Vững tin vượt sóng cả giữ yên bình cho Thủ đô

11:27 | 13/08/2021
(LĐTĐ) Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, sự chỉ đạo sát sao, khoa học của chính quyền thành phố Hà Nội, với phương châm "chống dịch như chống giặc", cùng với lực lượng chức năng của toàn hệ thống chính trị, đội ngũ Y tế Thủ đô thực sự là "binh chủng" chủ đạo trong trận chiến với đại đại dịch Covid-19 để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân và sự an toàn của Thành phố.
Đồng hành vượt khó cùng đoàn viên, người lao động Mỗi thôn, xóm là một “pháo đài” chống dịch Nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng

Kỳ 1: Ở nơi đầu sóng, ngọn gió

Trên khắp các mặt trận từ điều tra dịch tễ lấy mẫu xét nghiệm, xét nghiệm, thu dung và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, với tinh thần không ngại khó khăn gian khổ đội ngũ y, bác sĩ Thủ đô luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ theo mệnh lệnh từ trái tim. Dù ở bất cứ mặt trận nào, họ sẽ luôn có mặt ở đó, đóng vai trò như bộ ba áo Blouse trắng, che chắn trước mọi làn sóng dịch Covid-19.

Từ hiểm nguy của y, bác sĩ "đánh giáp lá cà"...

Nếu như một số ngành nghề khác, khi có dịch bệnh nguy hiểm như Covid-19, họ được khuyến cáo tránh xa những nơi có nguy cơ cao lây bệnh, nhưng với nhân viên y tế, họ phải lao vào “tâm dịch”, phải trực tiếp chăm sóc và cứu chữa cho người bệnh. Biết là hiểm nguy, thậm chí có thể phải đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình, nhưng vì nhiệm vụ họ sẵn sàng đương đầu với dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Họ giống như chiến sĩ trong thời chiến, đã xung trận là giáp mặt với kẻ thù. Với họ hai chữ Tổ quốc, nhân dân mới là quan trọng và thiêng liêng nhất.

Vững tin vượt sóng cả giữ yên bình cho Thủ đô
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19

Các nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (một trong bốn bệnh viện được Sở Y tế Hà Nội) giao nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 là ví dụ điển hình. Theo bác sĩ Lê Mạnh Trường (Khu đơn nguyên điều trị bệnh nhân Covid-19 của bệnh viện), từ đầu đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 400 bệnh nhân mắc Covid-19. Số bệnh nhân cao nhất có thời điểm là 160 người với tất cả giai đoạn bệnh.Từ không có triệu chứng đến nhóm bệnh nhân có triệu chứng nặng và nguy kịch.

Trong quá trình điều trị, các y, bác sĩ Bệnh viện đã cấp cứu thành công nhiều ca mắc Covid-19 nặng, khi mà sự sống của bệnh nhân mong manh giữa lằn ranh của sự sống và cái chết. Điển hình, các y, bác sĩ của Bệnh viện đã cấp cứu và điều trị thành công bệnh nhân Đ.Q.T mắc Covid-19 phải thở máy vô cùng nguy kịch. Theo các bác sĩ, nam bệnh nhân T, 52 tuổi, được phát hiện dương tính và chuyển tới điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang ngày 27/5.

Ban đầu bệnh nhân ho, không sốt, không khó thở, tuy nhiên đến ngày 2/6 tình trạng bệnh tiến triển nặng. Bệnh nhân sốt cao, tức ngực. Mặc dù được các bác sĩ chỉ định thở oxy mask 10 lít/ phút, điều trị bằng kháng sinh và thuốc phòng, chống huyết khối nhưng tình trạng suy hô hấp vẫn không cải thiện… Bệnh nhân được chẩn đoán ở mức độ nguy kịch. Sau khi hội chẩn, Tiểu ban điều trị Covid-19 của Bệnh viện chỉ định điều trị lọc máu liên tục cho bệnh nhân, đồng thời cho thở máy oxy dòng cao HFNC, máy không xâm nhập. Sau 4 ngày chăm sóc toàn diện và điều trị tích cực, tình trạng bệnh đã dần ổn định.

Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân T, bác sĩ Đỗ Anh Sơn (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết: Do không có người thân bên cạnh nên trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân T luôn được nhân viên y tế động viên tinh thần và hỗ trợ thực hiện cả sinh hoạt cá nhân.

“Khó khăn lớn nhất khi điều trị cho bệnh nhân Đ.Q.T là các bác sĩ vừa phải theo dõi toàn trạng bệnh nhân T, đặc biệt là quá trình lọc máu mười mấy tiếng liên tục vừa phải chăm sóc các bệnh nhân khác. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít và bức bí, mỗi ca trực của chúng tôi chỉ kéo dài được từ 3-4 tiếng đồng hồ. Bởi vậy, các y, bác sĩ phải thay nhau để theo dõi bệnh nhân. May mắn, trời không phụ lòng người, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi trong điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo, chức năng hô hấp được cải thiện… Thấy bệnh nhân hồi phục từng ngày, chúng tôi cảm thấy mọi cố gắng của mình được đền đáp” - bác sĩ Sơn xúc động chia sẻ.

Công việc điều trị, trực cấp cứu vốn đã vất vả, áp lực từ trước, tuy nhiên trong đợt dịch này, các y, bác sĩ nơi đây còn phải đảm nhận thêm việc chăm sóc bệnh nhân thay cho người nhà của họ. Theo bác sĩ Lê Mạnh Trường, trong đại dịch Covid-19, ai mắc bệnh cũng thương, tuy nhiên với các cháu nhỏ càng thương gấp nhiều lần. Trong quá trình điều trị vừa qua, bác sĩ Trường có tiếp nhận 1 gia đình gồm hai ông bà là F1, 2 cháu nhỏ chỉ 2 và 3 tuổi là F0, trong khi bố mẹ vẫn mắc kẹt tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nhớ lại quãng thời gian điều trị, bác sĩ Trường cho hay: Lúc mới vào viện, cả hai ông bà đều không có triệu chứng, nhưng sau khoảng 1 tuần hai người đều có biểu hiện sốt, ho và kết quả PCR dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Sau đó cả hai người đều diễn biến nặng hơn, phải nằm phòng cấp cứu thở máy HFNC, rồi phải lọc máu. Vì 2 ông bà đều diễn biến nặng như vậy nên việc chăm sóc cho 2 cháu nhỏ đều cần đến sự giúp đỡ của các bác sĩ và bệnh nhân khác cùng phòng.

Vững tin vượt sóng cả giữ yên bình cho Thủ đô
Theo bác sĩ Lê Mạnh Trường, "chỉ cần người bệnh còn tin tưởng, chúng tôi sẽ còn chiến đấu vì họ”

“Nhìn hai cháu nhỏ cũng trạc tuổi con mình, thực sự những người làm bác sĩ như chúng tôi không khỏi động lòng thương xót. Bởi vậy, song song với việc áp dụng những phương pháp điều trị tốt nhất, chúng tôi còn cố gắng động viên 2 ông bà vượt qua bệnh tật, mau khỏe để chăm sóc 2 cháu. Ngày ông bà đoàn tụ với các cháu của mình, đó không chỉ là niềm vui của gia đình bệnh nhân mà còn là niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với những nhân viên y tế như chúng tôi” - bác sĩ Trường tâm sự.

