Tại tâm dịch, nhiều bác sĩ hồi sức cấp cứu phải làm việc với cường độ 500% so với thông thường

18:06 | 19/08/2021
(LĐTĐ) Với mục tiêu làm thế nào để bảo vệ các bác sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, sáng nay (19/8), tại Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã diễn ra chương trình tọa đàm “Bảo vệ Blouse trắng nơi tuyến đầu” với sự tham gia của lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Y tế và các bác sĩ bệnh viện tuyến Trung ương tăng cường vào miền Nam hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Thêm 170 y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai xung phong vào Nam hỗ trợ phòng, chống dịch Tổng Liên đoàn phát động Cuộc thi video clip về phòng, chống dịch với chủ đề “Thời khắc khó quên” Công đoàn hỗ trợ tiền ăn cho lực lượng y tế tăng cường chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía Nam

Chương trình do Tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam thực hiện dưới sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Chương trình có sự tham gia của các vị khách mời: Ông Nguyễn Phước Lộc - Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; PGS. TS. Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam; Nhà báo Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn; Th.S, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh; Bác sĩ CKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh - Trưởng phòng Công tác xã hội, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện K.

Tại tâm dịch, nhiều bác sĩ hồi sức cấp cứu phải làm việc với cường độ 500% so với thông thường
Các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam và Tạp chí Lao động và Công đoàn tham dự tọa đàm tại điểm cầu Hà Nội.

Các y, bác sĩ ở tâm dịch đang phải làm việc với áp lực và cường độ rất lớn

Tại đầu cầu thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết: "Chưa bao giờ cả nước phải đối mặt với đợt dịch khốc liệt như hiện nay với hơn 300.000 ca nhiễm. Mỗi ngày, có xấp xỉ 9.000 ca nhiễm mới, tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang...

Để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, các y, bác sĩ, các bạn sinh viên ngành Y tế tại các tỉnh, thành phố phía Nam và lực lượng y tế tăng cường từ Bắc vào đã rất vất vả trong 3 tháng nay, từ công tác quản lý chỉ đạo, chăm sóc các bệnh nhân, trực tiếp xét nghiệm, truy vết, tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân… Các y, bác sĩ ở tâm dịch đang phải làm việc với áp lực và cường độ rất lớn. Vất vả nhất là lực lượng lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có các em sinh viên các trường y khoa, nhiều ca làm việc lên đến 12h đồng hồ, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, không có điều hòa... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các y, bác sĩ, nhân viên y tế".

Tại tâm dịch, nhiều bác sĩ hồi sức cấp cứu phải làm việc với cường độ 500% so với thông thường
Các vị đại biểu khách mời tham dự tọa đàm tại các điểm cầu: Th.S, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (góc trên, phía trái màn hình); Bác sĩ CKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (góc dưới, phía trái màn hình); Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh - Trưởng phòng Công tác xã hội, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện K (góc phải, phía dưới màn hình).

Được cử vào tăng cường khu vực miền Tây, phụ trách 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Bác sĩ CKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - chia sẻ: "Tình hình dịch bệnh ở miền Tây đỡ hơn so với thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các nhân viên y tế tăng cường từ tỉnh ngoài Bắc vào như chúng tôi gặp khó khăn về thời tiết, thói quen sinh hoạt, khẩu vị ăn uống… Song khó khăn lớn nhất là sự thiếu hụt bác sĩ hồi sức cấp cứu. Nhiều bác sĩ hồi sức cấp cứu phải làm việc với cường độ 500% so với thông thường. Với các bệnh nhân rất nặng, thì các bác sĩ khác không thể thay thế bác sĩ hồi sức cấp cứu được.

Trong điều kiện, lãnh đạo các tỉnh và chúng tôi cố gắng sắp xếp chỗ ở tiện nghi hơn, nhưng các y, bác sĩ đều từ chối, xin ở lại trong bệnh viện để có thể ngay lập tức cứu chữa cho bệnh nhân, đó là sự hy sinh rất lớn của họ".

