Nhiều tiến bộ trong kỹ thuật vi phẫu, tái tạo xương hàm mặt

15:44 | 30/08/2021
(LĐTĐ) Nếu như trước đây, nhiều tổn thương vùng hàm mặt khó điều trị bảo tồn khi phải phẫu thuật thì hiện nay, với những tiến bộ trong vi phẫu đã mang lại chất lượng điều trị mới. Hiện nay, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đã ứng dụng thành công tái tạo xương hàm mặt bằng vi phẫu cho hơn 800 trường hợp.
Vi phẫu tái tạo khuôn mặt cho bệnh nhân nữ mắc u men xương hàm Những cuộc chiến “thầm lặng” sau cánh cửa phòng mổ

Kỹ thuật tạo hình vi phẫu tiệm cận thế giới

Những năm gần đây, nhờ cập nhật và ứng dụng được các kỹ thuật tiên tiến hiện đại, ngành Răng Hàm Mặt Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đặc biệt, thành công trong việc giữ người bệnh điều trị trong nước, thay vì phải để bệnh nhân ra nước ngoài điều trị rất tốn kém. Đặc biệt, ngành Răng Hàm Mặt nước nhà đã thực hiện được những kỹ thuật cao ngang tầm thế giới, đơn cử như tái tạo xương hàm dưới bằng kỹ thuật vi phẫu thuật ghép vạt xương mác lấy từ chân với sự hỗ trợ của máy tính và công nghệ in 3D.

PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội cho biết, vi phẫu thuật là một trong những kỹ thuật tiến bộ nhất trong tái tạo khuyết hổng vùng hàm mặt trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay. Điểm mới ở kỹ thuật này là không chỉ cắt một đoạn xương mác ở chân mà cùng lúc cắt bỏ xương hàm bệnh, các bác sĩ ghép đoạn xương cùng mạch máu và dây thần kinh lên vị trí xương hàm mặt đã bị cắt bỏ bằng kỹ thuật vi phẫu. Đồng thời, trong quá trình lấy đoạn xương mác ra, các bác sĩ phải thao tác luôn cả cấy ghép implant để làm trụ cho việc đặt răng giả sau này.

Nhiều tiến bộ trong kỹ thuật vi phẫu, tái tạo xương hàm mặt
Các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đang thực hiện 1 ca vi phẫu tái tạo xương hàm mặt

“Vi phẫu tái tạo xương mặt hàm là một trong những lĩnh vực mũi nhọn mà Bệnh viện đang quan tâm và phát triển. Hiện nay, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đã đi đầu trong cả nước về kỹ thuật này, tiệm cận với thế giới. Trong một lần tham gia Hội thảo về Răng Hàm Mặt tại Singapo, tôi thấy kỹ thuật của mình không thua kém gì so với thế giới”, PGS.TS Trần Cao Bính cho biết.

Theo PGS.TS Trần Cao Bính, vi phẫu thuật tái tạo khuyết hổng vùng hàm mặt đã được Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội triển khai từ năm 2009 với một số ca đơn giản. Tại thời điểm đó, mỗi tháng bệnh viện chỉ triển khai được 1 ca, sau đó tăng dần lên 4 ca/tháng. Năm 2018, Bệnh viện đã công bố thành công của ca vi phẫu thứ 500. Hiện nay, vi phẫu tái tạo hàm mặt đã trở thành kỹ thuật thường quy tại bệnh viện, mỗi tuần bệnh viện thực hiện khoảng 2-3 ca, đạt được trên 100 ca/năm.Trong thời gian tới, Bệnh viện đặt ra vấn đề phát triển vi phẫu, định hướng đến 2025 mỗi ngày thực hiện 1 ca.

Hiện nay, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đang là một trong những đơn vị thực hiện vi phẫu tạo hình vùng hàm mặt lớn nhất và nhiều nhất tại Việt Nam. Bệnh viện đã cử người đi đào tạo và hợp tác với các nước có kĩ thuật phát triển khác như như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… Bệnh viện cũng đã từng bước đầu tư trang thiết bị, máy móc để đồng bộ và tiệm cận với sự phát triển của thế giới.

Niềm vui đối với các bệnh nhân biến dạng hàm mặt

Những năm qua, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội luôn mong muốn mọi người đều được hưởng thành quả kỹ thuật cao, tiếp cận được với những tiến bộ mới của y học. Do vậy, đã có rất nhiều bệnh nhân thực sự khó khăn đã được hỗ trợ. Năm 2015, Bệnh viện đã hỗ trợ toàn bộ chi phí chữa trị cho bệnh nhân Triệu Mùi Chài, với khối u ác tính làm biến dạng khuôn mặt, đến mức bị gọi biệt danh là “Sơn nữ mặt quỷ”. Cuộc phẫu thuật thành công đã lấy bỏ khối u nặng 4 kg và tạo hình lại khuôn mặt, trả lại đúng vị trí mắt, mũi, miệng cho bệnh nhân Chài, giúp bệnh nhân trở về cuộc sống của một người bình thường.

