Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021)

Kỳ 1: Quyết định mang tầm chiến lược để góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước

12:30 | 08/08/2021
(LĐTĐ) "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với khát vọng về một Tổ quốc độc lập - tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bên cạnh mở các mặt trận, tuyến đường trên bộ, Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy (Quân ủy Trung ương)... đã quyết định mở thêm tuyến đường trên biển mang tên Hồ Chí Minh vào ngày 23/10/1961.
Những con người huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển: Bản hùng ca bất diệt Vinamilk trồng 10.520 cây xanh tại di tích đường Hồ Chí Minh trên biển

Đánh dấu bước ngoặt lịch sử

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”, đơn vị tiền thân của Đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ xây dựng tuyến chi viện chiến lược trên bộ và trên biển cho miền Nam.

Đến tháng 7/1959, Tiểu đoàn 603 trực thuộc Đoàn 559 chính thức ra đời, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Để giữ bí mật, Tiểu đoàn lấy tên là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Cuối năm 1959, Tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến thuyền vượt biển đầu tiên vào chiến trường Khu V.

Kỳ 1:  Quyết định mang tầm chiến lược để góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước
Đường Hồ Chí Minh trên biển - đúng như tên gọi của nó - là con đường biển được chúng ta sử dụng để chi viện cho miền Nam, mang theo khát vọng thống nhất đất nước. (Ảnh tư liệu)

Đáng chú ý, giai đoạn từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa đã cử 5 thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí, dẫn đường cho các tàu tiếp tế giả dạng tàu đánh cá từ Bắc vào Nam. Những chuyến thuyền vận chuyển thành công là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam.

Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải thủy. Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Đảng, Quân ủy Trung ương và quân đội ta, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển. Từ đây, con đường vận chuyển trên biển nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam ra đời, với tên gọi: Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển trở thành biểu tượng vinh quang của cả dân tộc, là hiện thân của ý chí và khát vọng đấu tranh thống nhất nước nhà.

Mang khát vọng thống nhất

Sự phát triển Đường Hồ Chí Minh trên biển có thể thấy rõ qua 4 giai đoạn chính. Cụ thể, giai đoạn 1962 – 1965, toát lên sự táo bạo, bí mật, bất ngờ vận chuyển chi viện chiến trường, góp phần đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Giai đoạn này có một sự kiện đáng chú ý là, trung tuần tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển”. Từ đây, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn vận chuyển mới, nhận bàn giao 4 tàu gỗ từ Xưởng đóng tàu I (Hải Phòng) và tiếp nhận bổ sung cán bộ. Để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển, tên gọi “Đoàn tàu không số” được ra đời.

Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên tàu cùng 11 thủy thủ đã rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng); ngày 16/10, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc đã được chuyển đến chiến trường miền Nam an toàn.

Sau thắng lợi chuyến đi đầu tiên, 3 chuyến tiếp theo lần lượt vào Nam. Trong hai tháng, 4 chuyến tàu của Đoàn 759 đã vận chuyển được 111 tấn vũ khí cho Khu 9 an toàn. Đây là một thắng lợi lớn, góp phần củng cố niềm tin và quyết tâm của quân dân miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Kỳ 1:  Quyết định mang tầm chiến lược để góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước
Nhìn từ lịch sử, ngẫm về hiện tại có thể thấy việc quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam. (Ảnh: Giang Nam)

Giai đoạn 1965 – 1972, có thể nói là quãng thời gian vượt qua thử thách ác liệt, khắc phục khó khăn, tiếp tục vận chuyển chi viện cho chiến trường, góp phần đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Ở giai đoạn này, trong điều kiện yếu tố bí mật, bất ngờ của tuyến đường biển không còn và bị địch kiềm toả gắt gao, công tác chuẩn bị cho chuyến mở đường được tiến hành khẩn trương, chặt chẽ, chu đáo.

Đáng chú ý, trước thất bại trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc và tổn thất nặng nề trên chiến trường miền Nam, ngày 31/3/1968, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Theo chỉ thị của Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đoàn 125 tham gia “Chiến dịch Vận chuyển VT5” (vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ Hải Phòng vào Sông Gianh - Quảng Bình) và từ đây sẽ được các lực lượng vận chuyển vào chiến trường miền Nam bằng đường bộ.

Với phương châm chỉ đạo: “Chuẩn bị chu đáo, tranh thủ thời cơ, làm nhanh, gọn, liên tục, an toàn, đi gần bờ, dựa vào dân”, từ ngày 03/11/1968 đến ngày 29/01/1969, vượt qua hàng rào phong tỏa dày đặc thủy lôi và bom từ trường của Mỹ, Đoàn 125 đã huy động 364 lượt tàu, vận chuyển 21.737 tấn hàng, đạt 217,37% kế hoạch.

Tháng 2/1969, Đoàn 125 tiếp tục “Chiến dịch Vận chuyển VT5”, với 187 chuyến tàu, vận chuyển 10.889 tấn hàng hóa, vượt chỉ tiêu 1.000 tấn, góp phần chi viện cho chiến trường, đặc biệt là chiến trường Thừa Thiên - Huế và Mặt trận Khu 5.

Giai đoạn 1973 – 1975, có thể nói Đường Hồ Chí Minh trên biển là nhận tố tích cực, góp phần quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cụ thể, cuối năm 1974, tình hình chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ có lợi cho ta, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Đoàn 125 vận chuyển vũ khí và bộ đội vào sâu hơn nữa, sát hơn nữa nơi ta mở chiến dịch. Đoàn 125 đã huy động toàn bộ lực lượng thực hiện đợt vận chuyển binh lực đột kích chủ yếu vào chiến trường (mật danh T5) và vận chuyển phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với tinh thần “Thần tốc, táo bạo chở người và vũ khí vào mặt trận”.

Trong tháng 3 - 4/1975, Đoàn đã vận chuyển 17.473 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị chủ lực vào chiến trường; 40 xe tăng và 7.886 tấn vũ khí, nhiên liệu... góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 4/4/1975, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Quân chủng Hải quân khẩn trương chuẩn bị lực lượng để giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đoàn 125 nhanh chóng thành lập một biên đội gồm 3 tàu: Tàu 673, 674, 675, hành quân từ Hải Phòng vào Đà Nẵng chở Đoàn 126 Bộ đội Đặc công Hải quân và một bộ phận của Tiểu đoàn 471 Đặc công Quân khu 5 ra giải phóng đảo.

Từ ngày 14-29/4/1975, các lực lượng của ta đã nhanh chóng giải phóng và tiếp quản các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa lớn. Tiếp đó, Đoàn 125 tham gia giải phóng một số đảo ở miền Trung và vùng biển Tây Nam.

Qua các giai đoạn lịch sử, có thể thấy sự ra đời của Đường Hồ Chí Minh trên biển là một huyền thoại, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy sáng tạo của Đảng ta; đồng thời, khẳng định ý chí sắt đá không kẻ thù nào có thể chia cắt hai miền Nam - Bắc. Hơn hết, qua đây cũng cho thấy sự đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” và nhân dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Cho thấy sự mưu trí, sáng tạo, quyết đoán, ý chí quật cường, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao của lực lượng vận tải quân sự đường biển.

(Còn nữa)

Giang Nam (Bài viết có sử dụng tư liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này