Người lao động Nghệ An: Bứt tốc ngàn cây số rời khỏi tâm dịch

06:59 | 30/07/2021
(LĐTĐ) Vượt trên 1.000km bằng xe mô tô, nhiều công dân Nghệ An đang cố gắng tìm mọi cách về quê để thoát khỏi tâm dịch. Hành trình từ các tỉnh phía Nam về nhà dù khổ cực đến mấy nhưng quê hương vẫn là chốn trú ẩn an toàn nhất đối với họ.
Nghệ An: Cho phép F1 về nhà thăm vợ con, một chủ tịch xã bị tạm đình chỉ công tác Nghệ An cử 60 thầy thuốc lên đường vào Bình Dương dập dịch Nghệ An: Giãn cách xã hội toàn huyện Quỳnh Lưu theo Chỉ thị 15 từ 19 giờ ngày 28/7

Chạy dịch hơn cả chạy giặc

Sau khi lấy số điện thoại từ danh sách khai báo y tế tại chốt kiểm dịch tại cầu Bến Thủy 1 (thành phố Vinh), phóng viên liên lạc với anh Vừ Bá Xử (sinh năm 1997, ở bản Na Ni, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn) để nghe anh kể về chuyến hành hương rời khỏi tâm dịch của mình.

Anh Xử mới vào Bình Dương được 3 tháng để làm công nhân. Anh dự định một mình anh sẽ đi làm trong công ty, còn vợ anh ở phòng trọ chăm sóc con nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Thế nhưng, dự định của anh tan thành khói khi dịch bệnh ập đến. Không có việc làm, không còn cái ăn, anh Xử cùng vợ con phải sống lay lắt nhiều ngày.

Người lao động Nghệ An: Bứt tốc ngàn cây số rời khỏi tâm dịch
Trên tay mỗi người về quê là giấy chứng nhận kết quả test Covid-19 âm tính

Vừa chân ướt, chân ráo vào đến Bình Dương, chưa ổn định công việc thì dịch bệnh lần lượt bùng phát. Không thể kéo dài cuộc sống kiếm cái ăn từng bữa, cộng với nỗi lo sợ dịch Covid-19, gia đình anh quyết định làm một chuyến hồi hương mà có lẽ đời người anh sẽ không bao giờ lặp lại. Anh cùng vợ là chị Cừ Y Nhung và con trai gần 1 tuổi đã chạy xe máy gần 1.500km từ tỉnh Bình Dương về Nghệ An, về lại bản làng mà anh vừa mới tạm biệt để tránh dịch bệnh.

Người lao động Nghệ An: Bứt tốc ngàn cây số rời khỏi tâm dịch
Khai báo y tế tại các chốt kiểm dịch là thủ tục không thể thiếu trên đường hành hương của mỗi người

Ngày 26/7, từ Bình Dương, anh cùng đoàn gần 100 người ở nhiều vùng quê khác nhau hành quân về các vùng quê bằng xe mô tô. Trên chiếc xe máy Sirius, anh chở vợ và con gần 1 tuổi cùng các nhu yếu phẩm cần thiết để đi đường. Đoàn của anh Xử về đến Kỳ Sơn thì còn lại 43 người. Tối ngày 28/7, vợ chồng anh mới về đến Trạm Y tế xã Huồi Tụ để cách ly y tế.

“Dọc đường, gia đình tôi chỉ dừng chân lúc ăn bánh mì và uống nước. Những thứ này lấy ở các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên đường. Do con còn nhỏ nên vợ tôi phải bế suốt dọc đường. Một mình cầm lái nên phải tỉnh táo hết sức. Không ghé vào hàng quán, không được vào nhà trọ ngủ, mỗi ngày chỉ chợp mắt khoảng vài tiếng. Những lúc không thể lái được nữa thì tôi mới kiếm chỗ trải ni lông để nằm. Đường dài không sợ, chỉ sợ nhất là những lúc gặp trời mưa…”, anh Xử kể lại.

Cũng vì kiếm kế sinh nhai, anh Lỳ Bá Tồng (sinh năm 1989) cùng vợ là chị Vờ Y Dỡ (sinh năm 1994) ở xã Đoọc Mạy (huyện Kỳ Sơn) rời bản đi vào Bình Dương sau dịp Tết Nguyên đán năm nay. Chiều ngày 29/7, phóng viên gặp vợ chồng anh chị Tồng, Dỡ ở chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở cầu Bến Thủy 2 (huyện Hưng Nguyên) khi vợ chồng anh chị cùng tốp 10 người đi trên 5 chiếc xe máy từ các tỉnh phía Nam về dừng xe để khai báo y tế.

Người lao động Nghệ An: Bứt tốc ngàn cây số rời khỏi tâm dịch
Anh Lỳ Bá Tồng cùng vợ là Vờ Y Dỡ (sinh năm 1994) tiếp tục lên đường về bản

Dù phải đứng cách xa để giữ khoảng cách và vội vàng đi tiếp một chặng đường dài nữa nhưng hai vợ chồng cũng kịp chia sẻ cho phóng viên một số thông tin về chuyến hành trình.

Chị Vờ Y Dỡ nói như đã trút hết những mệt nhọc: “Không nói hết cái mệt nhọc, khổ cực nữa! Về đến đây là đến đất mình là khỏe rồi. Còn gần 300km nữa mới về đến bản nhưng thấy như đã về đến nhà rồi. Chúng tôi đi từ sáng ngày 27/7, đến giờ là đi hết hơn 2 ngày, 2 đêm rồi. Chỉ còn gần 300km nữa thì cố gắng lên thôi. Dọc đường đi, chúng tôi thấy mệt đâu thì ngủ đó. Tìm chỗ nào ngả lưng ngủ được là ngả. Hai vợ chồng thay nhau cầm lái. Cũng may con gửi ở nhà cho bố mẹ nếu không thì càng khổ cực hơn nhiều”.

