Phát huy vai trò Chi bộ Đảng tại các tổ dân phố trong nhịp sống đô thị:

Kỳ cuối: Sức mạnh nội tại của các chi bộ là góp phần xây dựng Đảng thực sự vững mạnh

20:26 | 12/08/2021
(LĐTĐ) Cùng với cách làm hay của bản thân chi bộ dân phố, thời gian qua, các cấp ủy Đảng từ phường, xã đến Thành phố cũng đã dựa vào tình hình thực tế tại địa phương để đề ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục các vấn đề nóng, phát sinh trong quá trình lãnh đạo quản lý. Trong đó, việc phát huy sức mạnh nội tại của các chi bộ và củng cố đội ngũ cán bộ cơ sở phải được xem là ưu tiên hàng đầu.
Kỳ 3: Nhân lên những cách làm hay Kỳ 2: Gỡ tâm tư để không còn trăn trở Kỳ 1: Đổi mới để thích ứng với tình hình mới

Phát huy sức mạnh của đảng viên 2 chiều

Hiện nay, trong giai đoạn Đảng ta đang đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đa dạng hóa các kênh thông tin để phát hiện, bồi dưỡng, đánh giá, lựa chọn cán bộ, đảng viên có tài, có đức thì việc thực hiện nghiêm quy định về “đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú”, phát huy tính tiên phong, gương mẫu là vô cùng cần thiết.

Lấy ví dụ, Chi bộ 1, phường Lê Đại Hành (quận Hai bà Trưng, Hà Nội) được đánh giá là một trong những chi bộ tiêu biểu của phường thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đi đầu trong thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, cụ thể như phong trào xây dựng đô thị văn minh, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Chi bộ 1 luôn xác định rõ trách nhiệm đi trước của từng cán bộ, đảng viên mà đặc biệt là lực lượng đảng viên sinh hoạt 2 chiều.

Kỳ cuối: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở
Ông Nguyễn Mạnh Hoạt - Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 7 (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) thường xuyên rà soát danh sách đảng viên sinh hoạt 2 chiều tại chi bộ.

Theo ông Nguyễn Đức Hậu - Bí thư Chi bộ 1, để thực hiện tốt các phong trào do địa phương phát động, chi bộ đã tận dụng tối đa sức mạnh của các đảng viên sinh hoạt 2 chiều. Đây là lực lượng đảng viên trẻ, đang đương chức, công tác tại các cơ quan, tổ chức và có mối liên hệ mật thiết với tổ chức Đảng tại nơi cư trú. Đặc biệt, đảng viên 2 chiều đều nằm rải rác tại các hộ gia đình trong phố, vì vậy, việc tuyên truyền vận động người dân được đội ngũ này đảm nhiệm diễn ra hết sức trôi chảy.

“Hiện Chi bộ 1 có hơn 50 đảng viên sinh hoạt 2 chiều. Năm đầu tiên sau khi sáp nhập tổ dân phố, tôi đã dành rất nhiều thời gian để “thuyết giảng” việc thực hiện Quy định số 213-QĐ/TW về “trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú” cho các đảng viên này khi tới xin nhận xét, đánh giá của chi bộ cư trú.

Chính nhờ việc làm chặt, đánh giá thực chất kết quả hoạt động của đảng viên 2 chiều tại nơi cư trú đã góp phần khơi lên tinh thần tích cực, cống hiến của lực lượng này. Đơn cử như đợt vừa rồi 100% đảng viên 2 chiều đều tiến hành ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19 tại địa phương và Quỹ vắc xin phòng, chống dịch của Nhà nước”, ông Hậu chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Hoạt - Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 7 (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm), cho biết: Hiện tại, chi bộ có hơn 300 đảng viên sinh hoạt 2 chiều. Bằng kiến thức, kinh nghiệm công tác, các đồng chí đã tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân nơi cư trú cải tạo và xóa hủ tục, đẩy mạnh phát triển kinh tế, hưởng ứng các phong trào thi đua ở địa phương.

