Đảm bảo không để công nhân, người lao động đói ăn, thiếu các nhu cầu thiết yếu

17:59 | 22/07/2021
(LĐTĐ) “Tổ cứu trợ khẩn cấp công nhân” nắm chắc tình hình nhu cầu về hàng hóa, vật phẩm thiết yếu của công nhân lao động để lên phương án cung cấp, hỗ trợ hoặc đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố (qua Tổ ứng phó khẩn cấp) cung cấp kịp thời; đảm bảo không để công nhân, người lao động đói ăn, thiếu các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt.
Các công đoàn cơ sở quận Long Biên chung tay hỗ trợ công nhân lao động tỉnh Bắc Giang Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao 3,4 tỷ đồng hỗ trợ công nhân lao động tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang Tổng Liên đoàn tiếp nhận 1,2 tỷ đồng hỗ trợ công nhân lao động tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang

Trên đây là một nội dung trong Kế hoạch số 39/KH-LĐLĐ ứng phó khẩn cấp hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 mà Liên đoàn Lao động Thành phố vừa ban hành.

Liên đoàn Lao động Thành phố nhận định, tình dịch bệnh Covid-19 (đợt dịch thứ 4) vẫn diễn biến hết sức phức tạp và nguy cơ lây lan nhanh vào các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp là rất cao; một số doanh nghiệp Khu công nghiệp và chế xuất đã xuất hiện ca bệnh F0 bị phong tỏa, nhiều công nhân lao động bị cách ly, đời sống gặp rất nhiều khó khăn.

Dự báo thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tap, khó lường; Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch ứng phó khẩn cấp hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, chia sẻ khó khăn đối với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 đồng thời ứng phó, hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp về các điều kiện vật chất, nhu yếu phẩm thiết yếu giúp đỡ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do bị cách ly, phong tỏa bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là đoàn viên, người lao động trên địa bàn Thành phố đang bị cách ly tại doanh nghiệp hoặc các cơ sở cách ly tập trung; đoàn viên, người lao động đang ở trong các khu vực bị cách ly, phong tỏa; người lao động bị ngừng việc, mất việc do doanh nghiệp bị phong tỏa đang ở các khu nhà trọ và các trường hợp đoàn viên, người lao động khó khăn đột xuất khác do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Đảm bảo không để công nhân, người lao động đói ăn, thiếu các nhu cầu thiết yếu
Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội trao hỗ trợ cho người lao động bị cách ly vì dịch Covid-19. Ảnh: Lương Hằng

Về nội dung và hình thức hỗ trợ, trước hết, các cấp Công đoàn sẽ tổ chức các “Siêu thị 0 đồng" hỗ trợ công nhân lao động. Liên đoàn Lao động Thành phố yêu cầu Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; nghiên cứu, rà soát đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến đời sống, thu nhập của người lao động trên địa bàn, các khu nhà trọ công nhân để quyết định tổ chức các “Siêu thị 0 đồng" hỗ trợ kịp thời đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Cùng đó, Công đoàn phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn địa điểm tổ chức và thành lập bộ phận quản lý hoạt động của “Siêu thị 0 đồng" đảm bảo thiết thực, kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Tổ quản lý "Siêu thị 0 đồng" sẽ phân công cán bộ phối hợp với chính quyền xã, phường, thôn, tổ dân phố tiến hành rà soát nắm bắt chặt chẽ tình hình công nhân lao động thuộc địa bàn quản lý, xác định số lượng đối tượng cần hỗ trợ khẩn cấp; hàng ngày, khảo sát, tổng hợp nhu cầu về hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu để có phương án hỗ trợ kip thời; thông qua hình thức phát “Phiếu 0 đồng" hoặc danh sách người lao động cần hỗ trợ, do thôn, tổ dân phố, chủ nhà trọ lập.

Liên đoàn Lao động Thành phố (thông qua Tổ ứng phó khẩn cấp) sẽ cân đối, đảm bảo cung cấp đẩy đủ, nhanh chóng, kip thời các nhu yếu phẩm thiết yếu đến các địa điểm đặt "Siêu thị 0 đồng" để cấp phát, hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng Covid-19, theo số lượng, chủng loại hàng hóa, trên cơ sở phiếu đề nghị từ Công đoàn cấp trên cơ sở gửi qua nhóm Zalo "Tổ ứng phó khẩn cấp Liên đoàn Lao động Thành phố".

Tổ quản lý “Siêu thị 0 đồng" chịu trách nhiệm quản lý, tiếp nhận và cấp phát kịp thời các sản phẩm, hàng hóa thiết yếu đến với người lao động; đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng dịch. Các Công đoàn cấp trên cơ sở có trách nhiệm duy trì, quản lý “Siêu thị 0 đồng" hoạt động đúng tôn chi, mục đích đề ra. Khuyến khích kêu gọi, tiếp nhận hàng hóa, sản phẩm của các tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ để hỗ trợ công nhân lao động tại địa phương.

Liên đoàn Lao động Thành phố lưu ý, các sản phẩm, hàng hóa cung cấp hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động phải đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hàng ngày của đoàn viên, người lao động đồng thời yêu cầu, thông qua hoạt động hỗ trợ, Công đoàn đoàn cấp trên cơ sở cần nắm bắt chặt chẽ tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, bức xúc của người lao động phản ánh kịp thời đến cấp ủy, chính quyền địa phương và Liên đoàn Lao động Thành phố để có hướng giải quyết kịp thời; tuyên truyền, vận động người lao động yên tâm, ổn định tâm lý, không lo lắng thái quá về tình hình dịch bệnh.

Cùng với tổ chức các “Siêu thị 0 đồng”, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng thành lập "Tổ cứu trợ khẩn cấp công nhân" để hỗ trợ doàn viên, người lao động bị cách tập trung tại doanh nghiệp hoặc khu cách ly tập trung. Cụ thể, các Liên đoàn Lao động, quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở, Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất căn cứ diễn biến và tình hình thực tế về dịch bệnh Covid-19 tại mỗi địa phương, đơn vị để tổ chức thành lập các “Tổ cứu trợ khẩn cấp công nhân" của Công đoàn cấp trên cơ sở, sẵn sàng vận chuyển, triển khai các phương án hỗ tro đến đoàn viên, người lao động bị cách tập trung tại doanh nghiệp hoặc các khu cách ly tập trung, khi tình huống xảy ra.

Thông qua cán bộ Công đoàn cơ sở, lực lượng Công nhân nòng cốt, nhóm Zalo (trong khu cách ly) hoặc qua bộ phận quản lý các khu cách ly, “Tổ cứu trợ khẩn cấp công nhân” nắm chắc tình hình nhu cầu về hàng hóa, vật phẩm thiết yếu của công nhân lao động để lên phương án cung cấp, hỗ trợ hoặc đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố (Qua Tổ ứng phó khẩn cấp) cung cấp kịp thời; đảm bảo không để công nhân, người lao động đói ăn, thiếu các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt.

Để tổ chức thực hiện, trong Kế hoạch, Liên đoàn Lao động Thành phố phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban chuyên đề, Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở và nhấn mạnh: hoạt động hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên Công đoàn, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 phải đảm bảo thiết thực, kip thời, đúng đối tượng; không để xảy ra việc lợi dụng chủ trương của Liên đoàn Lao động Thành phố để trục lợi, gây thất thoát, lãng phí.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này