Chiến sĩ áo xanh “hoà quyện” màu áo Blouse trắng

06:55 | 01/09/2021
(LĐTĐ) Vượt trên tất cả với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cùng với các lực lượng chức năng, các chiến sĩ áo trắng song hành cùng lực lượng vũ trang đã không quản gian lao, vất vả, hy sinh hạnh phúc riêng, tạo thành những “lá chắn thép” nơi tuyến đầu, ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19 để Thủ đô bình yên.
Chiến sĩ mặc áo Blouse trắng và những ngày “rực lửa” nhất cuộc đời Tự hào “chiến sĩ” mặc áo Blouse trắng

Đồng hành cùng bệnh nhân trong cuộc chiến sinh tử

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt hơn từ đợt dịch lần thứ 4 bùng phát trở lại. Với lời hiệu triệu “mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”, toàn dân cùng một ý chí, đoàn kết một lòng để chống lại đại dịch Covid-19. Và trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu này, ngành Y tế với đội ngũ các y, bác sĩ, nhân viên y tế đang giữ vai trò nòng cốt, xung kích đi đầu và đối mặt với hiểm nguy, vô cùng gian khó, ngày đêm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân.

Chiến sĩ áo xanh “hoà quyện” màu áo Blouse trắng
Bộ đội chuẩn bị bữa ăn cho người dân thực hiện cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh QPTĐ

Điển hình tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang là một trong bệnh viện chủ lực trong tuyến đầu điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Với đặc thù của một cơ sở y tế tuyến đầu về bệnh truyền nhiễm, công việc quá tải, làm việc liên tục không có ngày nghỉ là điều đã quá quen thuộc với đội ngũ y, bác sĩ nơi đây, thậm chí lây nhiễm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Gần 4 tháng nay, các y, bác sĩ tại Bệnh viện đã dồn sức ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh Covid-19.

Trong đợt cao điểm dịch, sau mỗi ca trực, họ chỉ dám dành ra vài phút ăn vội suất cơm hộp, tranh thủ chợp mắt ít phút để lấy lại sức. Hình ảnh những đôi mắt đỏ hoe vì mệt mỏi sau ca trực thâu đêm, những vết hằn trên khuôn mặt, dấu tích của việc đeo khẩu trang quá lâu… đã làm lay động triệu triệu trái tim người dân Việt Nam.

Khó khăn, áp lực công việc song không vì thế mà các nhân viên y tế nản lòng. Hàng ngày, thậm chí hàng giờ, các y, bác sĩ tại Bệnh viện vẫn đang cố gắng để giành giật lại sự sống cho nhiều bệnh nhân từ tay tử thần. Minh chứng, từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện đã cứu chữa thành công cho 52 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, khi mà sự sống của họ mong manh giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Đơn cử, Khoa Hồi sức tích cực đã điều trị thành công cho bệnh nhân L.T.H mắc Covid-19 nặng vừa mổ lấy thai khi mới 36 tuần.

Trong suốt gần một tháng đồng hành cùng bệnh nhân trong cuộc chiến sinh tử, ngày chị H được ra viện, cả Khoa đều vui mừng và hạnh phúc. “Mặc dù quá trình điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng rất dài nhưng sự thay đổi và tiến triển từng ngày của họ chính là động lực để tôi và tất cả các bác sĩ ở Bệnh viện quyết tâm hơn nữa trong việc chữa trị cho bệnh nhân, giúp họ được trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình. Đặc biệt, cùng là đồng nghiệp, tôi chỉ mong bệnh nhân sớm bình phục sức khỏe để quay trở lại chiến đấu cùng anh em nhân viên y tế trong cuộc chiến chống Covid-19 này”, bác sĩ Dương chia sẻ thêm.

Chia sẻ về ca bệnh này, bác sĩ Đặng Văn Dương, Khoa Hồi sức tích cực cho biết: "Bệnh nhân L.T.H, 23 tuổi (quê Nghệ An) là nhân viên y tế, mang thai 36 tuần, đang điều trị đái tháo đường thai kì. Ngày 19/7 bệnh nhân có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2, bệnh nhân được chuyển bệnh viện tuyến cơ sở điều trị và mổ lấy thai cùng ngày. Tuy nhiên, sau mổ tình trạng bệnh nhân chuyển biến xấu nên được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.

Ngày 24/7, bệnh nhân vào Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng tỉnh, mệt, chỉ số chức năng phổi suy giảm, huyết áp không đáp ứng với thở oxy lưu lượng cao, đã được đặt ống nội khí quản và thở máy. Và chỉ một ngày sau đó, bệnh nhân có biểu hiện tụt huyết áp, suy tuần hoàn, được can thiệp đặt catheter động mạch theo dõi huyết động liên tục, các diễn biến bệnh được theo dõi sát sao, kết hợp chăm sóc toàn diện và điều trị tích cực. Sau 5 ngày nhập viện bệnh nhân có tiến triển rõ rệt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, bệnh nhân được rút ống, bỏ máy thở và chuyển thở oxy kính.

