Nhân lên nét đẹp văn hóa ứng xử từ gia đình đến xã hội

20:47 | 05/08/2021
(LĐTĐ) Những năm gần đây, với tác động mạnh mẽ từ hệ lụy của tiến trình đô thị hóa cùng xung đột văn hóa của kinh tế thị trường thời hội nhập, văn hóa ứng xử nói riêng, văn hóa người Hà Nội nói chung đang có phần “rung lắc” dữ dội. Để giữ gìn các nét đẹp, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã rất nỗ lực trong việc gìn giữ, xây dựng nền văn hóa Tràng An đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, việc nhân lên những nét đẹp văn hóa ứng xử từ gia đình đến xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu.
“Điểm sáng” về truyền thông phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện tại huyện Yên Thành, Nghệ An Liên đoàn Lao động huyện Thường Tín: Biểu dương 89 gia đình công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu

Bài 1: Văn hóa và thái độ ứng xử

Trong cuộc sống hàng ngày, giao tiếp và ứng xử thể hiện “phông” văn hoá của người đó cho dù chỉ là hành vi nhỏ nhất, một câu nói hay một thái độ trước một sự việc nhất định. Thời gian qua, khi mà văn hóa và thái độ ứng xử của nhiều người chưa tốt đang là vấn đề được đưa ra bàn luận thì ngay tại Hà Nội vẫn có những người đang thầm lặng góp nhặt cho đời giá trị tốt đẹp, sự tử tế, lan tỏa giá trị nhân văn to lớn đến cộng đồng.

Từ câu chuyện ứng xử của “người hùng”

Đầu năm 2021, anh Nguyễn Ngọc Mạnh (thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) làm nghề lái xe tải chở hàng bỗng chốc được cả nước biết đến và xem như “người hùng” vì đã dũng cảm đỡ bé 3 tuổi bị rơi từ tầng 12 của một chung cư tại Hà Nội. Hành động này của anh Mạnh đã nhận được sự khen ngợi, động viên, khích lệ kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành Trung ương, địa phương và các tổ chức, đoàn thể xã hội…

Chỉ sau một đêm xảy ra sự việc, anh Mạnh được hàng triệu lượt tìm kiếm, theo dõi trên mạng xã hội. Bỗng chốc “nổi tiếng” và được nhiều người biết đến, thế nhưng những việc làm và hành động tử tế của anh sau đó khiến mọi người lại càng nể phục hơn. Bởi ngay cả khi truyền thông rầm rộ tìm đến anh, anh khiêm tốn không nhận tất cả những mỹ từ mà cộng đồng mạng dành cho. Rồi cũng có bao nhiêu người gửi quà, cho tiền, anh cảm ơn và lịch sự từ chối không nhận. Anh nhờ các mạnh thường quân gửi đến cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Nhân lên nét đẹp văn hóa ứng xử từ gia đình đến xã hội
"Bỗng dưng" nổi tiếng sau một đêm, thế nhưng anh Nguyễn Ngọc Mạnh có cách ứng xử được mọi người nhận xét là tử tế.

“Tôi chỉ muốn kiếm sống bằng đôi tay, nhận đồng tiền xứng đáng với công sức của mình bỏ ra. Ai cũng vất vả, cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có tiền, ai cũng có gia đình để nuôi. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng bất cứ ai là người cha, ở trong hoàn cảnh của mình lúc đó cũng sẽ hành động như vậy”, anh Mạnh bộc bạch.

Không chỉ dũng cảm cứu bé gái rơi từ tầng cao, anh Mạnh còn được biết đến với nhiều việc tốt khác. Cuối năm 2020, trong khi đi trả hàng, anh đã nhặt được số tiền trị giá 1,7 triệu đồng của ai đó đánh rơi. Sau nhiều ngày tìm kiếm người bị mất không được, anh Mạnh đã chuyển số tiền này vào quỹ từ thiện. Trong một lần khác, khi lái xe chở hàng đi Ninh Bình tình cờ gặp một vụ tai nạn giao thông, anh đã dừng xe và tích cực sơ cứu bước đầu và cùng mọi người bảo quản tài sản cho người bị nạn khi chờ người nhà và cơ quan chức năng đến tiếp nhận. Ngoài giờ đi làm, anh Mạnh còn cắt tóc miễn phí cho nhiều người khó khăn…

Trong mắt của nhiều người, anh Mạnh giờ đây là một “siêu nhân giữa đời thường”. Thế nhưng anh Mạnh cho rằng mình chỉ một người bình thường và cũng đang làm những việc hết sức mình thường. Theo anh Mạnh môi trường sống, gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của một đứa trẻ. “Những việc mình làm con cái sẽ nhìn thấy và học theo. Do vậy, tôi muốn các con mình tự cảm nhận cuộc sống bằng đôi mắt và trái tim của mình. Việc tôi làm được duy nhất là dành thời gian chơi cùng con, xem con như bạn bè để không áp chế và gây sợ hãi cho con”, anh Mạnh chia sẻ.

