Trung tâm thương mại lớn đột ngột đóng cửa: Một đi không trở lại

10:21 | 09/01/2015
Đó là lời khẳng định của chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong với Lao động Thủ đô. Theo TS Nguyễn Minh Phong, việc một số Trung tâm thương mại (TTTM) lớn đóng cửa trong thời gian gần đây trên địa bàn Hà Nội, gần nhất là Parkson Keangnam, nguyên nhân chính là do cơ chế quản lý của các TTTM này.

Bất cập trong quản lý

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng,  cơ chế quản lý của các TTTM  như TTTM Hàng Da, Grand Plaza, Parkson Keangnam, … không phù hợp với sự phát triển của thị trường Việt Nam, không tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng mà lại tăng chi phí cho người bán. Điều đó khiến cho các TTTM này luôn trong tình trạng ảm đạm, người bán rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng nề bởi không bán được hàng trong khi đó chi phí dịch vụ, thuê mặt bằng tại đây lại đắt đỏ.

Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở,  ngay  cả TTTM Grand Plaza (Trần Duy Hưng, Hà Nội) từng được ví như thiên đường mua sắm của Hà Nội, sau 2 năm hoạt động đã phải đóng cửa vì ế ẩm. Nguyên nhân là do chủ đầu tư và khách thuê mặt hàng không thống nhất được giá thuê và các loại phí dịch vụ. Mặc dù thời gian đó, ông Hoàng Đức Anh, Giám đốc TTTM Grand Plaza hứa sẽ mở cửa trở lại để đảm bảo quyền lợi cho các chủ cửa hàng song cả năm nay, TTTM này vẫn án binh bất động. Hay như Trung tâm thương mại Mipec Tower - 229 Tây Sơn, Hà Nội sau khi đổi tên vẫn không thoát khỏi tình trạng khó khăn. Chính vì thế, Mipec Tower đã buộc phải nhượng lại 4 sàn thương mại (khoảng 20.000m2) cho tập đoàn Lotte. Trước đó, TTTM Hàng Da Galleria (chợ Hàng Da cũ)  đã chính thức đóng cửa vì vắng khách thuê với lời thông báo "tái cấu trúc để nâng cấp, sửa chữa mới trung tâm thương mại theo mô hình mới" nhưng đến giờ vẫn chưa thấy hoạt đoạt động trở lại, ngoài một số diện tích nhất định dùng để mở phòng tập thể thao.

Và mới đây, sự kiện Parkson Keangnam đột ngột đóng cửa, càng cho thấy những bất cập trong quản lý của TTTM dẫn đến hậu quả này.

Bài toán cần lời giải

Hiện nay, thị trường bán lẻ của Việt Nam được các chuyên gia kinh tế nhận định có nhiều tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ. Bằng  chứng là “cuộc đổ bộ” mới đây của  không ít các đại gia bán lẻ ngoại vào Việt Nam  với một chiến lược dài hơi hoành tráng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,… Trong đó, Tập đoàn bán lẻ số 1 Hàn Quốc – Lotte đặt mục tiêu xây dựng 60 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020 và Aeon - “ông lớn” trong ngành bán lẻ Nhật Bản từ nay đến năm 2020 sẽ mở 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Auchan (Pháp), tập đoàn bán lẻ quốc tế sở hữu bởi gia đình Mulliez, kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực siêu thị cũng dự kiến đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong 10 năm tới.

Tuy nhiên, kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam ghi nhận sự chững lại. Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, năm 2014, sức mua còn yếu, tăng trưởng chung của ngành dưới 10%. Trong khi đó, mô hình cửa hàng tiện ích tăng trưởng khá mạnh, lên đến 15-20%. Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được đánh giá giàu tiềm năng. Điều đó cho thấy, các TTTM đóng cửa không phải do thị trường bán lẻ Việt Nam gặp khó khăn. Vấn đề đặt ra ở đây ngoài cách tiếp cận không phù hợp, câu chuyện mặt bằng bán lẻ được cho là nguyên nhân “vỡ trận” nhiều TTTM lớn.  Đây thực sự là bài toán rất khó đối với các nhà bán lẻ, khi nguồn cung được cải thiện nhưng giá thuê cao, phương thức thuê mặt bằng bán lẻ không phù hợp, ví như bắt buộc phải thuê dài hạn, sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, nguồn vốn kinh doanh giảm nhưng chi phí cho mặt bằng bán lẻ cao quá thì cũng không còn hiệu quả nữa.

Thương Huế

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này