Để đẩy lùi dịch phải quyết tâm cắt đứt nguồn lây

09:34 | 19/08/2021
(LĐTĐ) Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, thành phố Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp rất kịp thời, đúng, trúng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, từ đó đạt được thành công là không để dịch bùng phát trên địa bàn trong thời gian qua. Tuy nhiên, nguy cơ của dịch bệnh vẫn rất cao, qua việc sàng lọc cho thấy vẫn có các F0 rải rác, lẩn khuất trong cộng đồng, do đó việc giãn cách, thực hiện nghiêm 5K là biện pháp vô cùng quan trọng để cắt đứt nguồn lây của vi rút.
Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, tranh thủ "thời gian vàng" đẩy nhanh tiến độ bóc tách F0 [Infographic] 9 bước xử lý khi phát hiện F0 tại cơ quan, đơn vị

Chưa thể đưa số ca bệnh trở về 0

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, Hà Nội đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng đối với khu vực có nguy cơ và đối tượng nguy cơ. Hoạt động nhằm mục tiêu phát hiện sớm các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 để kịp thời khoanh vùng, xử lý ổ dịch, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Để triển khai hoạt động này hiệu quả, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đợt 1 cho hơn 300.000 người, trong đó có 186.000 mẫu là người sống trong khu vực nguy cơ và 114.000 mẫu là người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao. Cụ thể, từ ngày 9/8 đến nay, các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã lấy được 313.010 mẫu để xét nghiệm, phát hiện 29 ca dương tính.

Để đẩy lùi dịch phải quyết tâm cắt đứt nguồn lây
Nhân viên y tế quận Hai Bà Trưng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc vi rút SARS- CoV-2 cho người dân tại các khu vực nguy cơ cao.

Ông Khổng Minh Tuấn cho biết: “Hiện Thành phố có nhiều khu vực có ổ dịch trong cộng đồng, ngoài những khu vực phong tỏa, chúng tôi tiến hành lấy rộng các mẫu xét nghiệm tại những khu vực không phong tỏa để phát hiện F0. Nhiều trường hợp ho, sốt trong cộng đồng, dù không liên quan dịch tễ nhưng chúng tôi cũng lấy mẫu xét nghiệm rộng cho những đối tượng này”. Trong khi đó, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng cho biết, những đối tượng nguy cơ cao là người đi lại nhiều như shipper, vận chuyển hàng hóa của bưu điện, đối tượng bán hàng ở chợ… Khu nguy cơ cao là khu có nhiều ca bệnh lẻ tẻ, không tập trung thành ổ dịch nhưng có diễn biến rất nhanh.

Dựa trên kết quả test cho khoảng hơn 300.000 người vừa qua, ông Khổng Minh Tuấn thông tin, ngay trong chiều 16/8, Hà Nội tiếp tục xây dựng phương án mở rộng lấy mẫu xét nghiệm đợt 2 với khoảng 1 triệu mẫu. Hy vọng sau đợt 2 quét bằng mở rộng xét nghiệm, Hà Nội có thể truy vết hết được F0 đang rải rác trong cộng đồng.

Đánh giá về tình hình dịch tại Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: Hà Nội không để dịch bùng lên đã là thành công và thể hiện sự nỗ lực cố gắng của hệ thống chính trị và nhân dân, bởi ngay lập tức không thể đưa số ca bệnh trở về 0 nhưng hạn chế, cắt đứt được nguồn lây là hiệu quả rõ nét công tác phòng dịch đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, Hà Nội đã khẩn trương triển khai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng có chỉ định, trong vòng 1 tuần qua đã lấy 300 nghìn mẫu xét nghiệm để sàng lọc, qua đó phát hiện một số ca F0. Đặc biệt, qua xét nghiệm rộng, sớm, các trường hợp sốt phát hiện nhiều vùng nguy cơ ở các địa phương là cách làm hiệu quả của Hà Nội và cho thấy năng lực tốt của y tế cơ sở.

