Siết chặt giấy đi đường để kiểm soát dịch bệnh

08:25 | 09/09/2021
(LĐTĐ) Việc cấp Giấy đi đường theo mẫu mới là cần thiết nhằm thống nhất quy trình cấp giấy đi đường, quan trọng hơn là để tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần kiểm soát dịch bệnh.
Ngày đầu kiểm tra giấy đi đường mã QR Code: Giao thông ổn định, không ùn tắc giờ cao điểm Điều chỉnh cấp, kiểm tra giấy đi đường phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch

Khắc phục những bất cập

Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến việc cấp Giấy đi đường, đồng tình với các chỉ đạo cần kiểm soát nghiêm ngặt các trường hợp ra đường không có đầy đủ giấy tờ theo quy định, không có lý do chính đáng. Trước tình trạng trong các khung giờ cao điểm, người dân ra đường vẫn đông, UBND thành phố Hà Nội đã có những quyết định điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của Thủ đô.

Thực tế triển khai cho thấy, trong công tác quản lý, cấp và kiểm tra Giấy đi đường vẫn bộc lộ không ít vướng mắc, bất cập, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch chung của toàn thành phố. Nguyên nhân chính là do cách hiểu và áp dụng cấp, kiểm tra Giấy đi đường tại một số cơ quan, doanh nghiệp, các chốt kiểm soát dịch bệnh chưa có sự đồng nhất.

Siết chặt giấy đi đường để kiểm soát dịch bệnh
Lực lượng Công an kiểm tra Giấy đi đường của người dân.

Để thực hiện việc giãn cách có hiệu quả, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị được giao cấp Giấy đi đường cho nhân viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu, tự giác và có trách nhiệm cao đối với chữ ký của mình. Có thể nói, “chặt” hay “lỏng” trong việc cấp Giấy đi đường phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có thẩm quyền cấp. Việc không ít người đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp thời gian qua tự ký Giấy đi đường cho người lao động chưa đúng quy định, cấp kiểu tràn lan đã khiến số lượng người và phương tiện đổ ra đường vẫn khá đông, làm cho công tác quản lý, kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng thêm khó khăn, khiến hiệu quả giãn cách xã hội bị hạn chế. Vì vậy, để việc cấp Giấy đi đường được thực hiện đúng, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, đề cao tính chịu trách nhiệm và tăng cường công tác kiểm tra xử lý nghiêm minh, trong đó có việc xử lý người đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp cấp Giấy đi đường sai quy định.

Trước thực tế này, thành phố Hà Nội đã có sự điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, trên cơ sở tham khảo công tác quản lý các tỉnh, thành khác và căn cứ vào nhu cầu đi lại thực tiễn của người dân Thủ đô. Việc giao thẩm quyền cấp Giấy đi đường cho một số nhóm đối tượng cho Công an Thành phố sẽ tạo ra sự thống nhất trong quy trình cấp Giấy đi đường, cũng như giúp cho công tác kiểm tra, xử lý tại các chốt kiểm soát dịch được thuận tiện, nhanh chóng. Qua đó, nhằm phục vụ hiệu quả cho việc giãn cách xã hội, theo phương châm “Ai ở đâu ở đó”, khoanh vùng, cách ly, dập dịch triệt để, không để dịch lan rộng trong cộng đồng hoặc lây lan sang các vùng khác, “giữ vững vùng xanh, hóa xanh vùng cam, vùng đỏ”. Đồng thời, việc cấp Giấy đi đường được giao cho Công an Thành phố chủ trì, phân cấp theo thẩm quyền sẽ đảm bảo cơ chế lưu thông, liên ngành trong việc quản lý di chuyển giữa các vùng, có sự kiểm soát chặt chẽ theo từng cấp độ, đối tượng, đảm bảo sự nhịp nhàng, hiệu quả trong công tác phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan về công tác phòng, chống dịch.

