Cần sửa luật để tạo thuận lợi cho công tác phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý

20:07 | 04/09/2021
(LĐTĐ) Thông qua việc thực hiện Đề án, đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý.
Công an TP Hà Nội: Tập huấn về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng Đảm bảo 100% người khuyết tật khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý Tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm tư vấn pháp luật trong các cấp công đoàn Thủ đô

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa báo cáo tổng kết 4 năm thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017-2021”, được giao cho Hội Luật gia thành phố Hà Nội chủ trì thực hiện.

Báo cáo đánh giá, thông qua việc thực hiện Đề án, đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý. Bốn năm qua, các đơn vị Hội Luật gia Hà Nội đã nghiêm túc tổ chức thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 theo Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thu được kết quả tốt.

Kiến nghị sửa luật để tạo thuận lợi cho công tác phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý
Một buổi tuyên truyền pháp luật cho học sinh

Hội Luật gia thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm để các đơn vị Hội Luật gia triển khai thực hiện. Cụ thể, cử luật gia làm báo cáo viên pháp luật tại 338 hội nghị của Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội; tổ chức và phối hợp tổ chức 2.453 hội nghị phổ biến 25 pháp luật cho 402.500 người là cán bộ chủ chốt, hội viên Hội Luật gia và nhân dân.

Đồng thời, in và phát hành 400.000 tờ gấp pháp luật, 6.400 cuốn Bản tin Luật gia Thủ đô phát cho người dân và hội viên… 100 Chi hội Luật gia xã, phường, thị trấn cử luật gia tham gia tiếp công dân và tư vấn giải quyết khiếu nại cho chính quyền và nhân dân.

Đồng thời, các cấp Hội Luật gia Hà Nội đã góp hàng trăm ý kiến chất lượng vào các dự thảo văn bản pháp luật của Trung ương và Thành phố. Bên cạnh đó, chủ động quan hệ phối hợp với một số cơ quan, đơn vị thực hiện ba dự án phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho một số đối tượng đặc thù.

Theo đó, Hội Luật gia thành phố Hà Nội đã phối hợp thực hiện dự án của Hội Luật gia Việt Nam về hỗ trợ pháp lý cho phạm nhân sắp mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng, mỗi năm tổ chức 8 cuộc phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động cho phạm nhân tại Trại Tạm giam số 1, số 2 Công an Hà Nội.

Thực hiện dự án của Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về quyền lao động và công đoàn cho các hội nghề nghiệp và Hội khoa học kỹ thuật theo quy định của pháp luật Việt Nam, đóng góp vào việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản ở Việt Nam”, Hội Luật gia Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật về lao động cho người lao động trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Hội Luật gia Hà Nội còn thực hiện dự án của Liên hiệp các Hội khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, hàng năm tổ chức hỗ trợ pháp lý cho 5 nhóm đối tượng HIV-AIDS, mại dâm, tiêm chích ma túy, đồng giới về pháp luật phòng, chống ma túy, phòng chống HIV-AIDS, phòng, chống mại dâm, Luật Bảo hiểm y tế…

Đáng quan tâm, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội – ông Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, mô hình Tổ phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở được triển khai trên địa bàn Hà Nội gần 7 năm qua là mô hình rất tốt, rất phù hợp với pháp luật và thực tiễn để thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, đưa pháp luật vào cuộc sống.

Đến tháng 6/2021 Hội Luật gia thành phố Hà Nội đã thành lập được 50 Tổ, với 250 thành viên. Tính từ năm 2014 (thực hiện giai đoạn 1 của Đề án), Hội Luật gia thành phố cùng với 50 Tổ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ở cơ sở đã thực hiện 320 cuộc phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động cho người dân của 320 xã, phường, thị trấn. Qua đó, có 45.100 người được phổ biến pháp luật; 3.360 người được trợ giúp pháp lý.

Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, để phù hợp với yêu cầu phòng, chống đại dịch Covid-19, các đơn vị Hội Luật gia và hội viên Hội Luật gia Hà Nội đã chủ động áp dụng công nghệ thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật trên trang thông tin điện tử, zalo, điện thoại và mạng xã hội facebook…

Ông Nguyễn Hồng Tuyến cũng cho biết, hiện nay chính sách xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý đang được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Nghị định số 77/2008/NĐ-CP của Chính phủ về tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, cả ba văn bản này đều có nhiều quy định lạc hậu, lỗi thời liên quan đến xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.

Vì vậy, Hội Luật gia Hà Nội đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý trong Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật Trợ giúp pháp lý. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật theo hướng mở rộng phạm vi tư vấn pháp luật.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này