“Tuy nhiên, đến ngày 30/7, bệnh nhân đột ngột có biểu hiện suy hô hấp, đau tức ngực, may mắn được các bác sĩ cấp cứu kịp thời và chỉ định chụp cắt lớp vi tính ngực. Qua thăm khám đánh giá bệnh nhân được chẩn đoán điều trị theo hướng tắc mạch phổi. Đến ngày 8/8, bệnh nhân tự thở được tốt, cơ lực khá, toàn trạng ổn định, bệnh nhân được ngừng thở oxy kính và tích cực tập vận động, phục hồi chức năng, nuôi dưỡng nâng cao thể trạng”, bác sĩ Dương chia sẻ. Sau gần 1 tháng chăm sóc tích cực, sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn ổn định và được ra viện, đây là ca bệnh thứ 51 hồi phục tại Khoa Hồi sức tích cực.

Trong suốt gần một tháng đồng hành cùng bệnh nhân trong cuộc chiến sinh tử, ngày chị H được ra viện, cả Khoa đều vui mừng và hạnh phúc. “Mặc dù quá trình điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng rất dài nhưng sự thay đổi và tiến triển từng ngày của họ chính là động lực để tôi và tất cả các y, bác sĩ ở Bệnh viện quyết tâm hơn nữa trong việc chữa trị cho bệnh nhân, giúp họ được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Đặc biệt, cùng là đồng nghiệp, tôi chỉ mong bệnh nhân sớm bình phục sức khỏe để quay trở lại chiến đấu cùng anh em nhân viên y tế trong cuộc chiến chống Covid-19 này”, bác sĩ Dương chia sẻ thêm.

Chiến sĩ áo xanh “hoà quyện” màu áo Blouse trắng
Các bác sĩ tuyến đầu làm nhiệm vụ.

Được biết, hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 314 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 68 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Riêng Khoa Hồi sức tích cực có 33 bệnh nhân nặng, trong đó có 22 ca thở máy và 6 ca tim phổi nhân tạo. Số ca bệnh nặng còn nhiều, đồng nghĩa với việc các bác sĩ còn phải làm việc vất vả, còn bị cách ly y tế tại bệnh viện và mọi liên hệ với người thân trong gia đình chỉ thông qua điện thoại…

Không chỉ ở các bệnh viện tuyến Trung ương, mà tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, các nhân viên y tế cũng đang căng mình làm nhiệm vụ. Đơn cử, là một trong 4 bệnh viện được Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, các nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vẫn đang gấp rút trong công tác thu dung và điều trị bệnh nhân. Theo bác sĩ Lê Mạnh Trường, khu đơn nguyên điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện: Từ ngày 27/4 đến nay Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 400 bệnh nhân mắc Covid-19. Số bệnh nhân cao nhất có thời điểm là 160 người với tất cả giai đoạn bệnh, từ không có triệu chứng đến nhóm bệnh nhân có triệu chứng nặng và nguy kịch.

Công việc điều trị, trực cấp cứu vốn đã vất vả, áp lực từ trước, tuy nhiên trong đợt dịch này, các y, bác sĩ nơi đây còn phải đảm nhận thêm việc chăm sóc, động viên bệnh nhân thay cho người nhà của họ. “Ngoài việc điều trị, chúng tôi còn thường xuyên nhắn tin vào nhóm zalo phòng bệnh để động viên tinh thần cho các bệnh nhân. Với chúng tôi, đây là cách để trấn an họ, giúp họ cảm thấy an tâm rằng luôn có các y, bác sĩ bên cạnh cùng họ vượt qua nỗi sợ hãi và chiến thắng bệnh tật”, bác sĩ Trường phân tích.

Ngành Y tế vốn là một ngành đặc thù, nhân viên y tế cũng làm việc trong môi trường đặc thù. Biết là khi dấn thân vào nghề sẽ có những vất vả, thiệt thòi, nhưng một khi đã chọn các y, bác sĩ vẫn sẽ nỗ lực cống hiến hết mình vì sức khoẻ của nhân dân. “Là bác sĩ, khoác trên mình chiếc áo Blouse trắng, chúng tôi có sứ mệnh riêng dù có khó khăn thế nào. Những ngày làm việc gần như 24/24 đương nhiên cũng làm chúng tôi mệt mỏi nhưng không thể gục ngã, chỉ cần người bệnh còn tin tưởng, chúng tôi sẽ còn chiến đấu vì họ” – bác sĩ Trường khẳng định.

