Doanh nghiệp với “bài toán kép”

09:12 | 12/08/2021
(LĐTĐ) Vừa phải đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, vừa phải tích cực phòng, chống Covid-19 để dịch bệnh không tấn công vào doanh nghiệp là một trong những “bài toán” khó nhất mà doanh nghiệp đang phải đối diện và tìm lời giải hiện nay.
Duy trì mục tiêu kép với “Vùng xanh doanh nghiệp” Bộ Công Thương đề nghị giảm phí lưu container, lưu kho cho doanh nghiệp

Thúc đẩy tiêm vắc xin gắn với chiến lược phục hồi

Một trong những khó khăn được các doanh nghiệp, các chuyên gia y tế, kinh tế nhắc đến nhiều nhất tại Tọa đàm “Giải pháp cấp bách và lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng” là vấn đề tiếp cận vắc xin. Hiện tại, ở nhiều doanh nghiệp mới chỉ có một bộ phận nhỏ người lao động được tiêm vắc xin hoặc thậm chí có nơi toàn bộ người lao động chưa được tiêm.

Doanh nghiệp với “bài toán kép”
Tiêm vắc-xin cần gắn với chiến lược phục hồi sản xuất kinh doanh

Ông Trần Anh Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao cho biết, chiến lược tiêm vắc xin đã gắn với chiến lược phục hồi và duy trì sản xuất ở nhiều quốc gia trên thế giới. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, dẫn đến kinh tế phục hồi không bền vững và không đồng đều giữa các nước. Các chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các biện pháp phong tỏa giãn cách gây khó khăn cho vận tải và gần đây là khó khăn trong các tuyến vận tải biển vốn chiếm 90% lưu lượng vận chuyển hàng hóa quốc tế.

“Một số dự báo cho rằng, có thể cuối năm 2022 thế giới sẽ kiểm soát được dịch bệnh, tuy nhiên chúng ta không loại trừ kịch bản kém lạc quan hơn. Trong bối cảnh này thì chúng ta thấy rằng việc đẩy mạnh triển khai các chiến dịch tiêm chủng là rất quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đến nay có khoảng 40% dân số ở các nước phát triển đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nhiều gấp đôi con số ở các nước đang phát triển. Chiến lược vắc xin góp phần quan trọng thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam”, ông Trần Anh Vũ cho biết.

Đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc xin tiến tới miễn dịch cộng đồng là giải pháp bền vững để phục hồi và phát phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận với vắc xin.

Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với tình hình hiện tại, vắc xin là giải pháp cứu cánh, nhưng có thể phải mất vài tháng nữa mới có thể triển khai rộng rãi. Và kể cả khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng 60-70% dân số, dịch bệnh vẫn có thể kéo dài với những biến thể phức tạp. Do đó, phải xác định đây là cuộc chiến trường kỳ - cuộc chiến về cả y tế và kinh tế, đòi hỏi phải có những giải pháp lâu dài, có tính chiến lược.

“Chúng ta phải xác định tinh thần là cuộc chiến sẽ trường kỳ, không ai có thể đưa ra dự báo lạc quan vào lúc này. Do đó, cả Chính phủ và doanh nghiệp đều phải chuyển trạng thái. Các biện pháp cấp bách không thể kéo dài, mà phải tính phương án từng bước mở cửa nền kinh tế như thế nào, làm sao để doanh nghiệp vừa phòng dịch vừa sản xuất kinh doanh. Việc này cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải sáng tạo để đưa ra các phương thức mới, thích ứng với yêu cầu của giai đoạn hiện nay”, ông Lộc nhận định.

Linh hoạt trong các biện pháp “tại chỗ”

Cùng với giải pháp về đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc xin, các doanh nghiệp cũng nêu lên các vấn đề khó khăn khi áp dụng “3 tại chỗ”. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy và Túi xách cho biết: Trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp cực kỳ bị động, hầu như tất cả đều phải chờ đợi ý kiến chỉ đạo từ địa phương. Phương pháp “3 tại chỗ” có lợi ích khi tình hình dịch bệnh rất căng thẳng và đã có những doanh làm rất tốt, nhưng theo bà Thanh Xuân, nên có lộ trình linh hoạt. Ví dụ như giải pháp “2 tại chỗ” kết hợp với test nhanh và phát triển y tế tại chỗ.

