Xây dựng tổ chức Công đoàn Thủ đô vững mạnh toàn diện

Kỳ 2: Đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động Công đoàn Thủ đô

17:25 | 17/08/2021
(LĐTĐ) Bám sát quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra trong Nghị quyết số 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” (Nghị quyết số 02) của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 35/KH-TU về thực hiện Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị (Kế hoạch số 35) của Thành ủy Hà Nội, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã chủ động, sáng tạo, quyết liệt đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động để đáp ứng những yêu cầu của tình hình mới.
Xây dựng tổ chức Công đoàn Thủ đô vững mạnh toàn diện

Nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Đồng chí Nguyễn Phi Thường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Thành ủy viên, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, ngay sau khi Kế hoạch số 35 của Thành ủy Hà Nội được ban hành, bám sát nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 35 của Thành ủy, đó là xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới”.

Trong đó, xác định rõ mục tiêu và đề ra nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn Thủ đô đảm bảo đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng; có tư tưởng chính trị vững vàng, chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm; có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; có năng lực đối thoại, dẫn dắt truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết người lao động; có chất lượng và cơ cấu phù hợp vị trí công tác, đảm bảo sự kế thừa và phát triển vững chắc giữa các thế hệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới.

Kỳ 2: Đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động Công đoàn Thủ đô
Tại Kỳ họp lần thứ 13, Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố (khóa XVI) đã thông qua dự thảo Nghị quyết về “Công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới” và Nghị quyết về “Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước”. (Ảnh chụp ngày 2/7/2021).

Bên cạnh đó, xác định công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn, Ban Chấp hành LĐLĐ Thành phố (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước”. Nghị quyết đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để hiện thực hóa các chỉ tiêu về phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, ký kết Thỏa ước lao động tập thể đã đề ra trong Kế hoạch 35 của Thành ủy; đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/2/2012 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Cùng với việc ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 35 của Thành ủy, Đảng đoàn LĐLĐ Thành phố sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy xây dựng, ký kết Quy chế phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về hoạt động Công đoàn; công tác tổ chức cán bộ và phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở…

Ngoài ra, LĐLĐ Thành phố đã ký kết Chương trình phối hợp công tác với Ủy ban nhân dân Thành phố và 7 Sở, ngành của Thành phố. Từ đó, tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng tổ chức Công đoàn Thủ đô vững mạnh toàn diện, có đủ năng lực đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; thực sự là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng bộ Thành phố, là cầu nối giữ mối liên hệ mật thiết giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với công nhân, người lao động.

Chủ động, sáng tạo để thích ứng, phát triển

Theo Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường, nhận thức được tính cấp thiết trong việc đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động Công đoàn để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, ngay từ quý I/2021, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đã kịp thời đề ra 10 nhiệm vụ trọng điểm của tổ chức Công đoàn Thủ đô và thành lập 10 Tổ công tác chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm.

Kỳ 2: Đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động Công đoàn Thủ đô
Tổ chức Công đoàn Thủ đô đã và đang đẩy mạnh công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ người lao động. (Ảnh chụp ngày 24/4/2021).

LĐLĐ Thành phố đã tập trung triển khai hiệu quả Đề án thí điểm “Xây dựng, phát hành Bản tin sinh hoạt Công đoàn cơ sở”, phát hành 10.800 cuốn/kỳ/quý. Qua đó, góp phần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phản ánh kịp thời tới Công đoàn cơ sở và đoàn viên, người lao động những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Nghị quyết của tổ chức Công đoàn có liên quan tới đoàn viên, người lao động; kết quả nổi bật của các cấp Công đoàn Thủ đô; chia sẻ kinh nghiệm hoạt động Công đoàn giữa các đơn vị… Thực tế cho thấy, khi Bản tin sinh hoạt Công đoàn cơ sở phát hành đã nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao bởi tính thiết thực, đáp ứng được nhu cầu của cơ sở, được cán bộ Công đoàn cơ sở coi là cuốn cẩm nang hoạt động Công đoàn.

Với mục tiêu không ngừng nâng cao vị thế, tăng cường chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động theo tinh thần của Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 35 của Thành ủy, LĐLĐ Thành phố đã triển khai Đề án thí điểm “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp”, kèm theo quy chế hỗ trợ với mức hỗ trợ 8.500.000 đồng/1 bản Thỏa ước lao động tập thể loại A; 6.000.000 đồng/1 bản Thỏa ước lao động tập thể loại B, nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của các bản Thỏa ước lao động tập thể.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, LĐLĐ Thành phố đã dành nguồn lực thực hiện Đề án thí điểm “Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2022”. Mỗi năm, LĐLĐ Thành phố tổ chức khoảng 80 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho Chủ tịch Công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước; phấn đấu hết năm 2022, 100% Chủ tịch Công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác Công đoàn.

Kỳ 2: Đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động Công đoàn Thủ đô
Đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn. (Ảnh chụp ngày 17/4/2021).

Đặc biệt, nhằm tận dụng "thời gian vàng" trước khi Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế mới để nhanh chóng phát triển tổ chức Công đoàn, phát triển đoàn viên, không để khoảng trống, khoảng trắng ở những địa bàn trọng điểm, các khu công nghiệp và chế xuất, các cụm công nghiệp, doanh nghiệp, LĐLĐ Thành phố đã triển khai Đề án thí điểm “Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên, giai đoạn 2021-2022”. Theo đó, ngoài kinh phí hỗ trợ từ Thành ủy, LĐLĐ Thành phố cũng có cơ chế hỗ trợ tập thể Công đoàn cơ sở thành lập mới là 5.000.000 đồng, cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp vận động, phát triển được hỗ trợ 1.000.000 đồng. Cơ chế này nhằm tạo động lực, khích lệ các cá nhân, tập thể tích cực tham gia công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.

Ngoài ra, LĐLĐ Thành phố đang tập trung triển khai Đề án thí điểm “Phát triển Trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động”, đây là đơn vị cung cấp cho Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở các dịch vụ như: Phát triển Công đoàn cơ sở, phát triển đoàn viên; thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể; đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động... Đồng thời, LĐLĐ Thành phố cũng tập trung triển khai việc thành lập Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tại các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đa ngành nghề, hoạt động ở nhiều địa phương, có trụ sở chính đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cùng với đó, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khẩn trương rà soát dư địa phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở để có kế hoạch, giải pháp thực hiện hiệu quả công tác này; tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các Công đoàn cơ sở, từ đó tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động đảm bảo hiệu quả, thực chất và khẳng định được vai trò của tổ chức Công đoàn tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc trực tuyến giữa Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam với Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội về kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội XVI Công đoàn thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2018-2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đánh giá: "Sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, thực chất tổ chức và hoạt động của Công đoàn Thủ đô được thể hiện rõ nét qua các Đề án thí điểm và những nhiệm vụ trọng điểm mà LĐLĐ Thành phố đang triển khai. Qua đó, từng bước xây dựng tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân lao động Thủ đô ngày càng lớn mạnh, hiện đại, là lực lượng tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước".

Mai Quý

(Kỳ cuối: “Biến nguy thành cơ”, nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này