Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành và giải quyết thủ tục hành chính

22:04 | 25/08/2021
(LĐTĐ) Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thủ đô, thời gian qua, các cấp, các ngành của Hà Nội đã đẩy mạnh nhiều giải pháp để ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành, giải quyết thủ tục hành chính. Việc này không chỉ giúp hạn chế số người đến công sở mà còn góp phần thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử của Thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Siết chặt quản lý để giữ bằng được huyện Quốc Oai là "huyện xanh" Xử lý “điểm” một số đơn vị vi phạm quy định giãn cách để làm gương Hà Nội: 48,5% công nhân ở khu công nghiệp đã tiêm vắc xin phòng Covid-19

Kể từ khi thành phố Hà Nội tạm dừng việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp tại bộ phận "một cửa" để tuân thủ giãn cách xã hội, các sở, ngành, quận, huyện đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc tại nhà nhưng vẫn bảo đảm thông suốt mọi hồ sơ hành chính.

undefined
Hà Nội đã triển khai hệ thống họp trực tuyến từ Thành phố đến các điểm cầu của 579 xã, phường, thị trấn (trong ảnh là điểm cầu tại trụ sở UBND Thành phố). (Ảnh: Nguyễn Thành)

Theo đó, đối với các thủ tục hành chính liên quan việc phục vụ công tác phòng, chống dịch; công vụ; ngoại giao hoặc các thủ tục hành chính thiết yếu liên quan đời sống dân sinh, an ninh trật tự xã hội (khai tử, phục vụ việc khám, chữa bệnh, ngân hàng, công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm...), các đơn vị căn cứ tình hình thực tế bố trí cán bộ trực để thực hiện việc tiếp nhận tại bộ phận "một cửa" trong trường hợp công dân, doanh nghiệp không thể thực hiện thủ tục qua hình thức trực tuyến.

Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, chỉ tiếp 1 công dân tại 1 thời điểm tại bộ phận "một cửa" (nếu có phát sinh việc tiếp nhận và trả kết quả)...

Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết thủ tục hành chính đều nhận nộp trực tuyến và nhiều thủ tục đang trả qua đường bưu chính. Thay vì 7 người trực như trước đây, hiện sở chỉ phân công luân phiên 2 cán bộ trực ở bộ phận một cửa; trong đó, một người giải quyết hồ sơ và một người xử lý các vấn đề phát sinh.

"Chúng tôi làm việc ở cơ quan theo lịch luân phiên, tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Những ngày ở nhà tôi xử lý việc tiếp nhận hồ sơ qua hệ thống mạng và công việc đều trôi chảy. Điều quan trọng nhất để làm việc hiệu quả là hệ thống mạng ổn định, tiếp đến là cơ sở dữ liệu, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan", Phó Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Tuấn Linh chia sẻ.

undefined
Người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố Hà Nội. (Ảnh: NC)

Các phường, xã cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nộp thủ tục qua mạng internet, giúp người dân nắm được những thủ tục hành chính nào có thể nộp hồ sơ trực tuyến để không bị động khi cần giải quyết công việc, đồng thời đảm bảo các hồ sơ nộp trực tuyến đều được giải quyết đúng hạn. Tiêu biểu như tại phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), dù tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, nhưng 100% hồ sơ nộp trực tuyến đều được giải quyết đúng hạn. Anh Nguyễn Mạnh Tùng (phường Bạch Mai) cho biết: "Tôi đang băn khoăn không biết thực hiện thủ tục hành chính như thế nào trong điều kiện giãn cách xã hội thì được tổ dân phố thông báo và hướng dẫn về việc làm thủ tục hành chính qua mạng internet. Tôi thấy đây là giải pháp hợp lý, an toàn cho người dân".

Còn tại huyện Đan Phượng, từ đầu tháng 3/2021, địa phương này đã triển khai hệ thống phần mềm "Thông tin báo cáo, chỉ đạo điều hành" và "Tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp", góp phần thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ văn bản giấy chuyển sang dữ liệu số với khả năng cập nhật kịp thời, chính xác, an toàn, hiệu quả, đồng thời đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Cách làm chủ động này đã giúp cho đơn vị thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa phòng, chống dịch.

Trong khó khăn do giãn cách xã hội, nhiều đơn vị, địa phương đã xây dựng các nhóm Viber, Zalo để chỉ đạo điều hành rất hiệu quả, mỗi thông tin đưa lên nhóm lập tức có người xử lý. Các hoạt động nội bộ được chỉ đạo qua hệ thống quản lý văn bản - điều hành tác nghiệp có tích hợp chữ ký số, tiện lợi hơn nhiều, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm chi phí.

undefined
Người dân tìm hiểu thông tin về tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trên mạng xã hội Zalo. (Ảnh: Thùy Ngân)

Ông Nguyễn Văn Thúy, Tổ trưởng tổ dân phố số 10 (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) cho biết, hiện tổ có 9 nhóm Zalo, mỗi nhóm có từ 60 đến 80 thành viên. Zalo đã trở thành bảng tin di động để các thành viên nắm bắt thông tin về dịch một cách nhanh nhất.

Còn tại phường Đống Mác (quận Hai Bà Trưng), việc thành lập các nhóm Zalo giúp nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, kịp thời tuyên truyền những thông tin về dịch bệnh. Trong các nhóm Zalo đều có thành viên là cán bộ phường tham gia, vì vậy khi người dân có băn khoăn, thắc mắc về thủ tục hành chính cán bộ phường đã trực tiếp hướng dẫn và giải quyết kịp thời.

Nhằm duy trì thông suốt hoạt động chỉ đạo, điều hành, Hà Nội cũng tăng cường triển khai hệ thống họp trực tuyến từ Thành phố đến các điểm cầu của 579 xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, Thành phố đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, triển khai lắp đặt các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị công nghệ thông tin, camera giám sát để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phòng, chống dịch Covid -19 tại các khu chung cư, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố thuộc các quận: Long Biên, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân và các huyện: Hoài Đức, Đông Anh…

undefined
Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính (ảnh chụp trước ngày thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội). (Ảnh: Hữu Duyên)

Thành phố cũng đã triển khai tích hợp 444 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, Hà Nội đã ban hành danh mục 22 cơ sở dữ liệu, tập trung vào các nội dung kinh tế - xã hội; quản lý dân cư, các dự án đầu tư, quỹ đất để người dân, doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi, có thể "ngồi nhà" nhưng cũng có thể nắm bắt được các thông tin, tài liệu hữu ích.

Trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn vẫn rất cao, thành phố Hà Nội đã quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến 6h ngày 6/9/2021. Như vậy, đa số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ tiếp tục sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà trong giải quyết công việc. Diễn biến mới này đòi hỏi chính mỗi người dân cũng cần chủ động tìm hiểu, thao tác được đối với những hồ sơ nộp trực tuyến, hạn chế thấp nhất việc đi ra ngoài, để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này