Người lao động Nghệ An: Bứt tốc ngàn cây số rời khỏi tâm dịch
Nhiều người còn mua cả xăng dự phòng mang theo để yên tâm rong ruổi trên đường dài

Trực ở chốt kiểm soát dịch Covid-19 cầu Bến Thủy 1 đã vài tháng, mấy ngày qua, chị Đinh Thị Phương (cán bộ Đoàn Thanh niên phường Bến Thủy, thành phố Vinh) chứng kiến nhiều hình ảnh xúc động của những người con quê hương vượt hơn ngàn cây số để về quê. Chị thấy nhiều người đi những chiếc xe máy cà tàng mà vẫn cố gắng về đến đất Nghệ An. Ngoài nhu yếu phẩm (chủ yếu là bánh mỳ và nước lọc), họ còn mang theo bơm xe, kẹp cả can xăng dự phòng ở khung xe…

“Họ đi từng tốp một, có giãn cách. Mỗi người có trên tay một tờ test y tế âm tính có hiệu lực 3 ngày. Tôi ngồi đây chứng kiến nhiều hoàn cảnh mà rơi nước mắt. Có 1 gia đình ở miền núi, hai vợ chồng chở theo hai em bé từ Bình Dương hay Đồng Nai gì đó, mà vẫn về được tới đây, không hiểu sức mạnh nào mà đưa họ vượt xa như vậy. Có người về đến nơi, tay run quá không còn ghi nổi tên mình vào tờ khai y tế, bọn tôi phải ghi thay. Cá biệt, có người về đến đây, kiệt sức không đi nổi, chị em phải chỉ chỗ cho họ nằm nghỉ tạm”, chị Phương giọng run run.

Vẫn còn nhiều “chuyến xe bão táp”

Kỳ Sơn là huyện miền núi xa nhất của tỉnh Nghệ An. Từ thành phố Vinh đến xã xa nhất của huyện Kỳ Sơn cũng 280km. Còn từ thành phố Hồ Chí Minh về đến đây khoảng 1.500 km. Mặc dù vậy, nhiều con em của huyện Kỳ Sơn làm ăn ở các tỉnh phía Nam vẫn đi xe máy vượt dịch trở về.

Ông Nguyễn Hữu Minh (Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Sơn) cho biết, mấy ngày qua, đã có hơn 300 người làm ăn tại các tỉnh phía Nam về quê Kỳ Sơn bằng xe máy. Dự kiến, trong những ngày tới, số người trở về sẽ tăng nhanh, có thể lên đến 2.000 người. Huyện Kỳ Sơn đã sử dụng các trường nội trú ở các xã để làm điểm cách ly tập trung và kích hoạt toàn bộ hệ thống chính trị từ cấp bản trở lên để phòng, chống dịch Covid-19.

Huyện đã lập chốt kiểm soát trên Quốc lộ 7 để kiểm soát người trở về. Tuy nhiên, số người trở về quá đông sẽ tạo áp lực lớn cho việc phòng, chống dịch. Huyện khuyến cáo người dân không nên tự trở về bằng xe máy vì nguy hiểm do đường quá xa và có thể nguy cơ mang dịch về.

Người lao động Nghệ An: Bứt tốc ngàn cây số rời khỏi tâm dịch
Nhiều gia đình không còn cách nào khác đành phải mang cả con nhỏ trong chuyến hành hương dù biết rất vất vả cho các cháu

Theo thống kê, ở Nghệ An, do lượng người về từ các tỉnh phía Nam bằng nhiều hình thức đang tăng lên, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Chỉ tính riêng 4 ngày gần đây, đã có gần 3.000 người trở về từ các tỉnh thành, đặc biệt là các địa phương phía Nam. Toàn tỉnh hiện có 22.708 đã trở về từ các địa phương trên cả nước chưa qua 14 ngày.

Hiện tỉnh Nghệ An đang tập trung xây dựng giải pháp trong thời gian tới, phương án đón công dân từ các tỉnh phía Nam trở về, biện pháp cách ly những công dân trở về, việc kiểm soát người và phương tiện ngoại tỉnh qua chốt kiểm soát...

Người lao động Nghệ An: Bứt tốc ngàn cây số rời khỏi tâm dịch
Một người ngồi bệt xuống đường khi chạy xe máy về đến cầu Bến Thủy 2 (Nghệ An)

Vừa qua, ông Bùi Đình Long (Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An) đã đề nghị, ngành Công an tăng cường quản lý di biến động, lượng người vào, ra, phương tiện lưu thông đi qua địa bàn tỉnh, đặc biệt phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ tại các chốt kiểm soát. Ngành Quân sự rà soát, mở rộng thêm các điểm cách ly tập trung để chuẩn bị đón số lượng lớn công dân trở về. Ngành Y tế tập trung những cán bộ chuyên sâu nhất ở vùng có dịch để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành giải pháp hiệu quả nhất.

Tính đến ngày 26/7, đã có gần 10.000 người đang ở các tỉnh phía Nam đăng ký được trở về Nghệ An thông qua website dangkyveque.nghean.gov.vn. Trong đó, có 4.546 người đang ở thành phố Hồ Chí Minh, 3.621 người đang ở Bình Dương và 1.041 người đang ở Đồng Nai.

Cao Sơn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này