Ấm áp nghĩa tình quân dân

15:13 | 26/08/2021
(LĐTĐ) Ngày 20/8/2021, sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Chỉ thị tăng cường các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, ngay lập tức Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã cử lực lượng vào các địa phương trên. Nhìn những hình ảnh bộ đội đi chợ hộ dân, đến từng nhà khám chữa bệnh cho dân, chúng ta càng thêm xúc động ấp áp nghĩa tình quân dân.
Tiếp nhận 10 máy thở trị giá 1,3 tỷ đồng hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh chống dịch Lực lượng quân đội, công an hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh chống dịch Thái Nguyên chi viện 79 y bác sĩ hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh chống dịch

Thuận theo ý Đảng - lòng Dân

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, khiến đời sống xã hội bị đảo lộn. Để tiếp sức cho lực lượng tại chỗ, Chính phủ đã quyết định đưa lực lượng quân đội vào hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh tham gia chống dịch, điều đó thể hiện trách nhiệm và bản chất tốt đẹp của quân đội ta là con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Ấm áp nghĩa tình quân dân

Các chiến sĩ quân đội đi chợ cho dân. Ảnh: H.P

Có thể thấy, không phải chỉ thời điểm này, khi mà dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, chúng ta mới thấy được hình ảnh người lính, hay hình ảnh người chiến sĩ công an sát cánh cùng với lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Mà ngay từ thời điểm bắt đầu bùng phát dịch Covid-19 đầu năm 2020, chúng ta đã thấy hình ảnh lực lượng quân đội, công an sát cánh cùng với các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại các địa phương, bảo vệ cuộc sống của người dân.

Trong đó, hình ảnh những người lính tại nhiều địa phương đã phải nhường chỗ ở của mình để làm cơ sở cho người dân cách ly y tế; chuyện về những người lính biên phòng ngày đêm bám chốt để ngăn ngừa nhập cảnh trái phép, hay hình ảnh những chiến sĩ công an hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ phòng, chống dịch… liên tục xuất hiện, đã để lại những hình ảnh đẹp, xúc động và in sâu vào trong tâm trí, trong trái tim của mỗi người dân.

Sau nhiều tháng chống dịch, lực lượng tại chỗ ở thành phố Hồ Chí Minh ít nhiều đã xuống sức, đời sống nhân dân và tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Bởi vậy, Chính phủ quyết định đưa lực lượng quân đội và công an vào hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh.

Chính phủ giao cho quân đội vì quân đội với truyền thống kỷ luật cao, lại sinh hoạt tập trung tại doanh trại nên không vướng bận gia đình như các lực lượng tại chỗ, cùng với nguồn lực quốc phòng mạnh mẽ, phương tiện dồi dào sẽ hỗ trợ tăng cường thực hiện nghiêm việc giãn cách và cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân thành phố Hồ Chí Minh tốt hơn.

Quân đội vào cuộc tiếp tế cho dân để lực lượng công an có thời gian tập trung vào việc đảm bảo an toàn và trật tự xã hội. Bộ đội cũng sẽ tham gia các chốt kiểm dịch cùng lực lượng công an, y tế, tham gia kiểm tra, tuyên truyền, kiểm soát ở các phố, phường; lực lượng quân y tham gia chống dịch từ cơ sở, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà.

Thực tế cho thấy, dịch bệnh Covid-19 ở phía Nam, đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, có thể nói là hết sức nghiêm trọng. Việc huy động lực lượng hỗ trợ cho thành phố Hồ Chí Minh cũng thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân với lực lượng quân đội, công an. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định 3 nhiệm vụ: Kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên, trong đó lực lượng quân đội, công an đóng vai trò nòng cốt.

Như vậy, quyết định huy động lực lượng quân đội, công an vào miền Nam, tham gia vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa thể hiện lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, cũng là thực hiện theo những quy định trong Hiến pháp và Nghị quyết của Đảng.

Ngày 23/8/2021, ngay khi đặt chân xuống thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đi kiểm tra Bệnh viện dã chiến số 5 đặt tại Ký túc xá Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Phát biểu tại đây, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã khẳng định: Đây như là trận chiến và “không thắng không về”. Sự vào cuộc của quân đội lần này được xem là trận đánh cuối cùng. Đã xác định là trận đánh cuối cùng bao giờ cũng được chuẩn bị công phu, bài bản, chính xác đến từng chi tiết với những hợp đồng tác chiến nhuần nhuyễn và không cho phép sai sót.

