Khi lương không còn cơ chế đặc thù

11:03 | 19/08/2021
(LĐTĐ) “Nhất quyết phải cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2022 và loại bỏ hoàn toàn cơ chế đặc thù, không có công chức loại 1, 2, 3”. Đây là một trong những phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022 diễn ra ngày 17/8.
Thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022, nhất quyết không thể chậm hơn Bước đột phá về cải cách tiền lương Cải cách tiền lương bằng việc thông qua vị trí việc làm
Khi lương không còn cơ chế đặc thù
Phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV chiều 17/8. (Ảnh: Quochoi.vn)

Cải cách tiền lương không đơn thuần là chuyện tăng lương cơ bản mà quan trọng hơn phải tạo ra sự công bằng cho các đối tượng thụ hưởng, không có đặc thù trong vấn đề thụ hưởng giữa những công chức hưởng lương.

Và tại phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về vấn đề nguyên tắc, tiêu chí phân bổ chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo phải dứt khoát cải cách tiền lương, bãi bỏ tất cả các cơ chế đặc thù là một thông điệp mạnh mẽ được đông đảo cán bộ, công chức, người lao động đón nhận, ủng hộ.

Về vấn đề tiền lương, cơ chế đặc thù gắn với chức danh, tôi nhớ có lần ngồi dự tiệc cuối năm, ở đó có khá nhiều người không quen biết, nên anh bạn tôi đứng lên giới thiệu một vòng. Đại loại, xin giới thiệu đây là anh D, trưởng ban hàm vụ trưởng; đây là anh C chuyên viên cao cấp bộ T.C; còn đây là chị C vừa được đón tin vui, chính thức trở thành chuyên viên chính bộ G.T…

Nghĩ cũng kỳ, gặp nhau thì chỉ cần giới thiệu công tác ở cơ quan nào cho xã giao là xong, cần gì phải chi tiết hóa đến từng chức vụ, ngạch bậc. Song vì thấy lạ nên khi về bỏ thời gian nghiên cứu xem tại sao lại như thế.

Sau khi tìm hiểu, hóa ra ở nước ta hiện đang quy định đối với cấp hàm, ngoài bộ, ngành, ban của Đảng quy định hàm vụ trưởng, vụ phó, thì các cơ quan ngang bộ, các chức vụ trưởng ban, phó trưởng ban cũng tương đương hàm vụ trưởng, vụ phó. Trong các quyết định bổ nhiệm cán bộ cơ quan ngang bộ, bao giờ cũng ghi, ví dụ: “Quyết định bổ nhiệm đồng chí L.Đ chức trưởng ban… hàm vụ trưởng”. Không những thế, đối với những cơ quan trước đây thuộc Chính phủ (cơ quan ngang bộ), nay trực thuộc bộ.

Còn về ngạch, theo quy định, công chức hiện nay đang chia thành 4 loại A, B, C, D, gồm: Chuyên viên cao cấp; chuyên viên chính; chuyên viên; ngạch cán sự và nhân viên. Chính những quy định trên đã dẫn đến hệ số lương và hệ số phụ cấp cũng khác nhau.

Xét về tổng thể, cơ chế cấp hàm tương đương và ngạch, bậc công chức cũng có những mặt tích cực là phân biệt rõ ràng thứ bậc trong cơ quan Nhà nước, song xét về mặt năng suất lao động thì chưa chắc đã tốt. Một trong những điểm nghẽn của chúng ta hiện nay chính là năng suất lao động chưa cao. Vì vậy, đối với các cơ quan hưởng lương ngân sách muốn tăng năng suất lao động, kích thích cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm chỉ còn cách trả lương theo vị trí việc làm.

Tuy vậy, trong cơ cấu ngạch, bậc công chức hiện nay, anh đã là chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp thì lương và hệ số phụ cấp khá cao, chẳng biết công việc anh hoàn thành ra sao. Trừ khi bị kỷ luật, mới tính đến vấn đề hạ ngạch, bậc còn không cứ thế hưởng lương từ lúc được bổ nhiệm cho đến khi về hưu.

Do đó, để phù hợp với thực tiễn cuộc sống, để góp phần tăng năng suất lao động, hạn chế tối đa về bất cập trong chính sách tiền lương, việc tiến hành cải cách tiền lương từ 1/7/2022 gắn với bãi bỏ cơ chế đặc thù chắc chắn sẽ tạo bước đột phá.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này