Ngoại giao vắc xin là “mặt trận” quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

21:54 | 17/08/2021
(LĐTĐ) Trong bối cảnh trong nước chưa sản xuất được vắc xin ngừa Covid-19, yêu cầu phòng, chống dịch rất cấp bách trong khi nguồn vắc xin trên thế giới khan hiếm, ngoại giao vắc xin là một “mặt trận” rất quan trọng, bởi vận động có được vắc xin là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi của chiến lược vắc xin.
Ba Lan tặng và nhượng lại cho Việt Nam hơn 3,5 triệu liều vắc xin Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, tranh thủ "thời gian vàng" đẩy nhanh tiến độ bóc tách F0 Hỗ trợ kinh phí thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covivac

Ngày 17/8, thông tin với báo chí về ý nghĩa của việc thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin và kế hoạch sắp tới của Tổ công tác để Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vắc xin nhanh nhất, nhiều nhất và sớm nhất có thể, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, trước sự xuất hiện các biến chủng mới từ đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp và lây lan nhanh trên thế giới và ở trong nước, có thể nói cuộc chiến chống Covid-19 ở nước ta bước sang giai đoạn mới.

Với phương châm "5K + vắc xin + công nghệ", chiến lược vắc xin vừa là nhiệm vụ rất cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài để kiểm soát và tiến tới đẩy lùi dịch Covid-19. Trong bối cảnh trong nước chưa sản xuất được vắc xin ngừa Covid-19, yêu cầu phòng, chống dịch rất cấp bách trong khi nguồn vắc xin trên thế giới khan hiếm, ngoại giao vắc xin là một “mặt trận” rất quan trọng, bởi vận động có được vắc xin là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi của chiến lược vắc xin.

Ngoại giao vắc xin là “mặt trận” quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong buổi trao đổi với báo chí

Thực tiễn cho thấy, thông qua ngoại giao vắc xin, đến nay nước ta đã tiếp nhận hàng triệu liều vắc xin từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, không chỉ trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối nội, đối ngoại, chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế- xã hội.

Xuất phát từ yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19, trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh và tầm quan trọng của ngoại giao vắc xin, ngày 13/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Khoa học - Công nghệ.

Trong bối cảnh hiện nay, việc thành lập Tổ công tác này có những ý nghĩa rất quan trọng. Qua đó, tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó có vắc xin, để sớm đẩy lùi dịch Covid-19, đưa hoạt động kinh tế - xã hội và cuộc sống của nhân dân trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất có thể.

Khẳng định quyết tâm rất cao và sự quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện chiến lược vắc xin để mở rộng tiêm chủng cho toàn dân. Bên cạnh việc tạo mọi thuận lợi để đẩy nhanh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, trước mắt cần đẩy mạnh ngoại giao vắc xin để tiếp cận nhanh nhất, đưa vắc xin, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị Covid-19 về nước nhiều nhất và sớm nhất có thể.

Tổ công tác của Chính phủ là cơ chế tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và đồng bộ giữa các Bộ liên quan nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác ngoại giao vắc xin, đáp ứng kịp thời và tốt hơn nữa yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trong nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập, Tổ công tác đã họp và thống nhất phương châm của Tổ công tác là phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, chủ động, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, sáng tạo và hiệu quả, “đã quyết tâm, càng quyết tâm cao hơn nữa”, “đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa”.

Với phương châm và tinh thần đó, Tổ công tác dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ tham mưu, triển khai vận động quyết liệt, đồng bộ ở kênh Lãnh đạo cấp cao và các cấp, các kênh song phương và đa phương, trong nước và thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, dưới mọi hình thức trực tiếp và trực tuyến để tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội tiếp cận vắc xin nhanh nhất, nhiều nhất và sớm nhất.

Trong đó, Tổ công tác sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh xúc tiến, vận động các đối tác và tổ chức quốc tế tiếp tục viện trợ, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vắc xin, thuốc điều trị và vật phẩm y tế phòng, chống dịch Covid-19 càng sớm càng tốt.

Nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, kết nối, thúc đẩy, đôn đốc các đối tác nước ngoài trong đàm phán, nhập khẩu và tiếp nhận vắc xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế. Đẩy mạnh vận động các đối tác giao vắc xin cho Việt Nam đúng hạn hoặc sớm hơn kế hoạch theo các thỏa thuận, hợp đồng đã ký.

Chủ động, tích cực thẩm tra, xác minh các đối tác nước ngoài, thông tin liên quan đến khả năng cung cấp vắc xin, thuốc điều trị và vật phẩm y tế mà Việt Nam có thể tranh thủ, nhập khẩu hoặc hợp tác sản xuất.

Trên cơ sở thống nhất kế hoạch, lộ trình triển khai, Tổ công tác đã phân công các thành viên Tổ công tác cụ thể hóa, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nói trên.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này