Mở hướng phát triển ở huyện ngoại thành

09:00 | 17/08/2021
(LĐTĐ) Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại những thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Từ phương thức sản xuất truyền thống, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn. Đặc biệt, những năm gần đây, trên địa bàn huyện đã xuất hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế của huyện.
Thành tựu xây dựng nông thôn mới tại các huyện ngoại thành Hà Nội cho phép đầu tư các cầu yếu, cầu nhỏ trên địa bàn một số huyện

Hiệu quả từ việc ứng dụng khoa học công nghệ

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã xuất hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng hoa học kỹ thuật như: Tưới tự động; điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng để cây trồng có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt nhất; chọn tạo được giống vật nuôi năng suất, chất lượng; quy trình chăn nuôi khép kín... Những công nghệ tiên tiến khi được ứng dụng vào sản xuất, giúp hạn chế sức người mà năng xuất chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt.

Mở hướng phát triển ở huyện ngoại thành
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của Hợp tác rau, quả sạch Chúc Sơn.

Điển hình, tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, dù thời tiết thay đổi, nắng nóng gay gắt, những ruộng rau vẫn xanh tốt, không bị cháy lá; ruộng dưa lưới vẫn cho quả đều và sai. Theo ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn: Thành quả đó là nhờ đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, xây dựng các nhà màng, nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Kinh phí đầu tư không quá lớn (khoảng 1 triệu đồng/sào) nhưng đã khẳng định hiệu quả rõ rệt, vừa giảm sức lao động cho nông dân, vừa đảm bảo tưới đúng, đủ lượng nước, tránh lãng phí... Cũng theo ông Thám, để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, việc ứng dụng khoa học công nghệ là hướng đi tất yếu cả trước mắt và lâu dài.

Được biết, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn là đơn vị đầu tiên của huyện Chương Mỹ đã phối hợp với các nhà khoa học lắp đặt hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh iMentos 3.3 A-G. Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa... làm căn cứ để nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau, quả. Ngoài ra, Hợp tác xã đầu tư lắp đặt 10 camera tại đồng ruộng, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh giúp cho Ban giám đốc dù ở bất kỳ đâu cũng có thể dễ dàng quản lý vùng sản xuất theo quy trình... Nhờ sản xuất rau, quả bằng công nghệ cao, mỗi ngày Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn thu mua gần 2 tấn rau quả mà không lo ảnh hưởng bởi thời tiết. Sản phẩm được cung cấp cho 4 bệnh viện, 2 hệ thống siêu thị lớn là Big C và T-Mart, 15 cửa hàng tiện ích và 11 trường học theo hợp đồng liên kết.

Những năm gần đây, cùng với việc xây dựng các vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung, huyện Chương Mỹ đã triển khai các dự án, mô hình ứng dụng công nghệ cao nhằm mục đích nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Điển hình như trong lĩnh vực trồng trọt, huyện đã tập trung ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào khâu giống và công nghệ sản xuất. Đến nay, bộ giống lúa của huyện đã được cải tạo cơ bản với 70% giống lúa chất lượng cao, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế. Huyện cũng ứng dụng thành công giống cà chua ghép cà tím tại một số xã, thị trấn đưa năng suất tăng lên 2 lần so với giống thường, giá trị đạt trên 1 tỷ đồng/ha; giống hoa lan rừng, lan Hồ Điệp nuôi cấy mô đã phát triển mạnh tại địa bàn huyện, giá trị đạt trên 10 tỷ đồng/ha.

Không chỉ riêng lĩnh vực trồng trọt, huyện Chương Mỹ còn chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi. Tiêu biểu như Hợp tác xã thỏ Việt - Nhật ở xã Lam Điền, đã xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín và ứng dụng kỹ thuật hiện đại để phát triển mô hình nuôi thỏ thương phẩm, thỏ sinh sản. Đáng chú ý, quy trình chăm sóc thỏ được thực hiện theo hướng an toàn sinh học và tuân thủ nghiêm ngạt theo các chỉ số kỹ thuật. Hiện tại, Hợp tác xã đang nuôi 1.000 con thỏ cái và 50 con thỏ đực để phối giống. Trung bình mỗi tháng có hơn 4.000 thỏ con được sinh ra và được nuôi trong vòng 45 ngày thì xuất bán. Hợp tác xã xuất bán thỏ thương phẩm 3 tháng/lứa, trừ các khoản chi phí thu về gần 100 triệu đồng tiền lãi.

Thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp

Đồng bộ với ứng dụng giống mới, công nghệ sản xuất tiên tiến, nhiều Hợp tác xã, chủ trang trại trên địa bàn huyện Chương Mỹ cũng mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực quản lý sản xuất, ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc… Trong lĩnh vực chăn nuôi, các hộ nông dân đã chuyển từ thụ tinh lợn, bò trực tiếp sang thụ tinh nhân tạo, với nhiều giống lợn, giống bò chất lượng cao như giống bò BBB đã chiếm 47% tổng đàn bò của huyện, trên 90% đàn lợn ngoại đã tăng sản lượng và chất lượng thịt, tăng thu nhập cho người dân. Trên địa bàn huyện có trên 400 trang trại chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ chuồng trại khép kín có hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống tự động, hạn chế dịch bệnh và tăng năng suất chăn nuôi lên 2 lần.

Như vậy, các chương trình, mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến trên địa bàn huyện Chương Mỹ bước đầu đã đạt được kết quả rõ rệt, góp phần quan trọng trong tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp của huyện, theo hướng quy mô lớn, tăng giá trị và đảm bảo an toàn thực phẩm, từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp của huyện.

Thời gian tới, huyện Chương Mỹ tiếp tục có những giải pháp để khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Cụ thể là Chương trình số 07-CTr/HU của Huyện ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”. Chương trình số 07-CTr/HU của huyện hướng tới mục tiêu tiếp tục xác định phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 4,0% trở lên. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung phù hợp với quy hoạch; chú trọng việc nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Huyện sẽ thực hiện chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: Hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị cơ giới hoá trong sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi mới, có chất lượng cao, có khả năng sinh lợi cao hơn gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Bồi dưỡng, đào tạo tập huấn nhằm nâng cao trình độ của các chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao và kiến thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Triển khai các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với sản xuất theo hướng sạch, bền vững, vệ sinh, an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GMP (thực hành sản xuất tốt)...

Bên cạnh đó, huyện sẽ tổ chức định kỳ các lớp bồi dưỡng đào tạo tập huấn ngắn ngày, các chương trình tham quan thực tế gắn kết các nhà khoa học, các chuyên gia với người nông dân để trực tiếp chuyển giao, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất. Hướng dẫn ứng dụng chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học từ sản xuất đến khâu sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản./.

Minh Khuê - Kim Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này