Cơ quan, công sở càng phải gương mẫu

14:23 | 10/08/2021
(LĐTĐ) Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đặc biệt sau 15 ngày giãn cách xã hội lần thứ nhất, Hà Nội vẫn ghi nhận các ca F0 trong cộng đồng. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch đạt kết quả cao nhất, triệt để nhất, Thành phố quyết định thực hiện giãn cách thêm 15 ngày, kết thúc lúc 6h ngày 23/8.
Hà Nội: Người đi đường chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân kèm theo Giấy đi đường Hà Nội tiếp tục siết chặt quản lý, bảo đảm xác nhận và sử dụng giấy đi đường đúng mục đích, đúng đối tượng Ngày đầu Hà Nội siết chặt quy định về Giấy đi đường: Nhắc nhở để người dân hiểu, nghiêm túc chấp hành
Cơ quan, công sở càng phải gương mẫu
Ảnh minh họa.

Với mục tiêu là đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và tránh cho tình huống xấu nhất khi dịch bệnh âm thầm rồi bùng phát ngoài tầm kiểm soát, sau khi phân tích và xin ý kiến các chuyên gia, được sự đồng ý của Thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định thực hiện giãn cách theo tinh thần Chị thị 16 của Thủ tướng đến ngày 23/8.

Bảo vệ thành quả chống dịch, để Chị thị 17 của Thành phố được triển khai nghiêm túc, tại lần giãn cách xã hội lần thứ 2 này, Thành phố cũng đã kịp thời ban hành các quy định về việc được tham gia giao thông đến cơ quan, công sở.

Theo đó, ngoài Giấy phép đi đường do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp, người đi đường phải kèm theo danh sách trực của cơ quan hoặc quyết định phân công trực cơ quan của Thủ trưởng đơn vị (đối với cơ quan, đơn vị, công sở).

Quy định rất rõ như vậy, song trong ngày làm việc đầu tiên (9/8) của lần giãn cách này, điều bất ngờ xảy ra là trên các con đường, tuyến phố của Thủ đô rất đông người, phương tiện tham gia giao thông. Không giống với sự vắng vẻ trong lần thực hiện giãn cách toàn xã hội trên địa bàn Thành phố lần đầu tiên. Những “điểm nóng” về giao thông như Trường Chinh, Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Giải Phóng… người xe nườm nượp.

Lý giải cho việc người dân ra đường đông vào tuần làm việc đầu tiên (9/8) một số người cho rằng có thể là do các cán bộ, nhân viên cơ quan, doanh nghiệp, công sở phải đến cơ quan “xin” giấy xác nhận và quyết định trực. Tuy nhiên, cách giải thích như vậy là hoàn toàn không thuyết phục. Trong thời buổi công nghệ, chỉ cần một bản “ken” gửi qua email là nhân viên đã có trong tay (điện thoại) quyết định trực, bảng phân công trực của cơ quan chứ không phải đến cơ quan nhận.

Còn thiếu sự sát sao của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công sở trong việc thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong việc “cộng đồng” có trách nhiệm phòng, chống đẩy lùi dịch bệnh với Chính phủ và Thành phố.

Những quy định, hướng dẫn về tỷ lệ cán bộ, nhân viên đi làm tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và công sở của các cơ quan Trung ương đã có; quy định về xử phạt cũng đã ban hành.

Thiết nghĩ để tăng tính hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về giãn cách xã hội, các cơ quan có thẩm quyền cần phải quy định trách nhiệm người đứng đầu trong việc để cán bộ, nhân viên đi làm đông.

Đồng thời, chính quyền địa phương như Ủy ban nhân dân phường, công an phường phải thường xuyên đến các đơn vị kiểm tra, nếu phát hiện cơ quan, đơn vị để cán bộ, nhân viên đi làm với số lượng đông cần lập biên bản và báo cấp cao hơn xử lý. Có làm như thế thì việc giãn cách xã hội, tận dụng “thời gian vàng” mới phát uy hiệu quả.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này