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh - Trưởng phòng Công tác xã hội, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện K vào chi viện tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh gần 1 tháng nay, cho biết: "Chưa bao giờ các bác sĩ gặp áp lực lớn như vậy. Áp lực về mặt tâm lý, làm việc 3 ca 4 kíp, mỗi ca 8 tiếng, ca đêm 10 tiếng, phải làm việc trong bộ đồ bảo hộ liên tục. Để bảo vệ sức khỏe cho các bác sĩ, chúng tôi tiến hành rà soát từng khâu, quần áo bảo hộ cấp 4, hướng dẫn từng bước một để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho cán bộ y tế, bởi trong quá trình điều trị, khi đi hút dịch, nhiều bệnh nhân hoàn toàn có thể ho thẳng vào mặt bác sĩ trong quá trình khám chữa bệnh. Về đến nơi nghỉ, chúng tôi yêu cầu các bác sĩ giữ khoảng cách với nhau cả khi họp, khi ăn, sinh hoạt. Công việc liên tục, có chút nghỉ giữa giờ cũng chỉ ra sảnh để thở, ăn uống qua loa, nhiều lúc phải ăn thức ăn nguội...”.

Cũng theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, bên cạnh áp lực công việc, không ít cán bộ y tế đã dương tính với Covid-19. Theo đó, khối lượng công việc lớn hơn rất nhiều, đè nặng lên vai những người còn lại.

Phải có các cơ chế bảo vệ Blouse trắng nơi tuyến đầu

PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chia sẻ: "Đồng hành với hơn 20 đoàn xuất quân tăng cường vào Nam chống dịch, tôi rất cảm phục tinh thần của các y, bác sĩ, khi Tổ quốc gọi, sẵn sàng lên đường chống dịch. Ngoài áp lực như bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa đã trao đổi, các y, bác sĩ phải đối mặt với áp lực khác đó là tốc độ tử vong trong đợt này nhanh. Nhiều trường hợp hồi sức cấp cứu thiếu nhân viên y tế. Các y, bác sĩ đã phải khóc khi không cứu được bệnh nhân.

Áp lực đè nặng lên y, bác sĩ và đặc biệt khi có đồng nghiệp hi sinh, trang thiết bị bảo hộ thiếu, ăn uống sinh hoạt cũng gặp khó khăn, hầu hết là bác sĩ chi viện từ miền Bắc nên chưa hợp với thực phẩm trong Nam. Bệnh viện dã chiến chưa có chỗ nghỉ, các bác sĩ phải nằm dài trực tiếp tại khu vực trực. Đến ngày 9/8, đã có 2.380 cán bộ y tế dương tính được cập nhật. Mới đây đã có một số cán bộ y tế không qua khỏi".

Tại tâm dịch, nhiều bác sĩ hồi sức cấp cứu phải làm việc với cường độ 500% so với thông thường
Ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng: "Chúng ta có thể có chiến lược lâu dài để bảo vệ cho nhân viên y tế".

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết: "Thời gian qua chúng ta thấy tình dân tộc, nghĩa đồng bào, đặc biệt là tình cảm dành cho lực lượng y tế ở tuyến đầu chống dịch và vai trò kết nối của Công đoàn Y tế Việt Nam. Tôi được biết đã có nhân viên y tế F0 tình nguyện ở lại chăm sóc cho bệnh nhân F0. Việc họ xa nhà, xa quê hương, xung phong vào tâm dịch khiến chúng tôi rất cảm động. Ban Dân vận Trung ương kiến nghị với Chính phủ là người thân của những lực lượng tham gia nơi tuyến đầu đều được tiêm vắc xin. Kiến nghị này đã được Thủ tướng ghi nhận và thực hiện.

“Việc chăm sóc cho nhân viên y tế là rất cần thiết. Chúng ta cần phải có chính sách để chăm sóc và hỗ trợ cho nhân viên y tế ở vùng dịch và tâm dịch. Đó có thể là hỗ trợ về phụ cấp độc hại, phụ cấp làm ngoài giờ... Ngoài ra, việc có thêm phụ cấp cho anh em nhân viên y tế ở tại vùng dịch sẽ giúp họ yên tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ chống dịch", ông Nguyễn Phước Lộc nói.

Về chế độ chính sách với cán bộ, nhân viên y tế, PGS.TS. Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết thêm: "Công đoàn Y tế Việt Nam đã có rất nhiều kiến nghị để đảm bảo chế độ chính sách cho các y, bác sĩ. Những đề nghị của Công đoàn Y tế Việt Nam đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam quan tâm và hỗ trợ kịp thời. Đó là: Hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho cán bộ y tế mức 1 triệu đồng/người; Công đoàn Y tế trích 2 triệu đồng cho mỗi cán bộ y tế đi tăng cường; triển khai 20.000 thẻ bảo hiểm an toàn cho cán bộ y tế, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu.

