Đừng vì “khát” việc mà sập bẫy “cò”

11:06 | 04/11/2014
Nắm bắt tâm lý “khát” việc làm của người lao động, nhất là lao động trẻ, đủ các kiểu “cò” việc làm đã ra đời. Khi bẫy lừa ở các trung tâm giới thiệu việc làm “ma” dần bị lộ tẩy, giờ đây, các “cò” việc làm đã tinh vi hơn khi “ăn theo” những trung tâm giới thiệu việc làm uy tín.

“Giăng bẫy”

Một buổi sáng cuối tháng 10/2014, trong vai người đi tìm việc, tôi đứng lẫn giữa những người lao động tại sàn giao dịch việc làm thường kỳ của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội (phố Trung Kính, quận Cầu Giấy). Đang đọc thông báo của Trung tâm về việc nâng cao cảnh giác với “cò” giới thiệu việc làm, tôi bất ngờ được một người phụ nữ mảnh mai, ăn mặc lịch thiệp đến sát bên, ghé tai thủ thỉ: “Em đang cần tìm việc làm phải không?”. Sau câu trả lời “vâng ạ” của tôi, người phụ nữ này tiếp tục: “Chị tên là Thư, cán bộ công ty cổ phần thương mại Hồng Kông, trụ sở ở gần ngay đây.

Công ty chị đang có một số chỉ tiêu việc làm rất hấp dẫn, nếu em quan tâm thì chị em mình ra chỗ kia trao đổi”. Nói rồi chị “cò” ngoắc tay tôi dẫn ra chiếc ghế trống ngay trong sảnh của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, vờ ngồi trò chuyện như hai người bạn quen biết. Trong lúc trò chuyện, chị “ta” tiếp tục giới thiệu về những chỉ tiêu công việc có mức lương cao ngất. Tuy vậy khi được hỏi về địa chỉ chính xác của công ty, tên công việc cụ thể, những tiêu chuẩn kỹ năng, bằng cấp cần có, chị “cò” chỉ có một câu trả lời duy nhất: “Em cho chị số điện thoại, chị em mình sẽ gặp riêng để trao đổi cụ thể”. Khi nghe tôi trả lời nhà ở bên Long Biên, quá xa để có thể làm việc tại Cầu Giấy, chị “cò” tiếp tục níu kéo: “Công ty chị vẫn còn một địa điểm ở Nguyễn Văn Cừ nữa, nếu em muốn thì có thể làm việc ở đó”.

Vừa tạm biệt chị “cò” tên Thư, tôi liền chú ý tới một người phụ nữ khác đang đứng trò chuyện với một lao động trẻ. Đúng như tôi nghi ngờ, đó là một “cò” lao động đang “giăng bẫy”. Kiên- một lao động trẻ vừa được “cò” mời chào kể lại,   người phụ nữ ấy xưng tên là Đoàn Mai Hoa, là cán bộ nhân sự của một tập đoàn quốc tế có trụ sở chính tại Mỹ và văn phòng đại diện tại Việt Nam. “Chị ta giới thiệu với em một công việc với mức lương cao ngất, lên tới vài chục thậm chí cả trăm triệu mỗi tháng, mà lại được tự do, làm chủ thời gian của mình, có những cơ hội đi du lịch nước ngoài hấp dẫn. Khi em hỏi những thông tin cụ thể, chị ta nói cuối tuần sẽ gọi điện lại cho em hẹn địa điểm và  bảo, em cứ đến làm việc rồi sẽ biết. Em biết ngay đó là “cò” việc làm, chắc lại dụ bán hàng đa cấp đấy mà, em đâu có dại gì mà nghe theo những hứa hẹn nhảm nhí ấy?”- Kiên nói.

Người lao động cần cảnh giác trước bẫy lừa của “cò”. Ảnh minh họa

Người lao động cần nâng cao cảnh giác

Theo quan sát của phóng viên, hầu hết các “cò” túc trực tại sàn giao dịch việc làm của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội đều ăn mặc lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ. Điều này càng tăng thêm tính thuyết phục, độ tinh vi trong việc giăng bẫy và cũng chính điều ấy khiến cho lực lượng chức năng khó phát hiện, xử lý.

Bà Vũ Thanh Liễu - Trưởng phòng thông tin thị trường,Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, hầu hết người lao động đến sàn giao dịch việc làm đều là những người đang rất khát khao tìm việc. Nắm bắt được nguồn cung dồi dào này, nên các “cò” việc làm kéo đến trung tâm “làm tổ” rất nhiều. “Các “cò” trà trộn giữa những người tìm việc để tuyển chui người đi bán hàng đa cấp, bán bảo hiểm nhân thọ, không thực hiện những quy định về đăng ký thủ tục tuyển dụng, đã gây tình trạng lộn xộn, ảnh hưởng đến quy trình hoạt động cũng như uy tín của Trung tâm. Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn là trong số các “cò” có không ít “cò” làm môi giới lao động, họ chào mời người lao động để thu phí với giá cắt cổ rồi lại “bắn” người lao động sang cho một đối tượng khác khiến cho người lao động mất tiền mà không có được việc làm. Thậm chí có cả  những “cò” vốn là đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp, chúng hẹn người tìm việc đến một nơi khác để nhân cơ hội cướp tài sản”- bà Liễu cho biết.

Cũng theo bà Liễu, để ngăn chặn tình trạng “cò” lộng hành gây lộn xộn tại Trung tâm, đe dọa quyền lợi của người lao động, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp như: Thường xuyên thông báo trên loa về các thủ đoạn hoạt động của “cò”, dán những thông tin cảnh báo người lao động ngay tại sàn giao dịch việc làm; cho các nhân viên trung tâm xuống trực tiếp theo dõi, quan sát, phát hiện nhắc nhở ... Tuy nhiên, do sàn giao dịch việc làm rộng, người đến tìm việc quá đông, “cò” lại trà trộn một cách tinh vi và cứ thấy bóng dáng đồng phục của nhân viên trung tâm là lại tản mát đi nên khó phát hiện, xử lý. Chính bởi vậy, theo bà Liễu, hiện tại, Trung tâm chỉ có thể thường xuyên thông báo trên loa, dán trên bảng tin để cảnh báo người lao động, đồng thời kêu gọi ý thức nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ mình của người lao động.

 Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội: “Người đi tìm việc làm nên trực tiếp đến các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín như Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội để được bảo vệ. Khi đến tìm việc, người lao động cũng cần thực hiện đầy đủ các quy định, quy trình đăng ký tìm việc theo hướng dẫn của Trung tâm, không nghe theo những lời hứa hẹn dụ dỗ bên ngoài, tránh rơi vào “bẫy” của “cò”. Với bất cứ lời mời chào công việc nào, người lao động cũng nên tìm hiểu kỹ công việc, điều kiện làm việc, các ràng buộc xem mình có đáp ứng được không. Hơn nữa, trước khi đi làm, vấn đề lương bổng, thời gian làm việc phải được thỏa thuận cụ thể. Bởi vì sau này, đây sẽ là căn cứ để người lao động giải quyết các tranh chấp hoặc nhờ các cơ quan chức năng bảo vệ mình”.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này