Hay mới đây, Bệnh viện cũng đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Hoàng Thị É (46 tuổi, Lào Cai) mắc u men xương hàm dưới bên trái. Bệnh nhân đã phát hiện bệnh hơn 1 năm nay, điều trị ở nhiều nơi nhưng nay tái phát. Nhập viện trong tình trạng có 1 khối u gây biến dạng khuôn mặt, thể trạng người gầy, yếu, suy dinh dưỡng, thiếu cân, chỉ số máu kém.

Chia sẻ về bệnh nhân này, PGS.TS Trần Cao Bính cho biết, tình trạng bệnh nhân khi nhập viện đã khá nặng, khối u lớn phá hủy xương hàm dưới, có dấu hiệu gẫy xương bệnh lý, gây khó khăn cho bệnh nhân ăn, uống, nói, nuốt. Đặc biệt, có biểu hiện nhiễm trùng nên bệnh nhân rất đau đớn. Riêng việc ăn uống khó khăn có thể khiến bệnh nhân bị suy sụp rất nhiều về thể chất và tinh thần… Đáng nói, nếu không được điều trị sớm việc phẫu thuật sẽ khó khăn, phức tạp và nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

"Đây là bệnh lý thường xuyên được tiến hành điều trị tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội. Theo đó, vi phẫu thuật là phương pháp tốt nhất để tái tạo khuyết hổng và lấy lại thẩm mỹ cho bệnh nhân với kinh phí lên tới 60-80 triệu đồng/ca phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân Hoàng Thị É là người dân tộc, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, chồng mất, một mình nuôi con, thu nhập không ổn định và không có khả năng chi trả được chi phí phẫu thuật", PGS.TS Trần Cao Bình chia sẻ.

Nhiều tiến bộ trong kỹ thuật vi phẫu, tái tạo xương hàm mặt
Hình ảnh bệnh nhân Hoàng Thị É trước (bên trái) và sau khi phẫu thuật (bên phải)

PGS.TS Trần Cao Bính đã rất băn khoăn trước trường hợp bệnh nhân này. Ông cho biết, thời điểm bệnh nhân Hoàng Thị É nhập viện cũng là lúc cả nước bắt đầu có dịch Covid-19 và đã có một số địa phương có những đợt thực hiện giãn cách. Bệnh viện cũng vừa điều trị vừa chống dịch, vừa ủng hộ các địa phương có dịch, lại chi viện cho miền Nam chống dịch cả về vật chất và nhân lực. Tuy nhiên, nếu không được phẫu thuật bằng phương pháp hiện đại nhất, e rằng bệnh nhân có thể sẽ tái phát và sẽ ảnh hưởng đến chức năng, thẩm mỹ cũng như tính mạng của bệnh nhân.

“Trước tình hình đó, Ban Giám đốc Bệnh viện đã họp và quyết định hỗ trợ để bệnh nhân được điều trị một cách tốt nhất. Trừ khoản chi phí rất nhỏ bảo hiểm đã thanh toán, bệnh viện đã chi trả toàn bộ số tiền phẫu thuật cho bệnh nhân” PGS.TS Trần Cao Bính cho biết.

Ngay khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, cắt đoạn xương hàm, loại trừ triệt để các tổn thương để tránh tái phát cho bệnh nhân. Sau đó lấy một đoạn xương mác ở cẳng chân, kèm theo mạch máu được tạo hình theo hình dáng của xương hàm đã bị cắt bỏ và thực hiện kỹ thuật vi phẫu ghép mảnh xương mác vào vị trí cắt bỏ khối u dưới kính hiển vi phẫu thuật.

Trong nhiều năm qua, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội cũng đã phối hợp với một số tổ chức như Smile Train, OS... triển khai mổ miễn phí cho tất cả các bệnh nhân bị khe hở môi và khe hở vòm miệng. Việc này được tiến hành quanh năm, trung bình mỗi năm bệnh viện mổ khoảng 500 bệnh nhân bị các dị tật này. Bên cạnh chi phí về phẫu thuật, bệnh viện còn hỗ trợ một phần tiền chi phí sinh hoạt và lộ phí đi đường cho gia đình bệnh nhân.

Để mọi người dân đều được điều trị bằng kỹ thuật cao, tháng 8/2020, Bệnh viện đã thành lập Trung tâm chỉ đạo tuyến về khám chữa bệnh từ xa. Tổ chức khám, tư vấn cho các đơn vị trên 63 tỉnh, thành nhằm đáp ứng được mục tiêu chung: Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến Trung ương đến tuyến cơ sở; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên – tuyến Trung ương ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này