Khi được hỏi, các anh có sợ không khi hàng ngày, hàng giờ phải đối diện với những nguy cơ tiềm ẩn vì dịch có thể lây lan sang đội ngũ y, bác sĩ bất cứ lúc nào? Bác sĩ Trường và một số đồng nghiệp trả lời rằng: Bảo không sợ là dối lòng, nhưng đã xác định đặc thù nghề Y là vậy, nên cũng bấm bụng coi như mình đang làm nhiệm vụ. Nhiệm vụ cứu người! "Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc ta, các anh hùng, chiến sĩ đâu tiếc máu xương của mình để bảo vệ giang sơn, gấm vóc. Chúng tôi là các y, bác sĩ đúng là thời gian xảy ra đại dịch vất vả thật, nhưng so với xương máu bậc cha anh đi trước có thấm gì đâu. Hạnh phúc nhất đối với chúng tôi là cứu chữa được người dân", một bác sĩ nói.

Còn bác sĩ Trường thì cho rằng, là bác sĩ, khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, chúng tôi có sứ mệnh riêng được gửi gắm dù có khó khăn thế nào. Những ngày làm việc gần như 24/24h đương nhiên sẽ khiến chúng tôi mệt mỏi nhưng không thể gục ngã hay chùn bước. Chỉ cần người bệnh còn tin tưởng, chúng tôi sẽ còn chiến đấu vì họ.

Câu chuyện của bác sĩ Trường mà một số y, bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang không mang tính chất cá nhân mà họ chính là hiện thân của đội ngũ y, bác sĩ tuyến "giáp lá cà" chiến đấu với virus SARS- CoV-2 để bảo vệ tính mạng cho người bệnh. Công việc của họ vô cùng vất vả, rất đỗi hiểm nguy, song họ không kêu ca vẫn âm thầm như những chú ong thợ "xây tổ ấm" sức khỏe cho nhân dân.

... Đến sự lặng thầm của những chiến binh không mặc áo blouse trắng

Song hành cùng các y, bác sĩ trên tuyến đầu điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 là những nhân viên y tế dự phòng chuyên điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, xét nghiệm nhằm khoanh vùng, dập dịch hiệu quả. Dù không trực tiếp tham gia khám chữa, cấp cứu bệnh nhân nhưng các cán bộ, nhân viên y tế dự phòng luôn là những người đi đầu trong “trận chiến”, xông pha vào các vùng tâm điểm để thực hiện nhiệm vụ cao cả.

Vững tin vượt sóng cả giữ yên bình cho Thủ đô
Anh Ngô Hùng Sơn - Khoa Kiểm soát dịch, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người dân

Nhân viên y tế dự phòng dù là trong phòng xét nghiệm hay xuống vùng dịch tễ, họ thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. Nhưng họ chẳng còn thời gian mà quan tâm đến những chuyện đó, chỉ biết cuốn mình theo công việc, nhiều hôm xuyên đêm lấy mẫu “săn vi rút” cho kịp thời gian giao về Trung tâm. Mặc mồ hôi thấm ướt, họ vẫn thực hiện tất cả quy trình rất nhanh chóng, nhưng vẫn đảm bảo tỉ mẩn, nghiêm ngặt, độ chính xác đến tối đa.

Chia sẻ về công việc của mình, anh Ngô Hùng Sơn (Khoa Kiểm soát dịch, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Bắt đầu từ ngày 5/7, khi dịch ở thành phố Hồ Chí Minh bùng phát là những nhân viên y tế dự phòng lại bắt đầu chuỗi ngày lấy mẫu xét nghiệm cho những người về từ vùng dịch. Riêng tôi, cứ triền miên từ ngày 5/7 đến nay, việc điều tra, truy vết, lấy mẫu rất nhiều. Nhiều đến nỗi, thời điểm hiện tại tôi cũng không thể nhớ được chính xác đã lấy bao nhiêu mẫu, chỉ chắc rằng số mẫu lấy cũng tầm 4 con số rồi”.

