Không để ai bị bỏ lại phía sau

10:45 | 09/09/2021
(LĐTĐ) Hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 11/12 nhóm đối tượng nhận được hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ. Việc chi trả kịp thời đã hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn.
Trình xem xét gói hỗ trợ hơn 345 tỷ đồng cho người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Hà Nội Những điều người lao động cần biết khi làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ Covid-19 Không để ai bị bỏ lại phía sau…

Hàng chục nghìn lao động được hỗ trợ

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố ban hành quyết định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cụ thể, có 28/30 quận, huyện, thị xã đã quyết định hỗ trợ 12.585 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động với kinh phí là 50,8 tỷ đồng (trong đó chi trả cho 8.588 lao động với số tiền 34,67 tỷ đồng). Các quận như Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông đã thực hiện tương đối tốt với nhóm chính sách này. 12 quận, huyện khác như Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Chương Mỹ, Đông Anh, Hoài Đức, Mê Linh, Quốc Oai, Sóc Sơn quyết định hỗ trợ cho 187 lao động ngừng việc với số tiền 265 triệu đồng.

Không để ai  bị bỏ lại phía sau
Người dân phường Kim Giang, quận Thanh Xuân đến nhận tiền hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19.

Ngân hàng Chính sách ra quyết định cho 4 đơn vị vay vốn để trả lương ngừng việc cho 2.948 lượt lao động với số vốn cho vay là 13,03 tỷ đồng (trong đó thực hiện cho 4 đơn vị vay 12,52 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 2.833 lượt lao động)…

Đến nay, Thành phố đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 11 nhóm trong số 12 nhóm chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, còn 1 nhóm chưa có kết quả phê duyệt hỗ trợ do chưa nhận được hồ sơ của đối tượng là nhóm “Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động”.

Doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, 18/18 phường và các đơn vị sử dụng lao động thuộc quận Hai Bà Trưng đã tích cực triển khai việc hỗ trợ đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Theo đó, đối tượng cụ thể được hỗ trợ là người lao động không có giao kết hợp đồng, lao động bị mất việc làm (lao động tự do); trẻ em và các trường hợp F0, F1 đã kết thúc điều trị, hoàn thành cách ly tại cơ sở hoặc cách ly tại nhà; hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận thực hiện chi trả cho 1.435 người tạm hoãn hợp đồng lao động (bao gồm phụ nữ đang mang thai và trẻ em dưới 6 tuổi) tại 14 đơn vị sử dụng lao động (Công ty TNHH, Công ty cổ phần, Trường/Lớp mầm non tư thục) với số tiền hỗ trợ trên 5 tỷ đồng…

Ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 68/NQ-CP được ban hành, quận Hai Bà Trưng đã có kế hoạch triển khai thực hiện, giao cho các phường khẩn trương rà soát các đối tượng phù hợp với nội dung Nghị quyết. UBND phường Cầu Dền đã xây dựng kế hoạch, thành lập Hội đồng và thông báo công khai đến toàn bộ hệ thống chính trị cũng như người dân biết về gói hỗ trợ của Chính phủ.

“Sau khi nhận được đơn kê khai của nhân dân, Hội đồng xét duyệt của phường đã họp để xét duyệt công khai theo quy định. Chỉ trong 2 ngày, phường đã chuyển danh sách lên quận và được quận phê duyệt 30 trường hợp nhận hỗ trợ trong đợt 1. Đây là những trường hợp theo mục số 12 của Nghị quyết gồm những lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), gặp khó khăn do dịch Covid-19. Sau đợt 1, chúng tôi tiếp tục rà soát, khi có hồ sơ gửi lên, Hội đồng xét duyệt của phường sẽ xử lý ngay, kể cả trong những ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật”, Chủ tịch UBND phường Cầu Dền chia sẻ.

Không để ai  bị bỏ lại phía sau
Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ người dân huyện Thanh Trì vay vốn, phục hồi sản xuất.

Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19, gây nhiều tác động, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người lao động và người sử dụng lao động, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện kịp thời công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, trong những ngày qua, mặc dù thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, toàn Thành phố đang tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, việc đi lại khó khăn, nhưng cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội bằng các giải pháp công nghệ thông tin, email, các ứng dụng trên điện thoại Zalo, Viber… vẫn tích cực giải đáp, giúp đỡ người sử dụng lao động tìm hiểu chính sách vay vốn này và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ vay vốn để kịp thời giải ngân, giúp người sử dụng lao động có nguồn vốn trả lương cho lao động ngừng việc.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cơ quan tiếp tục tuyên truyền phổ biến chính sách, đặc biệt là phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế để hướng dẫn người sử dụng lao động trong việc hoàn thiện hồ sơ kịp thời để giải ngân nhanh nhất.

Bà Nguyễn Thanh Hương, chủ một doanh nghiệp được vay vốn cho biết, đây là một chính sách rất quan trọng và kịp thời của Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lúc dịch bệnh vô cùng khó khăn này. Bà Hương chia sẻ: “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, chúng tôi đã rất nỗ lực xoay chuyển các chiến lược, mô hình hoạt động của công ty cho phù hợp nhưng người lao động trong công ty vẫn gặp rất nhiều khó khăn, rất nhiều lao động phải ngừng việc.

Được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Ngân hàng, doanh nghiệp như được tiếp thêm sức mạnh. Nguồn vốn cho vay hỗ trợ kịp thời đến cán bộ nhân viên để chúng tôi tiếp tục củng cố doanh nghiệp, giữ vững và phát triển trong thời gian tới. Chắc chắn rằng, việc triển khai rộng rãi Nghị Quyết 68 của Chính phủ sẽ giúp nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19 được tiếp cận nguồn vốn để vượt qua đại dịch”...

Có thể thấy, việc chi trả kịp thời hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP đã giúp những người lao động, doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng và là động lực giúp họ vượt qua khó khăn trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội.

Đến nay, Thành phố đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 11 nhóm trong số 12 nhóm chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, còn 1 nhóm chưa có kết quả phê duyệt hỗ trợ do chưa nhận được hồ sơ của đối tượng là nhóm “Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động”.

H.Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này