Gần 64.000 tỷ đồng nhập khẩu thức ăn, nguyên liệu chăn nuôi: Nghịch lý!

06:22 | 07/01/2015
Là một nước nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân, nhưng có một thực trạng đang diễn ra, hàng năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu hàng tỷ USD thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi!

Theo ước tính, năm 2014 tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản  ước đạt 30,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013.  Cụ thể, thủy sản giá trị xuất khẩu ước đạt 7,92 tỷ USD, tăng 18,4%; cà phê đạt giá trị 3,62 tỷ USD, tăng 33,4% về khối lượng và tăng 33,2% về giá trị so với năm 2013; rau quả đạt 1,47 tỷ USD, (tăng 34,9%); hạt tiêu đạt 1,2 tỷ USD (tăng 34,1%); hạt điều đạt 2 tỷ USD, (tăng 21,1%); gạo đạt 3,0 tỷ USD, giảm 1,9%; cao su đạt 1,8 tỷ USD, giảm 28,9%. Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 6,2 tỷ USD tăng 11,1%.

Như vậy, trong tổng số gần 31 tỷ USD xuất khẩu mà ngành nông nghiệp mang lại, các mặt hàng thủy sản, gia cầm gần 10 tỷ USD. Một con số đáng mừng, song vừa qua tại hội nghị của ngành hải quan đã đưa ra số liệu chỉ riêng 11 tháng năm 2014, Việt Nam đã chi gần 3 tỷ USD (tương đương khoảng 64 ngàn tỷ đồng) cho việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, tăng 5,86% so với năm trước. Vấn đề đặt ra, tại sao đến nguyên liệu thức ăn phục vụ ngành chăn nuôi chúng ta vẫn không thể chủ động; dẫu hiện nay theo thống kê cả nước có 239 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó 180 nhà máy là của các doanh nghiệp trong nước, 59 là của các liên doanh và  vốn  đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Số nhà máy liên doanh và FDI không nhiều song công suất lớn, sản lượng cao, chiếm thị phần lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước.

Nếu như các ngành công nghệ cao, chúng ta thiếu trầm trọng nguyên liệu phụ trợ với lý do công nghệ, năng lực thì với nguyên liệu thức ăn gia súc chủ yếu là đậu tương và ngô thì các doanh nghiệp trong nước vẫn không thể chủ động. Theo chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2020, ngành này sẽ chiếm tỷ trọng 42% cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp, song theo  TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách, Bộ NN – PTNT, hiện nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp đang thiếu nghiêm trọng. Cụ thể, loại thức ăn giàu năng lượng thiếu từ 30 – 40%, thức ăn giàu đạm thiếu từ 70 – 80% và gần như nhập khẩu 100% các loại khoáng, vi lượng, phụ gia. Là một nước nông nghiệp, chúng ta không thể chủ động sản xuất nguyên liệu cho chăn nuôi thủy sản, gia cầm lại chi ra cả tỷ USD, để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chế biến quả là nghịch lý.

Tuệ Giang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này