Để thương hiệu chè Hà Nội không “vô danh”

Kỳ 2: Định hình lại giá trị "thương hiệu"

10:12 | 22/07/2021
(LĐTĐ) Mặc dù chất lượng cao, có thể so sánh với các thương hiệu chè nổi tiếng nhưng đầu ra cho sản phẩm vẫn còn là một bài toán khó đối với chính quyền địa phương và người dân trồng chè. Vì nhiều lý do, chè làm ra không tiêu thụ hết, nhiều hộ phải bán cho thương lái. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho chè Bắc Sơn của Thủ đô Hà Nội vẫn còn “vô danh” giữa “rừng” chè danh tiếng của cả nước.
Kỳ 1: Hiệu quả kinh tế từ phát triển vùng chè an toàn

Loay hoay tìm “đầu ra”

Là gia đình có truyền thống trồng chè từ hàng chục năm về trước, nhưng cách đây 3 năm, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng (thôn Phúc Xuân) đã chuyển đổi từ trồng chè sang trồng cây ăn quả. Chị Hồng cho biết, trồng chè vất vả, tốn nhân công, đầu ra không ổn định, do gia đình chị ít người mà đi thuê chăm sóc, hái chè thì không đủ chi phí nên chị chuyển sang trồng cây ăn quả.

Nhưng còn một nguyên nhân nữa mà chị Hồng chia sẻ, đó là xã đã có các mô hình hợp tác xã đứng ra tập hợp các hộ trồng chè, làm thương hiệu, tìm đầu ra, nhưng số lượng bán ra qua hợp tác xã rất hạn chế, cùng với đó chất lượng sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn khắt khe theo quy định. Chính vì vậy, chè làm ra không tiêu thụ hết, nhiều hộ phải bán cho thương lái.

Kỳ 2: Định hình lại giá trị
Cây chè cho doanh thu từ 8-10 tháng/năm, hiệu quả cao hơn so với các loại cây trồng mùa vụ.

Chị Hồng chia sẻ với nhiều nuối tiếc: “Trồng chè là nghề truyền thống của gia đình, tôi cũng rất tâm huyết, nhưng nếu như có thể bán được nhiều hơn thì tốt quá!”.

Mặc dù vẫn bám đất trồng chè, nhưng chị Nguyễn Thị Huyền cùng thôn Phúc Xuân cũng cho rằng, việc bán chè cho thương lái mà không có nhãn mác bao bì mang thương hiệu của Bắc Sơn đồng nghĩa với việc đánh mất giá trị thương hiệu của mình, nhưng nếu không chiều khách thì chè sẽ bị ế, khi đó người dân không có thu nhập, không có đầu ra, dẫn đến sẽ bỏ chè và chuyển đổi sang giống cây trồng khác, cách làm này tuy kém hiệu quả hơn nhưng cũng giải quyết được vấn đề trước mắt cho kinh tế gia đình.

“Là người làm ra sản phẩm, chúng tôi cũng đã cố gắng rất nhiều từ việc tự mình quảng bá sản phẩm để nhiều người biết đến, mở rộng các kênh bán hàng qua điện thoại, mạng xã hội, các hội chợ… nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn… Nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã quan tâm đến người trồng chè, nhưng tôi mong muốn trong thời gian tới, chính quyền sẽ quan tâm hơn nữa về vật tư, phân bón, kỹ thuật, … để chè đạt chất lượng cao, có hiệu quả; đồng thời hỗ trợ người dân để có các gian hàng quảng bá sản phẩm, tham gia hội chợ, tăng cơ hội đầu ra cho sản phẩm chè. Người dân có thu nhập cao hơn từ cây chè thì sẽ gắn bó với chè lâu dài”, chị Huyền nói.

Chất lượng “4 sao” nhưng khó cạnh tranh

Là người đứng đầu hợp tác xã duy nhất của xã Bắc Sơn thực hiện mô hình chè an toàn tập trung, chị Đào Thị Quý không khỏi băn khoăn khi thương hiệu chè Bắc Sơn vẫn còn “vô danh” giữa “rừng” các thương hiệu chè nổi tiếng trong nước, mặc dù lượng tiêu thụ chè ở Hà Nội rất lớn. Chị cũng cho biết, được sự hỗ trợ của xã, huyện, bản thân chị và các thành viên hợp tác xã đã làm mọi điều có thể để mang thương hiệu Bắc Sơn đi xa hơn, nhưng đây vẫn còn là sự mong chờ trong tương lai.