Qua những cuộc chia sẻ hiếm hoi và ngắn ngủi với các y, bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện những ngày này, đủ để cảm nhận trong sự tất bật, vất vả của họ vẫn ánh lên những niềm vui. Họ vui vì bên cạnh việc tiếp nhận những ca bệnh mới, hàng ngày bệnh viện vẫn được công bố các bệnh nhân mắc Covid-19 ổn định sức khoẻ, được ra viện. Đó là niềm vui vô bờ bến của những người thầy thuốc. Cứu sống nhiều bệnh nhân Covid-19 biến chứng nặng

Còn đối với những cán bộ y tế dự phòng, dù không trực tiếp tham gia khám chữa, cấp cứu bệnh nhân, nhưng họ mang sứ mệnh nặng nề khi trở thành “lá chắn thép” trong công tác điều tra, truy vết, xét nghiệm để khoanh vùng, dập dịch. Vượt trên những khó khăn vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao, những chiến sĩ y tế dự phòng vẫn ngày đêm lặng thầm cống hiến. Họ chỉ mong sao, với những nỗ lực của mình, dịch bệnh sớm được đẩy lùi và cuộc sống trở lại bình thường.

Gian khó, nguy hiểm luôn rình rập là vậy nhưng “chiến sĩ mặc áo trắng” tuyến đầu của trận chiến chống dịch vẫn luôn nêu cao ý trí, bản lĩnh, kiên cường, ngày đêm động viên, chăm sóc, bảo vệ tính mạng của bệnh nhân và đồng bào, kiều bào về nước và cả những người mang quốc tịch nước ngoài… Họ xứng đáng là những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng.

Giúp dân là mệnh lệnh từ trái tim

Còn nhiều lắm những gian truân, hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến này, bởi cùng với “chiến sĩ áo trắng” tham gia chống dịch, quân đội, công an luôn là lực lượng tiên phong đi đầu, trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Phát huy truyền thống “Trung với Đảng, hiếu với dân”; “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, mỗi cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an đang ngày đêm dãi nắng dầm sương, tạo thành những chốt che chắn trước mọi làn sóng “dịch” Covid-19 bùng phát ở Thủ đô.

Không ít cán bộ, chiến sĩ đã không được về nhà trong thời gian dài, không thể về đưa tiễn người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng. Họ cũng sẵn sàng hoãn cưới vợ, cưới con; không thể ở nhà lúc vợ trở dạ, sinh con… để hoàn thành trọng trách mà đất nước đã tin tưởng giao phó.

Trung tá Nguyễn Văn Trung - Trưởng Công an phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, thời gian qua, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Công an phường Đông Ngạc đã vào cuộc tích cực, quyết liệt trong các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với mục tiêu sớm đẩy lùi dịch bệnh. Công an phường đã phối hợp các lực lượng chức năng duy trì tuần tra, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh và xử lý các trường hợp cố ý vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid -19.

Trước đó, trong những ngày cuối tháng 7, chung cư Ecohome 2 (phường Đông Ngạc) ghi nhận các trường hợp dương tính với vi rút SARS-Cov-2, lực lượng chức năng phường đã nhanh chóng, chủ động xây dựng, thực hiện các phương án bảo vệ, cách ly, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho người dân. Các cán bộ, chiến sĩ Công an phường đã không quản ngại nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm để phối hợp với lực lượng y tế, dân quân khẩn trương truy vết các trường hợp F1, F2. Tại đây, ngày đêm cán bộ chiến sĩ bám chốt kiểm soát dịch, chốt chặn ở khu vực phong tỏa tại cổng của khu chung cư; đảm bảo an ninh trật tự, chia sẻ khó khăn, vất vả của người dân trong khu vực có dịch…

Ngay khi thành phố Hà Nội ban hành các Chỉ thị, Công điện về việc giãn cách xã hội trên địa bàn, các cán bộ, chiến sĩ phải căng mình, nỗ lực nhiều hơn. Hàng ngày, công an phường vừa làm công tác tuyên truyền hướng dẫn, nhắc nhở người dân tuân thủ nghiêm quy định giãn cách xã hội, vừa đảm bảo kiểm soát dịch tại các khu vực phong tỏa và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. “Hầu hết, các cán bộ, chiến sĩ đều có bữa cơm nhà thưa thớt, giấc ngủ chẳng vẹn tròn. Tuy nhiên vượt lên trên sự khó khăn, áp lực diễn biến dịch bệnh lây lan phức tạp, sự vất vả trong sinh hoạt. Lực lượng công an phường Đông Ngạc luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn”, Trưởng Công an phường Đông Ngạc chia sẻ.