Đồng bộ nhiều giải pháp cắt đứt nguồn lây

Theo ông Trần Đắc Phu, Hà Nội có ưu điểm là đã có những biện pháp kiểm soát sớm và quyết liệt để dịch không bùng phát lên trong những ngày giãn cách xã hội. Cùng với kiểm soát chặt chẽ người ra đường tại chốt kiểm dịch trên các tuyến đường, phố, Hà Nội cũng đã và đang triển khai hiệu quả các “vùng xanh”, trong đó phát huy được vai trò tự quản, giám sát được người ra vào từng ngõ, ngách.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cho rằng, nguy cơ của Hà Nội vẫn rất cao, qua việc sàng lọc cho thấy vẫn có các F0 rải rác, lẩn khuất trong cộng đồng, do đó việc giãn cách, thực hiện nghiêm 5K là biện pháp vô cùng quan trọng để cắt đứt nguồn lây. Bên cạnh đó, những nguy cơ lây nhiễm từ các chuỗi như ngân hàng, bưu điện, shipper, đơn vị cung cấp hàng hóa vào siêu thị,… cũng cần phải được tập trung có biện pháp, không để dịch lây lan từ đây.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Lã Thị Lan, một kênh thông tin rất hiệu quả để phát hiện ca bệnh là việc khai báo ho, sốt qua Bluezone, tờ khai y tế điện tử. Thực tế trong thời gian qua, từ tổng hợp của Sở Thông tin và Truyền thông hàng ngày, các trường hợp khai báo ho, sốt đã được lấy mẫu xét nghiệm và đã phát hiện nhiều ca F0. Do đó, người dân hãy tích cực khai báo y tế, đặc biệt là khi có các biểu hiện như ho, sốt, khó thở để được lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, sàng lọc kịp thời.

Đồng quan điểm trên, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Lã Thị Lan cũng cho rằng vẫn còn hiện tượng phong tỏa chưa chặt, người dân trong khu vực phong tỏa vẫn gặp gỡ, đi chợ trong khu vực. Một số khu phong toả như Liên Ninh (Thanh Trì), Văn Chương (Đống Đa) hay Đông Anh,… vẫn phát hiện những ca dương tính. “Vì vậy, giãn cách là biện pháp hiệu quả nhất để tránh lây lan, nhưng cần phải giám sát chặt các khu vực này thì mới không bùng phát dịch. Xác định việc tận dụng thời gian giãn cách, hạn chế tối đa di chuyển để sàng lọc các F0”, bà Lã Thị Lan nhấn mạnh.

Để quyết liệt phòng, chống dịch hơn nữa, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cho rằng cần tiếp tục triển khai việc xét nghiệm diện rộng có chỉ định, tập trung vào đối tượng, địa bàn nguy cơ. Nhưng cần xác định rằng xét nghiệm chỉ là thời điểm hiện tại, còn khi mở cửa, di biến động ra vào Hà Nội tăng thì vẫn có khả năng bùng dịch, vì vậy cần triển khai mạnh mẽ hơn việc giãn cách, 5K, quét mã QR ở các cơ quan, đơn vị, siêu thị, điểm công cộng. Cùng đó, Hà Nội cần tiếp tục bảo vệ “vùng xanh”, vùng an toàn mới có thể đảm bảo bền vững. Bảo vệ vùng an toàn không có nghĩa là "ngăn sông cấm chợ", mà là bảo vệ từ nếp sống, từ siêu thị, xóm ngõ, nhà máy an toàn.

Bên cạnh đó, tận dụng thời gian giãn cách, ông Trần Đắc Phu cho rằng, thành phố Hà Nội cần phải tăng tốc độ tiêm cho đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh lý nền, vùng dịch có nguy cơ cao và tiến tới tiêm cho toàn dân. Việc tiêm vắc xin Covid-19 không chỉ dành cho người có hộ khẩu Hà Nội mà phải tiêm cho người sống trên thành phố Hà Nội vì dịch có thể lây lan cho mọi người trên địa bàn. “Hiện Hà Nội đang đăng ký online tiêm chủng, do đó cũng cần rà soát xem các đối tượng đã đăng ký hết chưa để bao phủ tiêm”, ông Trần Đắc Phu cho biết thêm.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này