Với truyền thống gắn bó mật thiết với nhân dân, hy sinh phấn đấu vì nhân dân, sự có mặt của quân đội đã và sẽ góp phần nâng cao tính kỷ luật trong phòng, chống dịch, người dân sẽ tuân thủ và chấp hành tốt hơn. Bằng kinh nghiệm dày dặn của mình, chắc chắn lực lượng quân đội sẽ cùng các lực lượng khác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, điều tiết và cung cấp lương thực, thực phẩm để người dân an tâm chống dịch, để thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam sớm khống chế dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Mệnh lệnh trái tim, niềm tin chiến thắng

Hình ảnh người lính, người chiến sĩ Quân đội nhân dân với những bước chân thần tốc tăng cường chi viện, hỗ trợ miền Nam chống dịch, đã đọng lại trong trái tim của bao người dân Việt Nam niềm tự hào, xúc động cùng niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh tổng lực để sớm chiến thắng dịch Covid-19, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Ấm áp nghĩa tình quân dân
Bộ đội hỗ trợ người dân

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong các đơn vị quân đội, Bộ Quốc phòng xác định trong bất cứ hoàn cảnh nào, quân đội luôn là lực lượng đi đầu, cùng toàn Đảng, toàn dân, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm dập tắt dịch bệnh. Không nằm ngoài “cuộc chiến” tổng lực này, ngày 21/8, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) đã xuất quân tăng cường lực lượng phòng, chống dịch cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam với 295 bác sĩ, cán bộ, học viên.

Tiếp sau lễ xuất quân của 295 cán bộ, bác sĩ, học viên; ngày 23/8, Học viện Quân y theo kế hoạch lại tiếp tục điều động 1.096 cán bộ, nhân viên quân y cùng trang thiết bị được vận chuyển vào Nam chống dịch theo đường hàng không. Trọng tâm của lực lượng tăng cường này vào thành phố Hồ Chí Minh là có nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vắc xin; quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường, quản lý, chăm sóc các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại gia đình, phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao.

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, khiến đời sống xã hội bị đảo lộn. Để tiếp sức cho lực lượng tại chỗ, Chính phủ đã quyết định đưa lực lượng quân đội vào hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh tham gia chống dịch, điều đó thể hiện trách nhiệm và bản chất tốt đẹp của quân đội ta là con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Tại lễ xuất quân, Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y đã nhấn mạnh, đây là thời điểm mà hơn lúc nào hết, người dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam rất cần đến chúng ta. Chúng ta hãy nhanh chóng, chủ động đến với đồng bào bằng tinh thần xung kích của người lính, bằng trí tuệ, năng lực của người thầy thuốc quân y, mang theo lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”…

Cùng chung tinh thần trên, Bộ Công an cũng đã điều động tăng cường các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự an toàn giao thông và hỗ trợ tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, tất cả những người lính, người cán bộ công an chi viện, tiếp sức cho miền Nam ruột thịt đều thể hiện tinh thần quyết tâm “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; chung tay cùng người dân phía Nam đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường.

Cùng với các “chiến sĩ áo trắng” đang ngày đêm chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19, những ngày qua hình ảnh những người lính với niềm kiêu hãnh của người lính cụ Hồ trong màu áo xanh truyền thống, cùng những chiến sĩ Công an nhân dân bất chấp những khó khăn, rủi ro đến với mình, sẵn sàng đi theo mệnh lệnh của trái tim khi Tổ quốc cần; một lần nữa lại nữa khiến bao trái tim người Việt dâng lên niềm tự hào, xúc động. Trên “chiến trường” không tiếng súng của dịch Covid-19, cùng với hình ảnh của những “chiến sĩ áo trắng”, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thì hình ảnh các chiến sĩ quân đội, lực lượng an ninh luôn là điểm tựa vững chắc để người dân vượt qua khó khăn, tổn thất mà đại dịch gây ra.

“Nhìn thấy hình ảnh những người lính trên đường, hay hình ảnh người lính phát lương thực miễn phí cho người nghèo; tham gia cùng đội ngũ y, bác sĩ phòng, chống dịch bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân thành phố Hồ Chí Minh mà tôi không kìm nổi xúc động. Đại dịch Covid-19 đã gây ra quá nhiều tổn thất cho người dân Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Chính trong lúc này, tình đồng bào, đồng chí và trách nhiệm của chính quyền được thể hiện thật rõ nét. Qua đó, giúp chúng tôi tin tưởng rằng, “trận chiến” này chúng ta sẽ nhất định sẽ giành được thắng lợi”, chị Nguyễn Thị Hoàn (trú tại phường 3, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ.

Anh Hà Thanh Phong (trú tại phường An Phú, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Tôi ở Sài Gòn nhiều tháng nay, vẫn lặng lẽ đi và quan sát. Trong điện thoại của tôi có nhiều clip quay lại cảnh Sài Gòn vắng vẻ, buồn thiu. Bộ đội vào, hai hôm nay Sài Gòn bắt đầu trở nên trật tự hơn, điềm tĩnh hơn, đỡ hoang mang hơn. Những chiến binh của quốc gia sẵn sàng đi chợ giúp dân khi quốc gia cần. /.

H. Phong- Đ.Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này