Thủ tục đăng ký nhanh gọn, đơn giản

Từ ngày 6/9, thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện đợt giãn cách xã hội chống dịch Covid-19 lần thứ 4 với phương châm siết chặt hơn, quyết liệt hơn theo phương án chia ba vùng ở ba cấp độ khác nhau. Công an thành phố Hà Nội sẽ tăng cường các lực lượng cắm chốt, tổ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Để đạt được mục tiêu giãn cách xã hội, quản lý, cấp, xử lý vi phạm về Giấy đi đường, người ra đường không đúng mục đích, những ngày qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều biện pháp, kế hoạch, đặc biệt là Kế hoạch số 528 ngày 3/9/2021 về bảo đảm an ninh trật tự các phân vùng phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội với phương châm “mỗi xã, phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ tiên phong trong phòng, chống dịch”. Theo đó, Công an thành phố Hà Nội đã gấp rút triển khai các công việc có liên quan đến việc thông báo, cấp Giấy đi đường. Tùy theo các nhóm đối tượng, lĩnh vực được phép hoạt động và phân công, phân cấp duyệt, cấp Giấy đi đường, Công an Thành phố sẽ căn cứ vào nhóm đối tượng thuộc diện được phép theo quy định để cấp Giấy đi đường đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Quý, Trưởng Công an phường Ngọc Khánh cho biết: “Việc cấp Giấy đi đường theo mẫu mới đầu tiên cũng gặp một số khó khăn, các đối tượng cấp thuộc nhóm 6, chúng tôi cần rà soát kỹ, nên cũng mất nhiều thời gian. Thêm nữa, liên quan đến đường truyền gửi qua thư điện tử, nếu như nhiều tài khoản gửi vào cùng 1 lúc thì sẽ tự đóng. Tuy nhiên, khi được cấp Giấy đi đường rồi, việc quét mã này sẽ giúp cho quản lý thuận tiện hơn rất nhiều, nhất là tại các tuyến đường ngõ, ngách”.

Theo quy trình cấp Giấy đi đường có nhận diện (mã QR), các tổ chức/doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thiết yếu sẽ gửi danh sách, hồ sơ đăng ký cấp Giấy đi đường qua cảnh sát khu vực. Cán bộ xã/phường/thị trấn tiếp nhận thông tin được thẩm định từ cảnh sát khu vực và nhập đăng ký của tổ chức/doanh nghiệp. Cán bộ xã/phường/thị trấn sẽ duyệt hoặc từ chối duyệt danh sách (trường hợp không được duyệt hệ thống sẽ gửi email thông báo lại cho tổ chức/doanh nghiệp). Sau đó, cán bộ xã/phường/thị trấn gửi lại Giấy đi đường được duyệt cho công an xã/phường/thị trấn đóng dấu xác nhận. Cảnh sát khu vực sẽ gửi lại Giấy đi đường đã được duyệt, đóng dấu cho tổ chức/doanh nghiệp cấp, phát cho cán bộ/công nhân viên. Đối với các cá nhân, để được cấp Giấy đi đường, người dân đăng ký với cảnh sát khu vực của xã/phường/thị trấn nơi cư trú. Cảnh sát khu vực tiếp nhận, thẩm định lại thông tin và gửi danh sách cho cán bộ xã/phường/thị trấn để xét duyệt hoặc từ chối duyệt. Cán bộ xã/phường/thị trấn gửi lại Giấy đi đường được duyệt cho công an xã/phường/thị trấn đóng dấu xác nhận. Sau đó, cảnh sát khu vực sẽ gửi lại Giấy đi đường đã được duyệt, đóng dấu cho cá nhân theo địa bàn quản lý. Việc thẩm tra, duyệt cấp Giấy đi đường được lực lượng Công an thực hiện nhanh chóng, không mất nhiều thời gian nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp.

Ghi nhận thực tế tại Công an phường Cống Vị, quận Ba Đình, trong ngày 7/9/2021, các doanh nghiệp trên địa bàn đến làm thủ tục xin cấp Giấy đi đường khá đông. Tại đây, Công an phường bố trí các cảnh sát khu vực để giải thích, hướng dẫn cụ thể cách đăng ký cho những trường hợp chưa biết. Anh Hoàng Văn Đức, đại diện một doanh nghiệp trên địa bàn phường Cống Vị, cho biết, việc đăng ký khá đơn giản, doanh nghiệp chỉ cần lấy số điện thoại có cài phần mềm Zalo của Cảnh sát khu vực được niêm yết tại trụ sở Công an phường, mọi hoạt động đăng ký chỉ cần thao tác qua hệ thống phần mềm này. Theo anh Đức, sau khi được cấp giấy này, thời gian kiểm tra sẽ nhanh hơn, tránh ùn ứ bởi việc xác minh đã được làm từ cơ sở. Còn anh Nguyễn Xuân Diệu, đại diện một doanh nghiệp khác, thì cho rằng, việc thay đổi Giấy đi đường này khá hợp lý bởi việc kiểm tra, cấp giấy đều được xác minh từ Công an và cán bộ tư pháp phường, điều này sẽ hạn chế được số người ra đường tràn lan và không đúng mục đích.

Theo ông Đào Việt Tùng, Phó trưởng Công an phường Cống Vị, trong 2 ngày qua đơn vị đã tiếp nhận, rà soát hồ sơ và thực hiện cấp Giấy đi đường cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn. Việc cấp giấy diễn ra nhanh chóng, đúng quy định, chỉ những trường hợp cần thiết mới được xác nhận.

Quá trình thực hiện giãn cách lần này sẽ quyết định sự thành bại của công tác phòng, chống dịch. Chính vì vậy, bên cạnh sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị Thủ đô, cần sự ủng hộ, đồng lòng của người dân để sớm khống chế và đẩy lùi được dịch bệnh./.

Anh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này