Có một bài ca không bao giờ quên…

08:35 | 27/07/2021
(LĐTĐ) Ai đã sống mà không ngoái nhìn quá khứ, nhất là quá khứ hào hùng qua những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam mà ở đó máu, nước mắt, tính mạng của hàng trăm nghìn nghĩa sĩ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Vào những ngày này, dù bất kỳ nơi đâu thì mỗi người con của đất mẹ Việt Nam mến yêu đều nhắc nhở nhau qua những lời ca “không bao giờ quên để dành cho những người đã ngã xuống”…
Nghe Đức Tuấn hát "Bài ca không quên" dịp 30/4 Trọng Tấn sẽ "lột xác" trong liveshow Bài ca không quên

Tên các anh vẫn còn sống mãi

Dù rằng chiến tranh đã đi qua, song những di chứng của nó vẫn còn hiện hữu, để lại nỗi đau cho mỗi người, mỗi gia đình, bạn bè và người thân của các thương binh, liệt sĩ. Có lẽ không ở đâu trên thế giới lại có một danh hiệu Anh hùng mà bất cứ người nào đều không muốn trở thành, đó là danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Bởi có danh hiệu đó, các mẹ đã phải chịu đựng nỗi đau không ai có thể tưởng tượng nổi, là mất đi những người con, người chồng của mình trong chiến tranh, để đất nước được độc lập, tự do.

Có một bài ca không bao giờ quên…
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Và cũng có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới mà dấu ấn và di chứng của chiến tranh để lại nhiều như ở Việt Nam. Dù bất cứ nơi đâu, từ phố phường chật hẹp đến làng quê đều có những nghĩa trang liệt sĩ ken dày mộ chí. Phần lớn trong số những người ngã xuống mới mười tám đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời. Họ bước vào cuộc chiến với tâm thế của những anh hùng, họ biết đặt cái khát khao giành độc lập, tự do lên trên sinh mạng của chính mình. Nhờ thế, đất nước Việt Nam được định hình trên bản đồ thế giới cũng từ tinh thần hi sinh cao cả ấy.

Cách đây nhiều năm, tôi được vào thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Nhiều người trong đoàn chúng tôi trước khi đến nơi đều hân hoan lắm, trên tay đều cầm sẵn những đóa hoa để “tặng” các anh, các chị đang nằm yên bình ở nơi đây. Thế nhưng, vừa bước vào sau cánh cửa nghĩa trang mỗi chúng tôi đều có cảm xúc thật đặc biệt, có người không kìm nén được, bật khóc. Bạt ngàn mộ chí nằm yên dưới khoảng trời xanh, san sát, kề nhau, tầng tầng lớp lớp chẳng biết nơi đâu là điểm dừng. Như đang nhìn một cánh đồng mênh mông xa tít đến tận chân trời, thì nơi đây là mênh mông mộ của các anh, các chị… Cảm xúc lúc ấy không thể nói lên lời, mà chỉ là sự nghẹn ngào, câm lặng.

Hôm ấy, tôi nán lại nghe một người chăm sóc nghĩa trang kể chuyện. Bác kể rằng, bác có thể nhớ được hàng ngàn câu chuyện của các chiến sĩ nằm ở đây, cách họ sống, cách họ chiến đấu và cách họ hi sinh thế nào. Với chúng tôi, các anh ấy vẫn còn sống mãi, vẫn còn kể những câu chuyện của chiến tranh, vẫn còn muốn hoàn thành những ước mơ và khát vọng khi hết chiến tranh. Họ đều còn rất trẻ, họ sống trong trái tim chúng tôi.

Vâng, những người lính, họ vẫn còn ở đây, trong trái tim của hàng triệu triệu người con của đất nước này. Và trong tâm thức của thế hệ mai sau, họ vẫn còn thì thầm những câu chuyện lịch sử không thể nào quên.

Tổ quốc không bao giờ quên!

Việt Nam, đất nước của chiến tranh và đau thương, mất mát; một đất nước nhỏ bé luôn phải gồng mình chiến đấu, bảo vệ bờ cõi trước những kẻ thù xâm lược. Lịch sử hào hùng của dân tộc được viết bằng xương máu của biết bao thế hệ cha anh đi trước. Hơn ai hết, Bác Hồ thấu hiểu và luôn dành sự quan tâm sâu sắc, tri ân đối với các thương binh, liệt sĩ - những người hi sinh nhiều nhất cho độc lập, tự do hôm nay.

Người từng viết: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Cho nên đối với "những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng". Bác Hồ khẳng định: "Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại".

Có một bài ca không bao giờ quên…
Chương trình nghệ thuật “Bài ca không quên” để tri ân các anh hùng, thương binh, liệt sĩ.
Những ngày dù đi bất cứ đâu, trong ta vẫn vang lên lời bài hát Màu Hoa Đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến, như những lời tri ân dành tặng cho những chiến sĩ đã hi sinh cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc hôm nay. “Có người lính/Từ mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo/Có người lính/Mùa xuân ấy ra đi từ đấy không về/Dòng tên anh khắc vào đá núi/Mây ngàn hóa bóng cây che/Chiều biên cương trắng trời sương núi/Mẹ già mỏi mắt nhìn theo…/Việt Nam ơi! Việt Nam!/Ngọn núi nơi anh ngã xuống/Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa/Rực cháy lên màu hoa đỏ phía hoàng hoàng hôn”.

Thực hiện những lời dạy quý báu của Bác Hồ kính yêu, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách ưu tiên đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình, con em của họ. Đây cũng là trách nhiệm của toàn xã hội để tri ân những người có công với nước, không chỉ là một ngày 27/7 hay một lễ kỷ niệm mà đã, đang và sẽ có những việc làm thiết thực cả về vật chất lẫn tinh thần, để những người đã hi sinh, mang thương tật vì độc lập tự do của dân tộc và gia đình của họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc giữa cuộc sống hòa bình hôm nay.

Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách ưu tiên đối với thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đồng bào ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc cũng đã làm nhiều công việc để đền ơn đáp nghĩa như: Tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam, giúp đỡ thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, tìm mộ liệt sĩ. Việc chăm sóc sức khoẻ, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống cho thương bệnh binh và gia đình liệt sỹ là tình cảm, trách nhiệm và bổn phận của toàn xã hội. Phong trào đền ơn đáp nghĩa đã và đang được nhân dân ta nhân lên và phát huy ngày càng rộng rãi. Đảng và Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi về cả vật chất lẫn tinh thần đối với người có công cũng như gia đình và con em của họ. Đó là những việc làm thiết thực góp phần giúp gia đình con em những người đã hi sinh, mang thương tật vơi bớt khó khăn trong cuộc sống, đồng thời xây đắp lòng tự hào về truyền thống vẻ vang, về truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.

Những ngày tháng Bảy, cả nước lại lặng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho ngày hòa bình, độc lập và tri ân cho người trở về sau đạn bom khói lửa, gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, cho nhân dân. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh các anh vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong trái tim thế hệ hôm nay, ngày sau dư âm “có một bài ca không bao giờ quên”!./.

Diệp Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này