Mùa tựu trường không thể nào quên

09:54 | 31/08/2021
(LĐTĐ) Chỉ còn chưa đến một tuần nữa, cùng với học sinh cả nước, học sinh Hà Nội sẽ chính thức bước vào năm học mới 2021-2022. Chắc hẳn đây sẽ là mùa tựu trường “đặc biệt” với nhiều cảm xúc không bao giờ quên. Khai giảng online, dạy học online để chờ “đại dịch” kết thúc!
Hà Nội: Khai giảng năm học mới trực tuyến vào ngày 5/9 Khai giảng không bóng bay: Nhân lên nét đẹp mùa tựu trường

Năm học “đặc biệt”

Theo kế hoạch, ngày tựu trường sớm nhất đối với tất cả các cấp học, ngành học từ ngày 1/9. Ngày khai giảng được tổ chức thống nhất trên toàn Thành phố vào ngày 5/9. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, học sinh chưa thể trở lại trường. Nhằm tạo khí thế, động viên tinh thần cho các nhà trường, đồng thời thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố đối với học sinh, phụ huynh và giáo viên, Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổ chức lễ Khai giảng năm học 2021-2022 chung cho toàn Thành phố. Buổi lễ được tổ chức tại một trường học và được phát sóng trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (kênh H1, H2, sóng FM…); thời gian từ 7h30 đến 8h30 ngày 5/9.

Mùa tựu trường không thể nào quên
Năm học 2020-2021 học sinh còn nô nức ngày khai trường, năm học này, do dịch bệnh, học sinh sẽ khai giảng năm học mới bằng hình thức online. Ảnh: PT

Sau khi kết thúc lễ khai giảng, các trường tổ chức sinh hoạt đầu năm học theo hình thức trực tuyến, thời gian từ 8h45 đến 9h30. Từ ngày 6/9, các đơn vị, nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến theo kế hoạch. Riêng đối với cấp học Mầm non, trong thời gian trẻ mầm non dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, các cơ sở giáo dục mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến mà duy trì kết nối với gia đình, trẻ em thông qua hoạt động truyền thông; hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, tổ chức cho trẻ em vui chơi tại nhà.

Nhiều học sinh, phụ huynh đã chia sẻ những tâm tư và muôn vàn cảm xúc khác nhau khi học sinh bước vào năm học mới giữa lúc Covid-19 vẫn còn đang diễn biến khó lường. Có con năm nay vào lớp 1, chị Bùi Diệu Linh (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, từ nhiều ngày qua, khi toàn Thành phố thực hiện giãn cách, chị đã tâm sự cùng con để con hình dung được về hình thức học trực tuyến, chuẩn bị tâm lý cho con trước khi vào lớp 1. “Tôi thương lũ trẻ háo hức về một ngày Khai giảng với cờ hoa và sự chào đón của các anh, chị lớp trên. Tôi cũng băn khoăn về vấn đề sức khỏe của con vì con sẽ phải nhìn vào thiết bị máy tính hoặc điện thoại trong một thời gian dài. Nhưng nếu buộc phải khai giảng và học trực tuyến để phòng, chống dịch, gia đình tôi cũng sẵn sàng đồng hành với nhà trường và hỗ trợ con hết mình” - chị Bùi Diệu Linh tâm sự.

Em Trương Đức Dũng (học sinh vừa trúng tuyển lớp 10 Trường Trung học phổ thông Thạch Bàn, quận Long Biên) chia sẻ: “Đây là năm học đầu tiên của em ở trường mới. Dù chưa được đến trường gặp bạn mới nhưng em cũng cảm thấy may mắn vì không bị gián đoạn việc học. Em sẽ cố gắng để học trực tuyến đạt kết quả tốt”.