Nhân lên nét đẹp văn hóa ứng xử từ gia đình đến xã hội
Tổ ấm hạnh phúc của gia đình anh Nguyễn Ngọc Mạnh

Câu chuyện của anh Nguyễn Ngọc Mạnh chỉ là một trong số ít những câu chuyện cho thấy cách ứng xử tử tế, văn minh của người Hà Nội. Trong cuộc sống thường ngày, có một hiện tượng thường thấy là một lượng không nhỏ công chúng hay bị cuốn theo những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội rồi theo dõi miệt mài, tích cực chia sẻ và bình luận. Còn nhiều điều tử tế lại ít được công chúng thông tin, ít được dõi theo, ít được bàn luận và chia sẻ.

Tuy nhiên, trên thực tế, những điều tốt đẹp vẫn âm thầm quanh ta. Dù là mảnh đất trăm miền hội tụ, nhưng cùng với quá trình phát triển của Thủ đô, văn hóa, cốt cách con người Hà Nội vừa mang những nét chung của văn hóa, con người Việt Nam, vẫn có những nét đặc sắc riêng.

Đến chuyện đồng lòng chống dịch

Người Hà Nội thanh lịch, hào hoa, đồng thời rất đoàn kết, trọng nghĩa, trọng tình. Thường ngày, nhiều nét đẹp này bị ẩn đi. Thế nhưng, trong gần 2 năm qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, câu chuyện người dân Hà Nội đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, nỗ lực phòng, chống dịch bệnh một lần nữa chứng minh: Khó khăn, thử thách càng lớn, thì phẩm cách người Hà Nội càng tỏa sáng. Những nét đẹp ứng xử của người Hà Nội đã được phát huy, thể hiện qua ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật; nền nếp xếp hàng, thói quen đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn, gìn giữ vệ sinh môi trường...

Đặc biệt, trong những ngày Hà Nội có dịch thì “chất Hà Nội” càng được thể hiện rõ nét. Cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và người dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch, không ai đứng ngoài cuộc. Đặc biệt, các lực lượng tuyến đầu với vai trò nòng cốt trên các “mặt trận” đã có đóng góp rất lớn. Trong thời gian rất ngắn, hàng vạn cán bộ chiến sĩ công an, quận đội, y bác sĩ, điều dưỡng; lực lượng dân quân tự vệ; đoàn viên, hội viên cựu chiến binh, các tình nguyện viên; các cán bộ chi bộ, tổ dân phố, thôn, xóm tham gia các tổ Covid cộng đồng... đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ vận hành nhuần nhuyễn hệ thống phòng, chống dịch quy mô lớn bất kể ngày đêm, tình hình thời tiết.

Mỗi khi nói đến tính cách, đến văn hóa người Hà Nội, người ta thường hay nhìn về quá khứ, người ta hay trăn trở khi thấy nhiều nét đẹp nhạt phai. Nhưng hàng nghìn bác sĩ, chiến sĩ và rất nhiều người khác ở “trận chiến” chống dịch Covid-19, khiến chúng ta gặp lại hình ảnh người Hà Nội trong những năm tháng hào hùng thuở trước. Những nét đẹp bị ẩn đi trong cuộc sống bề bộn thường ngày, chứ chưa bao giờ mất đi. Và câu chuyện góp sức chống dịch của những người dân, hàng nghìn suất cơm miễn phí cho người nghèo, đến hàng trăm đơn vị máu cứu người giữa mùa dịch… chính là hiện thân của những giá trị tốt đẹp ở Hà Nội.

Nhân lên nét đẹp văn hóa ứng xử từ gia đình đến xã hội
Câu chuyện góp sức chống dịch chính là hiện thân của những giá trị tốt đẹp ở Hà Nội

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Đình Đức là người nhiều năm gắn bó với văn hóa Hà Nội, ông cho rằng, dịch bệnh chính là dịp để “kiểm chứng” lòng người, “kiểm chứng” quá trình xây dựng văn hóa. Nói đến văn hóa là nói đến sự tự giác, rèn luyện để hình thành những phẩm chất, những thói quen tốt đẹp. Sự tử tế, sự văn hóa, thái độ quyết liệt trong việc thực hiện các biện pháp chống dịch đã cho thấy hết sự tử tế cũng như vẻ đẹp con người Hà Nội.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng, để giữ gìn văn hóa của người Hà Nội, quan trọng nhất chính là ý thức con người, đấy mới là gốc rễ. Thành phố cần tiếp tục tuyên truyền, vận động mạnh mẽ. Đồng thời, tăng cường giáo dục từ trong nhà trường để phát huy những nét đẹp của văn hóa Việt Nam, văn hóa Hà Nội. Đó là lòng nhân ái, sự nhân hậu, tinh thần đoàn kết cộng đồng và những nét ứng xử đẹp khác. Có thể coi đấy là một “thương hiệu” của Thành phố, của quốc gia”, Tiến sĩ Hà Đình Đức nhận định.

Lương Hằng - Kim Tiến

(Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này