Mặc dù triền miên lấy xét nghiệm suốt từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, nhưng khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, anh Sơn không khỏi hoang mang vì biến thể của vi rút lại lây lan nhanh, tốc độ mạnh tới như vậy. Theo lời anh Sơn chia sẻ, trong suốt quá trình làm việc vừa qua, có quá nhiều ổ dịch kinh khủng. Đơn cử, từ ổ dịch xét nghiệm ra 5 F0 ở Nguyễn Du, chung cư Hòa Bình Green có cả đối tượng là F3 chuyển thành F0, sàng lọc tuyến phố Tô Hiến Thành hơn 20 hộ gia đình phát hiện 4 F0… Gần đây nhất, ngày 1/8, sau khi lấy mẫu sàng lọc chiều tối ngày 30/7 cho 25 người Công ty thực phẩm Thanh Nga đã cho ra kết quả 21 người dương tính…

Không chỉ mình anh Sơn mà lực lượng cán bộ, nhân viên y tế còn lại cũng trải qua nhiều đêm dài không ngủ, miệt mài, thầm lặng chiến đấu với SARS-CoV-2. Hình ảnh những nhân viên y tế tranh thủ chợp mắt trên xe cứu thương, tại khu xét nghiệm trong bộ đồ bảo hộ lỉnh kỉnh, bức bí sau nhiều giờ làm việc liên tục khiến nhiều người không khỏi xót xa và cay sống mũi, vì thương.

Với số lượng ca xét nghiệm sàng lọc lớn, áp lực công việc càng đè nặng lên cán bộ, nhân viên thực hiện xét nghiệm tại các đơn vị. Đơn cử tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trung bình mỗi ngày sẽ phải xét nghiệm cho gần 6.000 mẫu từ các quận, huyện, cao điểm lên tới 10.000 mẫu, vì thế công việc của các nhân viên y tế tại đây chưa bao giờ được phép dừng nghỉ.

Vững tin vượt sóng cả giữ yên bình cho Thủ đô
Nhân viên y tế xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội

Bởi vậy, tại phòng xét nghiệm của Trung tâm, đèn điện luôn được bật 24/24, nhân viên y tế làm việc xuyên đêm, họ chỉ mong tất cả mẫu xét nghiệm tại đây đều âm tính. Nhưng không, trong những ngày qua, vẫn ghi nhận nhiều mẫu dương tính, thầm hiểu cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn, sẽ còn những đêm dài mất ngủ...

"Trong lúc cao điểm dịch như hiện nay thì lượng mẫu xét nghiệm luôn luôn được tiếp nhận, công việc cứ thế kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Chúng tôi phải thay nhau ra ăn tạm bữa trưa, bữa tối để tiếp tục công việc, cùng lắm được nghỉ 30 phút. Khi hết một ca là mệt mỏi rã rời, không còn sức để thở nữa, chân tay đau nhức và ê ẩm cả người" - chị Phạm Thị Tố Uyên (nhân viên Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội) cho biết.

Suốt thời gian qua, các lực lượng từ y tế dự phòng, các y, bác sĩ trong khu điều trị gần như không một phút nghỉ ngơi. Nếu được một lần tận mắt chứng kiến hình ảnh các nhân viên y tế thức trắng đêm để điều tra dịch tễ, làm xét nghiệm hay cấp cứu bệnh nhân, người ướt đẫm mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ, ngất xỉu vì làm việc quá mệt… có lẽ chúng ta mới có thể thấu cảm được những cố gắng, hy sinh của họ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đầy cam co này.

Có thể nói, những khó khăn, vất vả và sự cống hiến, hy sinh của hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế đang ngày đêm làm nhiệm vụ thật khó để diễn tả hết bằng lời. Nhưng, vượt trên tất cả - như lời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long từng gửi gắm trong bức thư gửi các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Y tế: "Hơn ai hết, mỗi nhân viên y tế luôn ý thức được trách nhiệm, nhiệm vụ cao cả của mình trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh... Mỗi cá nhân, tập thể trong ngành Y tế tiếp tục chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19, bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và ổn định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Minh Khuê

Kỳ 2: "Khoá chặt" đường lây của Covid

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này