Tại phường Khương Thượng (quận Đống Đa), ông Vương Thái Dương - Bí thư Đảng ủy phường cho hay, tại địa phương, các đảng viên đang công tác đã và đang phát huy tốt vai trò, tầm ảnh hưởng, uy tín của mình trong hỗ trợ cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt cuộc vân động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thực hiện giãn cách xã hội…

Củng cố đội ngũ cán bộ cấp cơ sở

Thực tế cho thấy, tại các chi bộ khu dân cư, mà đặc biệt là khu vực nội thành Hà Nội, đảng viên già chiếm phần lớn. Trong khi đó, số lượng đảng viên đông, có chi bộ lên đến hàng trăm người. Hơn nữa vì đa số đảng viên tại đây đều đã lớn tuổi nên không ít người có tâm lý muốn nghỉ ngơi, ngại va chạm. Vì vậy, khi sáp nhập tổ dân phố và sắp xếp lại chi bộ theo Đề án 21-ĐA/TU của Thành ủy, vấn đề đầu tiên phải làm là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy cấp trên. Tức là Đảng bộ phường, khi phát hiện ra những khó khăn của chi bộ phải nhanh chóng động viên và hướng dẫn họ giải quyết.

Kỳ cuối:  Sức mạnh nội tại của các chi bộ là góp phần xây dựng Đảng thực sự vững mạnh
Ông Đặng Trường Thọ - Bí thư Đảng ủy phường Lê Đại Hành thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các Bí thư chi bộ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo. (Ảnh khi chưa xảy ra dịch Covid-19 lần thứ 4)

Ông Đặng Trường Thọ, Bí thư Đảng ủy phường Lê Đại Hành cho biết: Xác định việc thực hiện Đề án 21, số lượng đảng viên và cơ cấu tổ chức của chi bộ dân phố cũng vì thế mà có sự thay đổi, dẫn đến nhiều khó khăn. Thấu hiểu được điều đó, Đảng bộ phường đã thường xuyên tổ chức gặp gỡ, động viên, trao đổi để tháo gỡ khó khăn cho các Bí thư chi bộ. Đồng thời, kịp thời chấn chỉnh ngay những sai phạm phát sinh trong quá trình chi bộ vận hành, hoạt động.

“Chúng ta không thể chỉ động viên tinh thần các đồng chí được, mà khi chi bộ dân phố gặp khó khăn, Đảng bộ phường phải xuống tận nơi, trực tiếp xử lý ngay. Mình phải thể hiện cho mọi người thấy cấp ủy cấp trên luôn sát cánh cùng họ, quan tâm họ và sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ ngay khi cần, như vậy họ mới tin mình, mới nhiệt tình cống hiến”, ông Thọ nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Thọ cũng nhận định việc giải thể chi bộ văn phòng phường, xã để đưa cán bộ về chi bộ dân cư cũng là một giải pháp hay, vừa giúp trẻ hóa đội ngũ đảng viên vừa tận dụng được một lượng đảng viên nắm rõ các chủ trương, tình hình tại địa phương để góp ý cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Còn theo bà Nguyễn Linh Hải - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Hội về việc “thành lập, đặt tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố năm 2020”, quận Nam Từ Liêm đã thành lập được 5 tổ dân phố mới tại phường Mễ Trì (tách ra từ 2 tổ dân phố cũ).

Vì vậy, thực hiện theo định hướng Đề án 21-ĐA/TU của Thành ủy, tháng 2/2021, Đảng ủy phường đã chọn lọc các nhân tố tiêu biểu tại các chi bộ cũ và chỉ định làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận cho các tổ mới. Đồng thời, với những khó khăn phát sinh trên địa bàn các tổ mới, phường sẽ nhanh chóng tiếp nhận, cùng với các Bí thư trực tiếp tháo gỡ, nếu vượt quá khả năng và thẩm quyền sẽ đề nghị lên quận để quận giải quyết.

