Phải xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người, mọi thời điểm, mọi chiều thiếu hụt

22:41 | 27/07/2021
(LĐTĐ) "Giai đoạn 2021-2025 cần đầu tư thoả đáng để mức sống tối thiểu của người dân tăng dần, gắn với mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Đặc biệt, phải quan tâm hơn trong việc giảm hộ nghèo một cách thực chất và bền vững. Giảm nghèo bao trùm có nghĩa là phải xoá bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thiếu hụt", Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.
Để đồng bào thoát nghèo và làm giàu từ rừng: Cần điều chỉnh chính sách khoán bảo vệ rừng Chú trọng giảm tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh Trao kinh phí hỗ trợ xây dựng 100 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn Thành phố

Đầu tư thỏa đáng để mức sống tối thiểu của người dân tăng dần

Tại phiên thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021-2025 trong ngày 27/7, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Đề cập đến công tác giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân, công tác giảm nghèo đã đạt được những thành tựu nổi bật.

Phải xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người, mọi thời điểm, mọi chiều thiếu hụt
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thảo luận tại hội trường.

“Chúng ta đã sớm hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Theo mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025, yêu cầu được đặt ra cao hơn là giảm nghèo đa chiều nhưng thực chất và bền vững, cụ thể là: Giảm bình quân 1-1,5% trong năm, trong khi đó chuẩn nghèo nâng lên, 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng lên 2 triệu đồng ở khu vực thành thị. Điều đó dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở đầu kỳ sẽ tăng rất cao. Cùng với đó, tiêu chí về thu nhập, về thiếu hụt tăng cả về số lượng và chất lượng, nhiều nội dung thiếu hụt bảo đảm phải có nguồn lực lớn như tái định cư, xoá nhà tạm, chống suy dinh dưỡng trẻ em, hạn chế trẻ em có thể trạng thấp còi…

Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, giai đoạn 2021-2025 cần đầu tư thoả đáng để mức sống tối thiểu của người dân tăng dần, gắn với mục tiêu phát triển bao trùm, bền vững và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Đặc biệt, phải quan tâm hơn giảm hộ nghèo một cách thực chất và bền vững. Giảm nghèo bao trùm có nghĩa là phải xoá bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thiếu hụt.

Phải xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người, mọi thời điểm, mọi chiều thiếu hụt
Các đại biểu Quốc hội quan tâm, kiến nghị cần bố trí nguồn lực đảm bảo tính khả thi, hiệu quả

Về việc tách các hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo trong các chương trình, Bộ trưởng Bộ Đào Ngọc Dung cho rằng, hiện nay có khoảng 160.000 hộ với 608.000 người. Theo chuẩn mới thì có ước có khoảng 400.000 hộ, với 1,5 triệu người. "Chính phủ sẽ nghiên cứu tiếp tục cân nhắc thời điểm, cách tiến hành để vừa đạt mục tiêu như đại biểu Quốc hội nêu, vừa đảm bảo khả năng cân đối ngân sách", ông Đào Ngọc Dung phát biểu.

Bố trí nguồn lực đảm bảo tính khả thi, hiệu quả

Thảo luận tại nghị trường, một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, kiến nghị đó là, cần bố trí nguồn lực đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Trong đó, đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) cho rằng, kể từ năm 2022 sẽ chính thức áp dụng chuẩn nghèo mới, nâng mức cả về thu nhập và các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội, y tế nhà ở, nước sạch, vệ sinh.

Do đó, chắc chắn tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng cao khi áp dụng chuẩn nghèo mới và đòi hỏi rất lớn về nguồn lực, nhân lực, sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, nhất là các nơi mà hiện nay đang là lõi nghèo. Các huyện đặc biệt khó khăn, xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và bãi ngang ven biển nơi tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Đại biểu đề nghị, việc bố trí nguồn lực cần tính toán cho khả thi và đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu thì cố gắng bố trí đủ trong nguồn lực.

Phải xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người, mọi thời điểm, mọi chiều thiếu hụt
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long) thảo luận tại nghị trường

Theo đại biểu Trần Thị Hiền, đã gần hết năm 2021, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã kết thúc. Do đó, Chính phủ cần tính toán để bố trí vốn sao cho việc thực hiện công tác giảm nghèo của năm 2021 phù hợp, tránh tình trạng khó khăn về kinh phí dẫn đến khó khăn cho công tác giảm nghèo tại các địa phương trên cả nước.

Cũng đề cập đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long) cho rằng, trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn, việc thực hiện chương trình trong bối cảnh mới sẽ phải đối diện với những khó khăn, thách thức và yêu cầu mới, nhất là khi áp dụng chuẩn nghèo mới thì tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ tăng lên đáng kể. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tiêu cực đến nhóm đối tượng yếu thế đã khó khăn này sẽ càng khó khăn và khó tiến về phía trước hơn.

Thực trạng đó, đại biểu cho rằng sẽ tác động không nhỏ đến việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu và các chỉ tiêu để giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Đại biểu đề nghị Chính phủ và bộ chủ quản phải quyết liệt chỉ đạo, rà soát, đánh giá tổng thể dự báo cơ hội, thách thức đối với các chương trình mục tiêu quốc gia đã, đang chuẩn bị triển khai thực hiện để tránh trùng lắp về nội dung, địa bàn, nguồn lực đầu tư và đối tượng thụ hưởng cụ thể của chương trình. Từ đó tối ưu hóa các giải pháp triển khai thực hiện các đề án, tiểu đề án.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này