“Mỗi doanh nghiệp cần phải được đào tạo để trở thành CDC của chính mình, ứng phó với tất cả các tình huống khẩn cấp xảy ra. CDC của doanh nghiệp sẽ phối hợp với CDC của địa phương, như vậy nguồn lực sẽ được chia sẻ và được giảm tải rất nhiều, và tính chủ động của doanh nghiệp được nâng lên. Nếu chúng ta “sống chung với dịch” thì việc đào tạo doanh nghiệp để có y tế tại chỗ là cần thiết”, bà Thanh Xuân đề xuất.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho hay, nếu đi theo hướng test nhanh thì doanh nghiệp không thể nào chịu đựng thêm được. Ví dụ doanh nghiệp có 1 nghìn người lao động “3 tại chỗ”, một tuần chi phí khoảng 600 nghìn đồng/người, tức là 600 triệu đồng cho nhà máy với 1 nghìn người ở lại “3 tại chỗ”, đây là chi phí rất lớn. Hiện nay, Tập đoàn Dệt may đã xây dựng được các đơn vị y tế, giống như một trạm kiểm soát. Bệnh viện của Tập đoàn Dệt may cũng đã được Bộ Y tế cho phép, từ cuối tháng 7 đã trở thành điểm tiêm vắc xin. Tập đoàn có đội ngũ đi vận động tiêm vắc xin, điều phối tiêm theo đúng hướng dẫn của ngành y tế. “Trong dài hạn, nếu xác định dịch bệnh không chấm dứt hoàn toàn, nên chăng sau đợtt cấp bách này các hiệp hội nên thống nhất lại trong các hội viên của mình tập trung trở thành một “kênh” có thể đặt hàng, mua vắc xin từ Bộ Y tế để tiêm”, ông Trường kiến nghị.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, dịch tấn công thẳng vào khu vực kinh tế phía Nam - động lực sản xuất chính của đất nước, nơi tạo ra sản lượng hàng hoá rất lớn. 19 tỉnh thành thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, các doanh nghiệp gần như phải dừng sản xuất ngay lập tức. Mặc dù đã có lối mở qua cơ chế "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", tuy nhiên, áp dụng cơ chế này rất khó, đòi hỏi thời gian, chi phí, không phải doanh nghiệp nào cũng triển khai được. Thậm chí, có doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” lại trở thành ổ dịch khiến rất nhiều công nhân ở lại nhà máy trở thành F0, doanh nghiệp lại phải tốn kém chi phí để xử lý.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, dịch tấn công thẳng vào khu vực kinh tế phía Nam - động lực sản xuất chính của đất nước, nơi tạo ra sản lượng hàng hoá rất lớn. 19 tỉnh thành thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, các doanh nghiệp gần như phải dừng sản xuất ngay lập tức. Mặc dù đã có lối mở qua cơ chế "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", tuy nhiên, áp dụng cơ chế này rất khó, đòi hỏi thời gian, chi phí, không phải doanh nghiệp nào cũng triển khai được. Thậm chí, có doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” lại trở thành ổ dịch khiến rất nhiều công nhân ở lại nhà máy trở thành F0, doanh nghiệp lại phải tốn kém chi phí để xử lý.

Các Bộ ngành đã vào cuộc tháo gỡ bằng biện pháp tạo ra “luồng xanh” cho phép mọi hàng hóa được lưu thông, chỉ trừ hàng hóa cấm hoặc hạn chế kinh doanh, thống nhất công nhận giá trị của test nhanh kháng nguyên,... nhưng khâu thực hiện có nhiều vấn đề bất cập.

Đề cập sâu hơn về các mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn trong đại dịch, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần phải đề cao vai trò, tính sáng tạo, tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cũng phải tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các giải pháp đó và nên có những tiêu chuẩn, quy định rõ ràng, minh bạch áp dụng cho cả nước.

“Không thể có chuyện mỗi địa phương thực hiện một kiểu, mỗi địa bàn áp dụng các biện pháp hạn chế khác nhau, quy định hoàn toàn không thống nhất và bất hợp lý. Chỉ áp dụng dập khuôn các biện pháp thì nền kinh tế sẽ không chịu được. Do đó, cần có sự chuyển trạng thái linh hoạt hơn, đề cao vai trò và sự sáng tạo của cơ sở, chấp nhận sự rủi ro. Tất nhiên sinh mệnh người dân là trên hết nhưng cũng không thể coi thường sinh kế”, ông Lộc khẳng định.

Mặt khác, ông Lộc cũng cho rằng giai đoạn khó khăn do đại dịch này cũng là cơ hội tốt để thúc đẩy nhanh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và thể chế nói chung, bởi đây là lúc dễ tiến tới những đồng thuận trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Cải cách thể chế chính là gói hỗ trợ lớn nhất với doanh nghiệp. Nếu làm tốt trong giai đoạn này, đây sẽ là sự chuẩn bị tốt nhất cho sự bứt phá vươn lên sau đại dịch./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này