Giữ gìn văn hóa hát xẩm

08:44 | 07/09/2021
(LĐTĐ) Hát xẩm là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian rất phổ biến ở vùng nông thôn miền Bắc Việt Nam và đã từng là nghề sinh nhai chính của những người khiếm thị. Sau một thời gian dài thất truyền, gần đây, hát xẩm đã dần trở lại trong cuộc sống hiện đại cùng các nghệ sĩ.
Gương mặt thân quen nhí: Diệp Nhi xuất sắc với tài năng hát xẩm

Là một loại hình dân ca của miền Bắc, phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, tương truyền xẩm ra đời từ rất sớm, cách đây hơn 700 năm, vào khoảng thế thế kỷ thứ XIV. Người hành nghề hát xẩm từ xa xưa đã lấy ngày 22 tháng 2 và ngày 22 tháng 8 Âm lịch hàng năm làm ngày Giỗ tổ nghề. Kể từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ XX, hát xẩm được gọi với những tên khác nhau như hát rong, hát dạo… Nhưng trên thực tế, hát xẩm là thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc ta, với lối kể tích sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn. Lúc đó, hát xẩm thường là các nhóm đi khắp chốn cùng quê.

Giữ gìn văn hóa hát xẩm
Hát xẩm là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian rất phổ biến ở vùng nông thôn miền Bắc Việt Nam (Ảnh chụp thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19)

Hầu như nhóm nào cũng có ông trùm là người khiếm thị. Có nhiều nghệ nhân tài ba đã gìn giữ và lưu truyền hát xẩm như nghệ nhân Nguyễn Văn Nguyên (cụ Trùm Nguyên), nghệ nhân Vũ Đức Sắn của Hà Nội, nghệ nhân Thân Đức Chinh của Bắc Giang, Nguyễn Phong Sắc trưởng nhất Hải Dương, cụ Trùm Khoản ở Sơn Tây... và rất nhiều nghệ nhân khuyết danh trên mọi miền Tổ quốc.

Những năm 70, loại hình nghệ thuật này đã có lúc mai một rồi dần đi vào quên lãng. Kể từ đó, những người hát xẩm không thể kiếm ăn bằng nghề này nữa. Hát xẩm tưởng chừng như đã thất truyền. Qua thời gian dài vắng bóng, gần đây hát xẩm đã được những nghệ sĩ yêu âm nhạc truyền thống tập trung khôi phục.

Bộ nhạc cụ đơn giản nhất để hát xẩm gồm đàn nhị và sênh tiền. Nhóm hát xẩm đông người có thể dùng thêm đàn bầu, trống mảnh và phách bàn. Về hình thức, hát xẩm có hai dòng là xẩm sáng và xẩm mù với 8 làn điệu chính. Về thể loại, có xẩm chợ (hát tại nơi công cộng như chợ búa, bến tàu, bến xe); xẩm Nhà trò hay nhà tơ (hát tại hàng quán, tại tư gia), xẩm Huê tình (hát giao duyên), xẩm Thập ân (kể công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy). Bên cạnh các loại xẩm chính như xẩm chợ, xẩm xoan, xẩm thập ân… nghệ nhân xẩm đã kết hợp thêm các loại hình khác như sa mạc, trống quân, cò lả, hát ví… Việc kết hợp như vậy vừa làm phong phú hơn, mượt mà hơn cho các câu hát xẩm, lại vừa phổ biến được các loại hình khác rộng rãi trong dân gian. Trong mỗi thể loại, địa phương nào cũng có làn điệu cơ bản giống nhau nhưng phong cách thể hiện khác nhau, môi trường diễn xướng cũng đa dạng không giống nhau.

Có thể nói, xẩm đã trở thành một trong những điểm sáng trong nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Bằng những ca từ, nhịp điệu mộc mạc, giản dị, xẩm đã để lại những giá trị cả về vật chất và tinh thần to lớn. Trải qua thời gian với những thăng trầm, hát xẩm vẫn tìm được chỗ đứng và giữ được chất vốn có dù thời buổi văn hóa giải trí không ngừng nở rộ. Một giá trị to lớn mà hát xẩm ngay từ khi hình thành và phát triển đã đem lại, đó là hát xẩm từng được coi là nghề kiếm sống cho những người khiếm thị. Từ thuở sơ khai, xẩm thường được hát bởi những người khiếm thị, người dân nghèo kiếm tiền mưu sinh tại những khu chợ đông người qua lại. Họ đem những lời ca tiếng hát mộc mạc và dung dị đến gần hơn với mọi tầng lớp trong xã hội. Đó vừa là hoạt động để phục vụ những người yêu âm nhạc cũng vừa là để nuôi sống bản thân. Sau này, khi xã hội ngày một phát triển, cuộc sống có phần ổn định hơn thì lời ca tiếng hát của xẩm càng được lan truyền rộng rãi và nhiều người biết đến hơn. Xẩm không chỉ dừng lại là một loại hình âm nhạc mà còn là một công cụ, một nghề để kiếm sống cho biết bao người dân nghèo khổ.

Ở bất kì thời điểm nào, dù là quá khứ hay hiện tại thì xẩm cũng luôn là một món ăn tinh thần đối với người dân Việt Nam. Từ một nghề kiếm sống phục vụ những tầng lớp trên, xẩm dần “ăn sâu” vào tiềm thức của bất kì ai đã từng được nghe qua những giai điệu ấy. Những lời ca tiếng hát ấy như có một sức hút mạnh mẽ thúc giục ta phải yên lặng để lắng nghe. Cứ như vậy, xẩm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam…

Sau chiến tranh, các làn điệu xẩm được các nhạc sỹ, cán bộ văn hóa sử dụng như một công cụ để tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xẩm địch vận đã xuất hiện và phát huy vai trò tích cực của mình. Để động viên tinh thần đấu tranh anh dũng của các chiến sĩ trong trận tuyến quyết giữ mạch máu lưu thông cầu Hàm Rồng, nghệ nhân xẩm Minh Sen (Thanh Hoá) đã ôm cây đàn nhị đi khắp mọi nơi trên mặt trận để mang những lời ca hóm hỉnh, mang lại tiếng cười sảng khoái cho các chiến sĩ.

Đó là tập hợp của rất nhiều những giá trị tinh thần mà xẩm đã đem lại: Giá trị liên kết, tuyên truyền trong cộng đồng của nghệ thuật hát xẩm; giá trị trong ca từ; giá trị hướng về cội nguồn; giá trị tích lũy, sáng tạo văn hóa tinh thần; giá trị bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày nay, hát xẩm đã có sự biến đổi trong góc nhìn của nhiều thế hệ. Và người trẻ hôm nay đã cho thấy những cách tiếp cận mới cùng quan điểm đa dạng về xẩm để tiếp nối giá trị mà nó đã để lại./.

Phương Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này