Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị gói ngân sách gần 28.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động

07:08 | 18/08/2021
(LĐTĐ) Trước tình hình khó khăn do dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp gần 28.000 tỷ đồng và hơn 142.000 tấn gạo để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ, lương thực cho người lao động ảnh hưởng dịch bệnh.
Thành phố Hồ Chí Minh: Công an phát hiện giấy xác nhận giả, giấy đi đường không có thời hạn Triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho người được bảo trợ xã hội Người lao động tự do tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ được hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu

Ngày 17/8, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị gói ngân sách gần 28.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động
Người dân thành phố Hồ Chí Minh xếp hàng nhận hỗ trợ.

Theo đó, thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm của đợt bùng dịch lần 4, với sự bùng phát, lây lan nhanh trong cộng đồng, số lượng người mắc bệnh và tử vong tăng nhanh. Để đáp ứng tình hình dịch bệnh, thành phố đã áp dụng giãn cách xã hội, các cấp độ thắt chặt được tăng dần.

Chính vì vậy, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến việc thu ngân sách của thành phố Hồ Chí Minh. Số thu ngân sách có xu hướng giảm dần và dự kiến số thu năm 2021 của thành phố Hồ Chí Minh không đạt. Đặc biệt, đời sống người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Qua rà soát, đến nay thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1,5 triệu hộ lao động gặp khó khăn (khoảng hơn 4,7 triệu người lao động).

Theo Nghị quyết 86 NQ-CP, để người lao động yên tâm ở lại thực hiện phòng, chống dịch bệnh, thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ ngân sách gần 28.000 tỷ đồng và 142.000 tấn gạo để hỗ trợ tiền ăn, tiền lương thực và tiền trọ cho người lao động trên địa bàn thành phố. Mức hỗ trợ dự kiến là tiền ăn 50.000/người/ngày; 15 kg gạo/người/2 tháng và 1,5 triệu đồng/hộ/tháng.

Theo danh sách, quận Bình Tân là địa phương có lượng người lao động khó khăn cao nhất, với hơn 800.000 người; tiếp theo là quận Bình Thạnh, với hơn 647.000 người; huyện Bình Chánh với hơn 350.000 người; ở cuối danh sách là Quận 5 với hơn 26.800 người.

Tân Nguyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này