Không nhãn hiệu, Nông sản Việt mất thị phần ngay trên “sân nhà”

11:19 | 15/01/2015
Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hơn 80% hàng nông sản Việt Nam được bán ra thị trường thế giới phải mang thương hiệu của nước khác. Cùng với việc nông sản ngoại nhập đang đổ bộ vào Việt Nam thì con số trên trở thành vấn đề đáng báo động đối với việc sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Thiệt đơn thiệt kép

Việt Nam hiện có rất nhiều đặc sản gắn liền với những địa danh nổi tiếng như: Mận hậu Bắc Hà, gạo tám Điện Biên, nhãn lồng Hưng Yên, mơ Chùa Hương, sầu riêng Cái Mơn… Còn nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận, chè Tân Cương, bưởi Đoan Hùng, vải thiều Thanh Hà… đã nổi tiếng ở thị trường nước ngoài. Tuy nhiên,  trong số gần 1.000 đặc sản nông nghiệp  gắn với  trên 700 địa danh của cả nước thì số đặc sản được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý chỉ chưa đến 30 sản phẩm.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa các loại được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, chỉ có khoảng 15% là của doanh nghiệp trong nước, và hơn 80% hàng nông sản Việt Nam được bán ra thị trường thế giới phải mang thương hiệu của nước khác. Điều này khiến sản phẩm nông sản Việt không chỉ thiệt đơn thiệt kép mà còn  chưa có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ví như ngành chè, tuy được xếp hạng thứ 5 thế giới, nhưng vì chưa xây dựng được thương hiệu, nên giá chè xuất khẩu của ta chỉ đạt 1.698 USD/tấn, bằng một nửa giá chè bình quân của thế giới. Trong khi đó, một số doanh nghiệp của Anh, sau khi mua chè của Việt Nam về tinh chế, đã bán ra thị trường với giá 9.800 USD/tấn, gấp 5 lần giá chè xuất khẩu của ta.

 Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, ý thức xây dựng chiến lược thương hiệu của các doanh ngiệp Việt Nam vẫn còn rất kém, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh nông sản. Chỉ có  32% doanh nghiệp  trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có chiến lược cụ thể, 45% không có chiến lược rõ ràng.

“Đánh đố” người tiêu dùng

Thực tế cho thấy, việc tìm mua được một đặc sản trong nước thực sự đảm bảo chất lượng và đúng nguồn gốc xuất xứ trên thị trường vẫn là một sự đánh đố với người tiêu dùng. Bởi lẽ,  có hơn 80% nông sản Việt được tiêu thụ trong nước không hề có nhãn hiệu.

Hàng nông sản bán trên thị trường hầu như không được gắn tem, nhãn, bao bì và chưa được kiểm soát chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ, thậm chí hàng trong siêu thị cũng chỉ ghi tên chung chung. Ví như nho Ninh Thuận, mận Bắc Hà, cam Canh ,… nhưng lại không có địa chỉ hay một liên hệ nào với nơi sản xuất nên độ tin cậy bị giảm sút. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát, khi được hỏi về việc sử dụng những sản phẩm nông sản có thương hiệu thì 85 % người tiêu dùng chấp nhận trả mức giá chênh lệch từ 5% đến 10% để mua được những mặt hàng nông sản trong nước có thương hiệu và đủ độ tin tưởng.

Trước  sự phát triển như vũ bão của công nghệ và tình trạng  nông sản ngoại dồn dập đổ bộ vào Việt Nam thì việc sản phẩm nông sản Việt không nhãn hiệu, không đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý  thực sự có  nguy cơ  mất thị phần ngay trên “sân nhà”, chứ chưa nói đến thị trường ngoài nước.
Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu nông sản Việt có sức thuyết phục với thị trường trong nước và khả năng cạnh tranh trên thị trường nước ngoài thì cần phải có sự đầu tư bài bản và sự hợp tác của  các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương với nông dân  để có những sản phẩm chất lượng, an toàn.

Lê Mai

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này