Theo chị Quý, để có được vùng chè đạt tiêu chuẩn quy trình VietGAP như hiện nay, người dân đã được Chi cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn làm tổ, nhóm để quản lý chè an toàn, thực hiện quản lý chéo giữa các tổ viên, có theo dõi, ghi chép đúng quy trình.

Năm 2012, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, nhãn hiệu tập thể “Chè an toàn Bắc Sơn” đã được công nhận, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm chè Bắc Sơn trên thị trường. Sản phẩm chè Bắc Sơn đã có mặt tại rất nhiều hội chợ quy mô trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành trong cả nước, được nhiều người biết đến là một sản phẩm có chất lượng cao.

Tuy nhiên, theo ý kiến đề xuất của Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp Bắc Sơn Đào Thị Quý, vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, rất cần có sự giúp đỡ của các cấp, các ngành để xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè an toàn. Nhãn hiệu chè Bắc Sơn cần được duy trì và xúc tiến thương mại để trở thành thương hiệu mạnh của huyện Sóc Sơn nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.

Cùng với đó, để đạt được sản phẩm OCOP 4 sao, hợp tác xã đã mang mẫu chè đi kiểm tra chất lượng sản phẩm nhiều lần. Với mong muốn đạt sản phẩm 5 sao, có thể xuất khẩu ra nước ngoài, chị Quý cũng như các thành viên khác phấn đấu cả về chất lượng và số lượng, nhưng cho đến nay, chất lượng đã đạt nhưng số lượng thì chưa đạt, bởi hộ trồng chè tham gia vào hợp tác xã còn ít, một phần cũng bởi đầu ra còn khó khăn. Nói về nguyên nhân này, chị Quý cho biết: “Hợp tác xã không thể lấy chè của các hộ gia đình không thuộc hợp tác xã vì không quản lý được về chất lượng. Vì thế chúng tôi vẫn đang trong hành trình tìm hướng đi cho chè xuất khẩu”.

Tuy nhiên, từ lợi ích của việc hình thành vùng chè tập trung theo mô hình hợp tác xã, chất lượng chè được nâng cao, đạt sản phẩm OCOP 4 sao đã cho Bắc Sơn ít nhiều lợi thế qua các phương tiện truyền thông, báo chí, được người tiêu dùng tin tưởng, nâng cao giá thành sản phẩm, bước đầu nâng cao vị thế thương hiệu chè Bắc Sơn.

Từ năm 2017, hợp tác xã cũng đã thực hiện tạo mã QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo đúng quy trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố. Năm 2010 cũng đã được cấp mã vạch cho sản phẩm.

Nỗ lực là vậy, nhưng chị Quý cũng bày tỏ sự trăn trở khi thấy nhiều bà con mặc dù làm chè đúng quy trình nhưng vẫn phải bán sản phẩm cho thương lái vì không thể cạnh tranh với các thương hiệu lân cận, đặc biệt là chè Thái Nguyên – thương hiệu chè nổi tiếng cả nước lại ở giáp gianh với vùng chè Bắc Sơn.

“Thật đau lòng khi chứng kiến những phiên chợ đầu xóm, xe thương lái mua chè của bà con về làm thương hiệu của mình. Cũng không thể trách bà con vì kế sinh nhai, một phần cũng vì họ chưa ý thức được về thương hiệu, mà nhu cầu trước mắt là bán hàng thì lại là việc cấp thiết hơn. Thậm chí, có người đi bán chè tự hào giới thiệu thương hiệu Bắc Sơn, nhưng người mua lại nói: “Không, tôi không cần ghi rõ nguồn gốc, cứ cho vào túi nhãn mác chè Thái Nguyên thì mới mua”. Chính vì thế, vấn đề thương hiệu vẫn còn là một câu chuyện dài”./.

Bảo Thoa – Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này