Không chỉ riêng phường Đông Ngạc, mà những ngày này, hình ảnh người chiến sĩ công an ở cơ sở không quản mưa nắng bám địa bàn, bảo vệ những “vùng xanh” đã trở nên quen thuộc. Bên cạnh lực lượng công an, mỗi điểm chốt bảo vệ vùng xanh còn có lực lượng dân quân, thành viên tổ Covid 19 và nhiều người dân tự nguyện tham gia. Thời gian qua, tại địa bàn dân cư ở Thủ đô đã thành lập trên 4.600 Tổ Covid-19 cộng đồng do công an làm tổ trưởng. Đồng thời, lực lượng công an cơ sở cũng tham gia truy vết, khoanh vùng cách ly; tăng cường quản lý cư trú, bảo đảm an ninh, trật tự tại các điểm, cơ sở, khu vực phong tỏa, cách ly.

Công an các xã, phường, thị trấn cũng là lực lượng nòng cốt trong đội hình 2.000 chốt vừa để kiểm soát người, phương tiện, vừa bảo vệ “vùng xanh”. Nhiệm vụ trọng tâm của cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô là phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát người ra đường không cấp thiết trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân… Đặc biệt, lực lượng công an ở cơ sở đã, đang vào cuộc với quyết tâm cao nhất, bám sát từng địa bàn. Chẳng hạn, 579 nhóm “Tôi yêu xã, phường, thị trấn” tại cộng đồng do Đoàn Thanh niên công an các cấp thành phố thiết lập tiếp tục tuyên truyền kịp thời qua mạng xã hội về các chủ trương, quy định phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời tạo “kênh” nắm vững tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở.

Có thể thấy, chưa khi nào hình ảnh người chiến sĩ Công an Thủ đô lại gần gũi, sẻ chia, hết lòng vì nhân dân phục vụ lại sáng như vậy. Vừa bảo đảm an ninh trật tự, vừa đảm nhận thêm nhiệm vụ chống dịch, nhiều cán bộ chiến sĩ đã có những hành động đẹp, kịp thời giúp đỡ người dân gặp khó khăn trong thời điểm dịch bệnh Covid-19. Mới đây, hình ảnh Trung tá Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Công an phường Đội Cấn (quận Ba Đình) cõng cụ bà 70 tuổi đưa lên xe ô tô đi cách ly tập trung đã tiếp tục làm sáng đẹp hơn hình ảnh chiến sĩ Công an trong lòng dân, góp phần nhân lên tình cảm quân - dân ấm áp, tiếp thêm niềm tin, động lực để chiến thắng đại dịch Covid-19.

Bên cạnh lực lượng công an, qua các phương tiện thông tin đại chúng, thời gian qua, chúng ta cũng thấy rõ những hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô không nề hà bất cứ công việc gì dù khó khăn, gian khổ đến đâu. Ở bất cứ đâu có điểm nóng về dịch Covid-19 là bộ đội có mặt, xông pha trên tuyến đầu, không quản ngại khó khăn, gian khổ với tinh thần “vì nhân dân quên mình”, “vì nhân dân phục vụ”. Không ít cán bộ, chiến sĩ đã không được về nhà trong thời gian dài, không thể về đưa tiễn người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng. Họ cũng sẵn sàng hoãn cưới vợ, sinh con; không thể ở nhà lúc vợ trở dạ, sinh con… để hoàn thành trọng trách mà đất nước đã tin tưởng giao phó.

Trong gần 2 năm qua, cán bộ, chiến sĩ quân đội và dân quân tự vệ Thủ đô không quản ngày đêm, vượt qua khó khăn gian khổ và đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, trực tiếp theo dõi, bảo đảm, phục vụ tại các địa điểm cách ly. Khi làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan chức năng của Thành phố chuẩn bị nhân lực tham gia bộ máy quản lý, điều hành Bệnh viện dã chiến; cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng; triển khai xây dựng kho chứa, bảo quản, quản lý vắc xin phòng Covid-19 và vận chuyển đến các địa điểm tiêm theo kế hoạch và chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân Thành phố. Đơn vị cũng phối hợp với Sở Xây dựng khảo sát, xác định, chuẩn bị cơ sở vật chất các khu vực để thực hiện phương án cách ly điều trị người bệnh trên địa bàn Thành phố.

Những ngày gần đây, lực lượng quân đội ngoài việc giúp đỡ nhân dân trong công tác phòng, chống dịch còn giúp đỡ người dân các huyện ngoại thành tiêu thụ nông sản để tháo gỡ cho bà con không tiêu thụ được sản phẩm trong khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Mới đây, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cũng đã tổ chức “Gian hàng 0 đồng”, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu cho các hộ gia đình gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại các quận, huyện trên địa bàn.

Có thể thấy, ngoài các lực lượng trực tiếp xông pha trên tuyến đầu hỗ trợ các địa phương chống dịch, trong đợt dịch thứ 4 này, các đơn vị trong toàn dân, toàn quân đã nỗ lực, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, phát huy tốt vai trò, vị thế của mình, có đóng góp quan trọng vào thành tích chung của hoạt động phòng, chống dịch Covid-19./.

Minh Khuê – Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này