Làm rõ trách nhiệm để người lao động sớm có lương

11:15 | 24/07/2021
(LĐTĐ) Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người lao động. Tuy nhiên hơn 2 tháng nay, rất nhiều công nhân tại một số đơn vị ngành Thủy lợi của Thành phố vẫn chưa nhận được lương. Mấu chốt của vấn đề, ngoài sự cố gắng của chủ sử dụng lao động thì các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải "vào cuộc" để tháo gỡ vướng mắc, giúp người lao động sớm nhận được lương.
Sớm "hóa giải" quy định đặt hàng để người lao động tại các công ty thủy lợi có lương! Cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài để “cứu” doanh nghiệp! Cần sớm tháo gỡ những bất cập đối với doanh nghiệp ngành Thủy lợi

Phải xem xét rõ trách nhiệm "khâu" nào để xảy ra nợ lương

Liên quan đến việc công nhân lao động một số đơn vị Thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội đang bị nợ lương, nhiều chế độ, chính sách không được đảm bảo, trao đổi với phóng viên, nhìn nhận trên góc độ chính sách, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ) cho biết, theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.

Trong đó, nguyên tắc trả lương cho người lao động đúng hạn là yêu cầu rất cấp bách. Hiện nay, tiền lương của người lao động mới chỉ đáp ứng nhu cầu chi tiêu rất tằn tiện của người lao động, vì vậy, không những phải quan tâm đến việc trả đúng và có thu nhập cao, mà còn phải trả kịp thời để người lao động vượt qua khó khăn.

Làm rõ trách nhiệm để người lao động sớm có lương
Công nhân lao động thuộc Đội thuỷ nông số 4, Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Đan Hoài, Công ty TNHH MTV ĐTPT Thủy lợi Sông Đáy, trong ca làm việc.

"Trả lương đúng, kịp thời cho người lao động là quy định bắt buộc, trường hợp vi phạm thì bị xử phạt theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Chủ thể xử phạt chính là cơ quan nhà nước. Vì vậy, trong trường hợp việc chậm lương có phần trách nhiệm của cơ quan nhà nước (như trong trường hợp của các công nhân thuỷ nông), thì cơ quan nhà nước càng phải có trách nhiệm để thực thi, giúp cho việc trả lương được thực hiện đúng theo quy định”- ông Quảng cho biết.

Còn theo các chuyên gia pháp lý, nếu chủ sử dụng lao động là các đơn vị kinh doanh thuộc lĩnh vực công ích, việc chậm trả lương do những yếu tố bất khá kháng về quy định, về cơ chế chính sách thì phải nhanh chóng có những kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền. Đối với trường hợp của các đơn vị Thủy lợi là kiến nghị lên liên sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Tài chính. Trong quá trình kiểm tra, "lỗi" ở khâu nào (đơn vị chậm xây dựng đơn giá...; sở chậm giải quyết kiến nghị của đơn vị) thì phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cao hơn hoặc trước pháp luật. Nhất quyết, không thể đẩy "quả bóng" trách nhiệm mà người lao động bị nợ lương!

Nên chăng đưa lĩnh vực thủy nông vào danh sách ngành nghề độc hại

Để thuận tiện trong việc đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, xét trên yếu tố đặc thù ngành ngề, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn: Công nhân thủy nông nói riêng và công nhân liên quan đến môi trường đô thị nói chung là lực lượng bảo đảm môi trường trong sạch, giữ gìn an ninh môi trường. Hiện nay, an ninh môi trường rất quan trọng, chiếm ưu thế trong nền kinh tế thị trường vì thế công nhân lao động thủy nông cần được quan tâm hơn nữa. Qua việc các doanh nghiệp nợ lương của công nhân thủy nông, báo chí phản ánh nhiều trong thời gian qua, các cơ quan cần xem xét để người công nhân không bị thiệt thòi. Trong những người bị nợ lương, công nhân là người thiệt thòi nhất, riêng công nhân thủy lợi ngoài đồng lương ra, họ chẳng có gì nữa. Họ luôn cảm thấy xã hội đối xử không công bằng với vai trò của họ trong xã hội.

"Nợ lương là vấn đề hết sức nhạy cảm trong thời điểm này này, nhất là khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Vào lúc này, người lao động không bấu víu vào đâu được, họ chỉ có thể trông chờ đồng lương ít ỏi của mình. Theo tôi, không thể để công nhân thủy nông bị chậm lương kéo dài hơn nữa. Đây là điều các cơ quan hữu quan, công tổ chức Công đoàn cần phải lưu ý, vào cuộc đảm bảo quyền lợi người lao động", ông Thọ cho biết.

Cùng chung quan điểm với PGS Vũ Quang Thọ, ông Lê Đình Quảng: “Pháp luật quy định các danh mục công việc nặng nhọc, độc hại và thường xuyên được bổ sung. Theo tôi, công việc của công nhân thuỷ nông nên được bổ sung vào danh mục công việc nặng nhọc độc hại để họ được hưởng chế độ. Tới đây, có thể đề xuất với cơ quan thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, bổ sung”...

Xem xét công việc của công nhân thủy nông là nghề nặng nhọc, độc hại
Công nhân thủy nông vớt bèo, rác... ở kênh mương ô nhiễm nghiêm trọng nhằm phục vụ công tác chống úng lụt bão

Còn luật sư Nguyễn Ngọc Linh thì cho rằng: Công việc của công nhân lao động ngành thủy nông là một công việc đặc thù. Xét về thực tế, người lao động phải tiếp xúc với môi trường và rác thải độc hại trên các kênh, sông tại Hà Nội. Vì vậy việc xem xét, bổ sung lao động nghành nghề thủy nông vào danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là hết sức cần thiết.

Tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 15 ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quy định: “Hàng năm, các cán bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ động rà soát danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ và quản lý trong từng thời kỳ”.

“Việc chậm trễ đề xuất ý kiến bổ sung lao động ngành thủy nông vào danh mục thuộc về trách nhiệm của người sử dụng lao động và các ban ngành quản lý trực tiếp. Cần có sự quan tâm và phối kết hợp từ các ban ngành, chủ sử dụng lao động để bảo về quyền lợi của người lao động và trực tiếp là công nhân lao động ngành thủy nông tại Hà Nội”, Luật sư Linh cho biết.

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này