Chúng tôi cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen cho các đồng chí, đơn vị đi tăng cường chống dịch. Đồng thời kiến nghị thời gian tham gia chống dịch tuyến đầu tối đa là 2 tháng/1 đoàn, để bảo toàn lực lượng, phục hồi sức khỏe cho anh chị em. Để giảm stress cho nhân viên y tế tuyến đầu, chúng tôi cũng đề nghị tất cả các tỉnh, thành phố lập các trung tâm tư vấn tâm lý, đường dây nóng để hỗ trợ nhân viên y tế, giao cho các bệnh viện trung ương là đầu mối để tham mưu".

Đề xuất những giải pháp để bảo vệ các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, Bác sĩ CKII Nguyễn Trung Cấp cho biết: "Khi lên đường, các y, bác sĩ đều đi với một tâm lý tình nguyện, không đặt nặng vấn đề hỗ trợ. Tất cả chúng tôi chỉ mong dịch bệnh sớm qua mau để được trở về với gia đình. Tuy nhiên, thực tế các trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế còn thiếu. Rất nhiều đơn vị, mạnh thường quân đã hỗ trợ, gửi tặng cho lực lượng y tế nhưng thực tế có rất nhiều trang thiết bị không đảm bảo. Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành danh sách khẩu trang đủ điều kiện sử dụng nhưng mạnh thường quân mua và sử dụng nhầm các thiết bị nhái, rất khó để phân biệt. Theo tôi phải có chính sách kiểm soát trang thiết bị bảo hộ, phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp trục lợi, sản xuất và lưu hành trang thiết bị bảo hộ nhái, không đủ điều kiện đảm bảo an toàn. Đây là mối đe doạ rất nguy hiểm đối với lực lượng tuyến đầu".

Đồng quan điểm với bác sĩ Nguyễn Trung Cấp về trang thiết bị y tế, ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng: "Chúng ta có thể có chiến lược lâu dài để bảo vệ cho nhân viên y tế. Thứ nhất, chúng ta phải có chính sách để bảo toàn cho nhân viên y tế qua thực tiễn chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh phía Nam. Thứ hai, trong giai đoạn sắp tới, chúng ta phải đào tạo nhiều chuyên khoa, chuyên ngành về hồi sức cấp cứu. Y tế dự phòng và hồi sức cấp cứu cần được đẩy mạnh và phát triển.

Thứ ba, khi lực lượng y tế ra tuyến đầu, thì những bệnh nhân có bệnh nền phải làm thế nào? Do đó cần phải bảo toàn cho lực lượng y tế chuyên sâu để tiến hành chữa trị cho những người mắc bệnh nền nặng. Điều này cần phải có nghiên cứu và kiến nghị.

Tại tâm dịch, nhiều bác sĩ hồi sức cấp cứu phải làm việc với cường độ 500% so với thông thường

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Chia sẻ tại tọa đàm, thay mặt lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu bày tỏ sự cảm phục, trân trọng, tri ân các y, bác sĩ - những người đang ngày đêm nỗ lực bảo vệ sức khỏe nhân dân và nỗ lực chiến thắng đại dịch.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết: "Trong công tác phòng, chống Covid-19, Tổng LĐLĐ Việt Nam có sự quan tâm đặc biệt tới các y, bác sĩ, nhân viên y tế vì họ là lực lượng tuyến đầu, đối mặt với nhiều hiểm nguy. Về chính sách hỗ trợ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định hỗ trợ thêm dinh dưỡng các bữa ăn của y bác sĩ, mức 1 triệu/người. Đồng ý về chủ trương để Công đoàn Y tế hỗ trợ thêm các y, bác sĩ tuyến đầu mỗi người 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức tới thăm hỏi, trao hỗ trợ động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch”.

"Cuộc chiến có thể kéo dài, khốc liệt hơn nhưng chúng ta luôn mong những điều tốt đẹp sẽ đến. Đồng thời, vẫn phải dự liệu những điều không thuận lợi. Vì vậy, chúng tôi mong các y, bác sĩ luôn giữ gìn sức khỏe, giữ vững tinh thần, tổ chức Công đoàn luôn quan tâm, đồng hành với các chiến sĩ áo trắng để tạo nên sức mạnh đẩy lùi Covid”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này