Chất “thiền” trong thơ Nguyễn Văn Long

18:03 | 01/08/2021
(LĐTĐ) Vốn là sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội, ra trường nhân duyên lại theo đuổi con đường doanh nhân, võ sư và hiện tại là cán bộ quản trị truyền thông của một trường đại học danh tiếng (Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Truyền thông của Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội), nhưng Nguyễn Văn Long ((Nguyễn Công Giáp) vẫn yêu thích thơ văn.
Đẹp hơn cả thơ văn

Khác với lối thơ thiên về tình yêu hay tả chân, thơ Nguyễn Văn Long lại thiên về triết lý, nhân sinh, hướng đạo. Làm thơ khá nhiều, song anh ít in thành sách. Năm 2020, được bạn bè động viên, anh đã xuất bản đầu tay tập thơ “Huyền âm mộng nguyện”, gồm 108 bài.

Chất “thiền” trong thơ Nguyễn Văn Long
Nguyễn Văn Long, tác giả tập thơ (Phía phải)

Thơ của Long chủ yếu theo dòng lục bát, âm điệu gần gũi, mỗi khổ thơ sâu thẳm tính giáo dục, nhân văn, hướng thiện, dẫn thiền… Long nói với tôi, làm thơ như hơi thở của cuộc sống, nhẹ nhàng, là cách cân bằng thân tâm, không phải gồng mình trăn trở, ràng buộc về câu kệ, niêm luật…. Đôi khi nhắm mắt một chút rồi “nó” đến, như nguồn mạch tuôn trào rót vào, thế là thành bài thơ tự lúc nào, thậm chí ghi lại không kịp có thể bị đứt mạch…

“Âm linh như nhắc gọi tên/Về miền xưa cũ, động trên ngút ngàn/Bùn đen, lá úa se hàng/Nước trôi thân gỗ, nước tràn đá khe”

Không chỉ mộng mị, liêu trai, thơ của Long khi đưa ta vào miền cổ tích, lúc khơi gợi “phật tính” từ tâm, hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ… hơn tất thảy, thơ của Nguyễn Văn Long da diết với tình sư đạo thày trò, da diết hướng về tổ tiên cội rễ, về dòng họ gia phong, về các mối quan hệ gia đình, nhân quả trong đời sống…

“Lắng hồn nghe nhịp núi song/Chuông ngân reo gió, đàn không kim thiền"

Vạn vật tạo hoá, thiên nhiên vào thơ Nguyễn Văn Long dẫn dắt ta đang rất đời thường du dương lạc vào một “cõi khác”- sắc sắc không không, những bước sóng vô vi:

“Buông đi về núi ngủ ngon/Đưa hồn phấp phới cõi trời bao la… Âm ngàn, độ giới, tu la triệu hầu/Hai tay chắp thỉnh nguyện cầu/Đạo tu tĩnh chói đất trời tam Thiên/Thân nguyên thu tịch, biến Liên”

Có lẽ, phải đủ trải nghiệm, thấm thía với với những hương vị nhân gian mới “cảm’ được chất “thiền” trong thơ của Nguyễn Văn Long mộc mạc mà tinh tế, chậm rãi, khoan thai mà tràn đầy nội lực, như chính cuộc sống giữa bộn bề của tác giả, mà vẫn dành cho mình “một con đường”, một cảnh giới tu đạo, làm thơ.

Xuân Hồng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này