Ghi nhận của phóng viên, hiện tại, các trường học trên địa bàn Thành phố đã xây dựng kế hoạch về những tiết học đầu tiên cho học sinh để phù hợp với bối cảnh “đặc biệt”. Đơn cử, tại Trường Trung học cơ sở Đống Đa (quận Đống Đa), buổi học đầu tiên ngoài hướng dẫn học sinh về cách phòng, chống dịch, giáo viên sẽ dạy học sinh sự chia sẻ giữa thầy cô và học trò về lễ Khai giảng “đặc biệt”, về buổi học đầu tiên mở màn cho một năm học không như mọi năm. Trong tiết học này, thầy cô sẽ tự giới thiệu, học sinh sẽ được làm quen qua những trò chơi, câu chuyện phù hợp lứa tuổi. Sau đó, giáo viên giới thiệu khái quát về nội dung chương trình môn học, những điều thú vị khi học các bộ môn…

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, ngoài việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, thành phố Hà Nội có thêm Nghị quyết số 15/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đã có 1.706 giáo viên, nhân viên nhận kinh phí hỗ trợ. Liên quan đến chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí, Hà Nội đang rà soát để có chính sách hỗ trợ kịp thời cho cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập.

Các thầy cô đề ra yêu cầu, để học tốt bộ môn, học sinh cần chuẩn bị như thế nào. Riêng với học sinh lớp 6, ngoài những nội dung trên, các thầy cô sẽ dành thời gian để chia sẻ về việc các em là học sinh đầu cấp, chưa đặt chân đến trường, chưa từng gặp thầy cô và các bạn. Các thầy cô sẽ dành thời gian nói về cách học ở bậc Trung học cơ sở, giới thiệu về sách giáo khoa mới năm nay...

Quyết tâm vượt khó

Những năm qua, thành phố Hà Nội luôn coi trọng, quan tâm, ưu tiên đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Năm học 2020-2021, giáo dục Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước với 2.792 trường mầm non, phổ thông các cấp với hơn 2,1 triệu học sinh và hơn 159.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Toàn ngành đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ học năm học, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục.

Thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn, giữ vững thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Cụ thể, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Hà Nội là địa phương có số thí sinh đoạt giải nhiều nhất cả nước với 139 thí sinh (trong đó có 11 giải Nhất). Tại các kỳ thi Olympic thế giới và khu vực, học sinh Hà Nội đã đạt tổng số 365 giải và 57 Huy chương các loại (19 Huy chương Vàng, 19 Huy chương Bạc và 19 Huy chương Đồng). Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Hà Nội tiếp tục là địa phương có số điểm 10 nhiều nhất cả nước với 2.286 điểm 10, chiếm 9,3% số điểm 10 của cả nước; có 17/100 thí sinh có tổng điểm các bài thi cao nhất cả nước.

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được Thành phố đặc biệt quan tâm, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của Thành phố hiện đạt 76,9% và phấn đấu đến năm 2025 đạt từ 80-85% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII. Trong năm 2021, Thành phố cũng dành gần 1.000 tỷ đồng đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học cho lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Thành phố cũng tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tuyển sinh đầu cấp, đồng thời quan tâm đến công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên.

Mùa tựu trường không thể nào quên
Thành phố tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tuyển sinh đầu cấp.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, ngoài việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, thành phố Hà Nội có thêm Nghị quyết số 15/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đã có 1.706 giáo viên, nhân viên nhận kinh phí hỗ trợ. Liên quan đến chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí, Hà Nội đang rà soát để có chính sách hỗ trợ kịp thời cho cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập.

Thông tin tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 28/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, để triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo, Thành phố đã xác định các giải pháp trọng tâm: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về GD&ĐT, khắc phục khó khăn để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tổ chức tốt việc dạy, học theo kế hoạch năm học; tiếp tục đổi mới quản lý Nhà nước về GD&ĐT, đổi mới quản trị trong các cơ sở GD&ĐT; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp học; đẩy mạnh xã hội hóa GD&ĐT; phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các cơ sở giáo dục thường xuyên.../.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này