. Anh Đỗ Hoàng Nam, phường Trung Hoa, quận Cầu Giấy cho hay, qua các đợt dịch vừa rồi mọi người đã tự ý thức, tự chuẩn bị các cách bảo vệ cho chính mình, cho gia đình và toàn khu dân cư cũng như toàn xã hội nên tôi thấy cũng không có xáo trộn gì.

“Cá nhân tôi mong việc giãn cách này được thực hiện nghiêm túc dể sớm khống chế dịch bệnh và đưa hoạt động kinh doanh sản xuất, cũng như cuộc sống, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường. Điều quan trọng là người dân phải tuân thủ nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch, hạn chế ra khỏi nhà”, anh Nam cho biết thêm./.

Đỗ Đạt - Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này