Nhờ đó, sau hơn nửa năm, các chi bộ dân phố mới đã đi vào hoạt động có quy củ, đạt thành tích tốt và hoàn thanh nhiệm vụ được giao.

Kỳ cuối:  Sức mạnh nội tại của các chi bộ là góp phần xây dựng Đảng thực sự vững mạnh
Đảng ủy phường Mễ Trì thăm hỏi, động viên lực lượng tham gia chống dịch của các tổ dân phố tại các các điểm trực chốt.

Với vai trò là Quận ủy viên, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy quận Đống Đa, bà Hoàng Thị Phương Ngọc cũng đánh giá cao việc củng cố và phát huy vai trò của cán bộ cơ sở trong bối cảnh áp dụng Đề án 21.

Bà Ngọc cho hay: Ngày 27/2/2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 886/QĐ-UBND về việc sáp nhập, đặt tên và đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 11 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020. Theo đó, quận Đống Đa sáp nhập 866 tổ dân phố để thành 337 tổ dân phố mới, thực hiện đổi tên 26 tổ dân phố, còn lại 15 tổ dân phố giữ nguyên không đổi tên.

Ngay sau khi có Quyết định số 886/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố, quận Đống Đa đã tiến hành sắp xếp từ 905 tổ dân phố xuống 378 tổ (tỷ lệ 41,43%) và thành lập mới 2 tổ dân phố; trong đó: 866 tổ dân phố sáp nhập thành 337 tổ dân phố mới, 26 tổ dân phố đổi tên, 15 tổ dân phố giữ nguyên không đổi tên, thành lập mới 2 tổ dân phố.

Về ưu điểm, việc chia tách sát nhập giúp bộ máy cơ sở tinh gọn, lãnh đạo tập trung, thống nhất, phát huy trách nhiệm người đứng đầu ở địa phương.

Về khó khăn, sau khi sáp nhập, đa số các chi bộ có quy mô lớn hơn trước, số lượng đảng viên đông. Việc sinh hoạt chi bộ rất khó khăn do địa điểm sinh hoạt thường là nhà sinh hoạt cộng đồng, khu dân cư, không gian hẹp, không đáp ứng đủ chỗ ngồi.

Trong khi đó, đặc thù của các chi bộ dân phố là đảng viên cao tuổi chiếm đa số, nhiều lúc đau yếu bệnh tật, không tham gia sinh hoạt đều. Đảng viên trẻ mới về hưu ngại tham gia cấp ủy chi bộ và các công tác tại khu dân cư… Bên cạnh đó, một số Bí thư kiêm nhiệm Tổ trưởng dân phố chưa thực hiện tốt cả 2 vai do công việc có phần “nặng” và khác nhau.

Để khắc phục khó khăn, tạm thời các phường đang cố gắng sắp xếp các tổ dân phố liền kề sử dụng chung nhà văn hóa hoặc các nhà sinh hoạt cộng đồng để giải quyết vấn đề địa điểm nơi sinh hoạt chi bộ.

Đối với công tác chuyên môn, quận Đống Đa thường xuyên mở các lớp tập huấn (nghiệp vụ công tác đảng viên; công tác kiểm tra, giám sát, công tác văn phòng cấp ủy) nhằm trang bị những kỹ năng cơ bản cho chi bộ.

Đặc biệt, Đảng bộ quận luôn xác định công tác kết nạp đảng viên, đặc biệt là đảng viên trẻ là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng. Các cơ quan chuyên môn luôn tạo điều kiện, hướng dẫn tận tình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn để quần chúng ưu tú trong chi bộ dân phố được kết nạp Đảng. Đây chính là nguồn cán bộ của tổ dân phố cũng như cấp ủy chi bộ…

Bác Hồ từng căn dặn “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt” để nói lên tầm quan trọng của người đảng viên trong công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, thiết nghĩ muốn chi bộ dân phố phát triển tốt, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ từ phía cấp ủy, chính quyền các cấp. Và điều quan trọng nhất chính là việc quan tâm, củng cố chính đội ngũ cán bộ ở cấp cơ sở.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này